Vô tư biến đường sắt thành 'sân phơi'

29/05/2018 09:30 GMT+7

Người dân vô tư mở quán ăn, buôn bán… thậm chí biến đường ray thành nơi phơi thực phẩm, chứa vật liệu xây dựng... dẫn đến nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đường sắt.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trên địa bàn TP.HCM vẫn còn tồn tại nhiều điểm gây nguy hiểm.
Cụ thể, tại một số khu vực thuộc: P.Linh Đông, P.Linh Tây (Q.Thủ Đức), vẫn còn tình trạng người dân kinh doanh hoa, cây cảnh, xây hàng rào lưới B40… ngay trong hành lang an toàn giao thông đường sắt.
 
Người dân lập hàng rào lưới trồng cây cảnh ngay trong hành lang an toàn đường sắt Ảnh: Nguyễn Tiến
Tại đoạn từ km 1720+500 đến km 1721+800 (P.4, P.5, Q.Gò Vấp) những đống rác thải được chất thành “núi” nằm ngổn ngang ngay cạnh đường ray. Thậm chí, người dân thiếu ý thức đổ nước thải sinh hoạt vào đường sắt gây ô nhiễm môi trường khu vực, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng đường sắt.
Những "núi" rác thải bẩn được đổ gần đường ray Ảnh: Nguyễn Tiến
Rác thải tràn xuống mép đường ray Ảnh: Nguyễn Tiến
Tại vị trí giao cắt đường ngang Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Phú Nhuận), người dân vô tư biến đường ray tàu thành nơi trải bạt để phơi thực phẩm. Thậm chí, những đống vật liệu xây dựng, ngổn ngang cũng được dựng ngay cạnh đường ray, gây nguy hiểm khi có đoàn tàu đi qua.
Những đống vật liệu xây dựng, cây, gỗ được dựng cao gây nguy hiểm mỗi khi có đoàn tàu đi qua Ảnh: Nguyễn Tiến
Dùng lòng đường ray để phơi thực phẩm... Ảnh: Nguyễn Tiến
Tại km 1717+600 (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức), người dân mở quán ăn, quán nhậu ngay trên hành lang an toàn đường sắt. Tương tự, tại km 1716+140 (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức), km 1724+812 (P.10, Q.Phú Nhuận) và 1725+850 (P.11, Q.3) tình trạng người dân tụ tập buôn bán vẫn diễn ra, gây mất trật tự, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
Người dân dựng lều mở quán ngay trên hành lang an toàn đường sắt Ảnh: Nguyễn Tiến
Điều đáng nói, trụ đèn tín hiệu giao thông tại đường ngang km 1716+936, khu vực trại Cá sấu Hoa Cà (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) đặt ở vị trí chưa hợp lý, nên người dân điều khiển các phương tiện từ đường Kha Vạn Cân rẽ sang đường Phạm Văn Đồng phải dừng ngay trên đường ray để chờ đèn đỏ. 
Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở km 1717+600, đoạn chùa Ưu Đàm, nên khi người tham gia giao thông dừng đỗ đợi đèn đỏ, đã đỗ luôn trên đường sắt.
Đèn tín hiệu đặt sai vị trí nên người dân dừng ngay đường ray để chờ đèn đỏ Ảnh: Nguyễn Tiến
Theo ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, nếu những tình trạng này không được giải quyết nhanh chóng, dứt điểm sẽ dẫn đến nhiều rủi ro, nguy cơ gây nguy hiểm, mất an toàn. Vì vậy, ông Khôi yêu cầu các đơn vị cần khẩn trương, nhanh chóng sửa chữa kết cấu mặt bằng đường bộ, bổ sung, bố trí hợp lý lại các biển báo hiệu đường bộ tại các đường ngang trên địa bàn. 
Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, để ngăn chặn những tình trạng gây mất an toàn này tiếp tục diễn ra, Sở GTVT sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm. Đồng thời, sẽ nhanh chóng giải quyết các vấn đề liên quan đến tình trạng xả rác, nước thải sinh hoạt, nước đổ bẩn vào đường sắt, gây ô nhiễm, hư hỏng kết cấu hạ tầng đường sắt. 
Để đảm bảo an toàn hành lang đường sắt trên địa bàn TP, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM cho rằng, các ban, ngành cần phải tăng cường phối hợp, quy trách nhiệm rõ ràng. Chính quyền các cấp có tuyến đường sắt đi qua cần phối hợp chặt chẽ. Đồng thời, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt đến người dân.
Theo thống kê của Cục đường sắt Việt Nam, trong năm 2017, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 3 người, bị thương 5 người. Từ đầu năm 2018 đến ngày 30.4.2018 không xảy ra trường hợp tai nạn đường sắt nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.