Vụ bé gái 9 tuổi bị xâm hại: Cần án lệ và quy trình xử lý đặc biệt

21/03/2019 06:08 GMT+7

Vụ việc bé V.N.Q (9 tuổi, ngụ xã Hợp Đồng, H.Chương Mỹ, Hà Nội) bị xâm hại đặt ra nhiều vấn đề liên quan. Các chuyên gia cho rằng, cần một “án lệ” và quy trình xử lý đặc biệt.

Bộc lộ nhiều quan điểm khác nhau

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH, trong pháp luật về hình sự nói chung còn quy định thiếu cụ thể, chi tiết về một số hành vi xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là dâm ô. Một số chuyên gia xây dựng pháp luật cho rằng không thể quy định chi tiết hành vi; chỉ có thể quy định tội danh hình phạt trong bộ luật Hình sự (BLHS). Tuy nhiên, tại cuộc họp trực tuyến về công tác bảo vệ trẻ em mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, còn một văn bản nữa mang tính pháp lý là Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
Theo đó, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cần đưa ra hướng dẫn chi tiết. “Từ những án lệ thời gian gần đây, nảy sinh nhiều hành vi tình dục nói chung, trong đó có xâm hại tình dục trẻ em, xâm hại đồng giới… Cần phải có quy định chi tiết về hành vi này”, ông Nam nói.
Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Viện trưởng Viện KSND Q.3 (TP.HCM), cho biết bà rất đồng tình với ý kiến của các luật sư (LS) cũng như chuyên gia pháp luật trong việc phải có quy định riêng hoặc hướng xử lý thống nhất đối với nhóm tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; từ khâu tiếp nhận thông tin, thu thập chứng cứ buộc tội đến chứng cứ buộc tội trực tiếp và chứng cứ buộc tội gián tiếp...

Từ những án lệ thời gian gần đây, nảy sinh nhiều hành vi tình dục nói chung, trong đó có xâm hại tình dục trẻ em, xâm hại đồng giới... Cần phải có quy định chi tiết về hành vi này

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH

Bà Nhuệ cho rằng, hiện nay việc đánh giá chứng cứ, nhận định hành vi phạm tội của các cơ quan tố tụng ở các địa phương đối với nhóm tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đang bộc lộ nhiều quan điểm khác nhau. “Một khi quan điểm khác nhau sẽ dẫn đến xử lý ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử cũng khác nhau, và như vậy là không phù hợp. Phải có một nghị định hoặc thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể hơn”, bà Nhuệ nói.
Ở góc độ tham gia vào quá trình tố tụng, xử lý các vụ án xâm hại trẻ em, trung tá Khổng Ngọc Oanh, Đội trưởng Phòng 5 (Phòng Phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em) Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), cho biết những vụ điều tra về xâm hại trẻ em đều có khó khăn riêng khi thu thập chứng cứ, lời khai của các nạn nhân. Dẫn chứng vụ án bé H.M.K (sinh năm 2004, trú xã Tân Lộc, H.Thới Bình, Cà Mau) bị hàng xóm xâm hại tình dục nhiều lần, sau đó uất ức mà tự tử, trung tá Oanh cho rằng cháu bị xâm hại 8 lần nhưng lại rất khó điều tra bởi không có người làm chứng trực tiếp. “Nhiều khi cơ quan chức năng có biểu hiện “cầu toàn” với tài liệu chứng cứ. Chẳng hạn, cứ cho chứng cứ này còn “non”, sợ oan sai mình lại “chịu đòn”. Trong khi đó, phần lớn các vụ xâm hại trẻ em, hung thủ đều lợi dụng không gian, thời gian vắng vẻ để thực hiện hành vi. Như thế thì sao có được người làm chứng trực tiếp. Do vậy, phải khai thác tài liệu, chứng cứ từ các nguồn khác, như lời khai nạn nhân, kiểm tra hiện trường…”, trung tá Oanh nói.

“Tố tụng thân thiện với trẻ em”

Theo LS Trần Thị Ngọc Nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, đối với những trường hợp trẻ em bị xâm hại nói chung, ngay sau khi phát hiện ra vụ việc, gia đình bị hại cần nhanh chóng làm đơn tố cáo lên cơ quan công an gần nhất để đơn vị này đưa trẻ đi giám định nhằm lưu giữ lại chứng cứ. Ngoài ra, LS Nữ đề xuất cần cho các LS tham gia ngay trong giai đoạn điều tra; đồng thời nên chọn lực lượng điều tra viên là nữ giới, có nghiệp vụ chuyên sâu về lĩnh vực xâm hại trẻ em.
Ông Đặng Hoa Nam cho rằng quy định về giám định pháp y hiện nay trong các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu giám định. “Việc giám định xâm hại trẻ em vừa phải đảm bảo phục vụ cho các yêu cầu về tư pháp, vừa phải kết hợp với các dịch vụ điều trị tâm lý”, ông Nam nói.
Ngoài luật Trẻ em có đưa ra một số yêu cầu về tố tụng và xử lý vi phạm hành chính thân thiện theo hướng bảo vệ trẻ em, các văn bản luật khác chưa đáp ứng được điều này. Bộ luật Tố tụng hình sự cũng đã đưa vào một số nguyên tắc, nhưng trẻ em là đối tượng đặc biệt không thể chung với các đối tượng khác. Vì vậy, có ý kiến khuyến nghị cần có quy định tập trung thành quy định “tố tụng thân thiện với trẻ em”. “Hệ thống pháp luật tới đây cần phải bổ sung, chỉnh sửa tốt hơn nữa để thể hiện rõ hơn quy trình, tiến trình đặc biệt về tư pháp đối với trẻ em và người chưa thành niên”, ông Nam nói.
Ngày 20.3, trao đổi với PV Thanh Niên, trung tướng Trần Văn Vệ, Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB-XH vừa ban hành Thông tư liên tịch 06/2018, có hiệu lực từ ngày 5.2.2019 với những yêu cầu khá đặc biệt đối với các cơ quan tố tụng.
Theo đó, thông tư yêu cầu đối với vụ án, vụ việc có người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp chặt chẽ với nhau và phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan ngay từ khi phát hiện nguồn tin về tội phạm; khẩn trương kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm giải quyết vụ án, vụ việc nhanh chóng, kịp thời, trong thời gian ngắn nhất.
Thông tư này cũng đặt ra yêu cầu đối với điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán khi được phân công tiến hành tố tụng phải có kinh nghiệm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi; đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Đồng thời, bảo đảm việc tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, đoàn thanh niên, cơ quan, tổ chức khác cũng như việc tham gia tố tụng của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp... 
Thái Sơn
 
Cảnh báo du lịch tình dục trẻ em
Ngày 20.3, tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế), Bộ Công an và Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC) tại VN phối hợp tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 8316/QĐ-BCA-C02 ngày 26.12.2018 của Bộ Công an về “Hướng dẫn công tác phòng ngừa, nghiệp vụ tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về tội phạm xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi”.
Theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2018 có 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện tại VN, với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em. Trong đó, 1.269 vụ án xâm hại tình dục trẻ em (chiếm 82% số vụ xâm hại trẻ em), với 1.141 em bị xâm hại. Đại tá Hồ Sỹ Niêm, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, phân tích thêm về một số vấn đề nổi lên thời gian qua liên quan tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, như: hành vi xảy ra ở mọi lúc, trong gia đình, ngoài xã hội, trong nhà trường. Đối tượng thực hiện hành vi thường là người có trách nhiệm nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ; là người thân trong gia đình, người quen biết, hàng xóm...
Tại hội nghị, bà Nguyễn Nguyệt Minh, Trưởng văn phòng UNDOC tại VN, cũng đưa ra cảnh báo về thực trạng xâm hại tình dục trẻ em theo dạng du lịch tình dục, xâm hại qua mạng, đối tượng dễ xâm hại nhất là trẻ em đường phố. 
Đình Toàn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.