Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ và ký ức người lính - Bài 1: 56 ngày đêm 'khoét núi, ngủ hầm, máu trộn bùn non'

05/05/2014 06:20 GMT+7

(TNO) Trong ký ức của ông Đặng Văn Đảm (82 tuổi, quê gốc ở Nam Hồng huyện Nam Trực, huyện Nam Định), 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” trong chiến dịch Điện Biên Phủ là những tháng ngày không thể nào quên…

(TNO) Trong ký ức của ông Đặng Văn Đảm (82 tuổi, quê gốc ở Nam Hồng, huyện Nam Trực, huyện Nam Định), 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” trong chiến dịch Điện Biên Phủ là những tháng ngày không thể nào quên…

>> Lung linh ánh nến tại đồi A1
>> Triển lãm ảnh kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ
>> Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cần chuẩn bị sớm và chu đáo
>> Triển lãm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không

60 năm đã qua đi, người lính Điện Biên năm xưa nay đã tuổi cao, sức yếu. Nhưng khi nhắc tới những địa danh Mường Thanh, Hồng Cúm, đồi A1… của "chảo lửa" Điện Biên một thời, ông Đảm như hồi sinh trở lại, hừng hực khí thế ra trận của ngày mới mười chín, đôi mươi.

Gian khổ đào hầm đặt bộc phá

Ông kể, trong kháng chiến chống Pháp tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường sau lưng địch nhưng ký ức trận đánh đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ để lại nhiều xúc cảm sâu sắc nhất.

Ông nhớ lại, đồi A1 là cứ điểm mạnh nhất án ngữ đường tấn công của ta vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ban chỉ huy chiến dịch giao cho đại đội công binh của đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung đào hầm ngầm xuyên vào lòng đồi A1 để đánh bộc phá.

56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm” qua hồi tưởng cựu binh Điện Biên
Cựu binh Đặng Văn Đảm hồi tưởng lại những tháng ngày "khoét núi, ngủ hầm, máu trộn bùn non" trong chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Ngày ấy, ông Đảm tham gia chiến đấu trong sư đoàn 316, trung đoàn 174, tiểu đoàn 251, Đại đội 671. Ông được phân công trong tổ chiến đấu đào hầm cùng với 4 đồng chí nữa là Khoan, Quảng, Tiền, Chứ. Cứ đêm xuống, quân ta lại đánh lạc hướng kẻ địch ở mục tiêu gần đó để anh em bí mật đột nhập đào hầm.

Từ cửa mở khoét sâu vào đồi chính dài hơn 80 m theo kiểu lỗ chuột. Cả sư đoàn ưu tiên một chiếc đèn ló rạng để vừa đào vừa chiếu đường ngắm cho chính xác. Ông Đảm kể, nguy hiểm nhất là khu vực cửa mở. Nếu bị phát hiện, quân địch đứng từ trên đồi cao sẽ nhả đạn pháo liên tục.

Công việc ngụy trang cửa hầm được làm rất công phu: ngoài cửa hầm có mái che phủ đất để vừa chống lựu đạn và mảnh pháo từ trên cao ném xuống vừa che mắt Pháp; đất đá đào ra đều cho vào bao dù đưa ra ngoài, sau khi đổ còn ngụy trang rất kỹ.

“Vòng quanh sườn đồi, địch bố trí hàng rào thép gai dày đặc 50 phân, gài bom, mìn zip khắp nơi. Quân địch còn dùng súng phun lửa thiêu hủy vòng quanh để quan sát. Chưa kể, có thời điểm ban đêm ta đào, ban ngày địch còn cho xe tăng ra lấp… ", ông Đảm hồi tưởng lại.

Cứ 1 người khoét, 2 người quạt, dùng cả ống nứa để đưa không khí vào. Hầm rộng nhất chỉ 80 phân, sâu tít bên trong chui vào phải cúi khom lưng. Dụng cụ khoét hầm chỉ có cuốc và xẻng dài chừng 50 phân một đầu được mài sắc như dao.

“Khoét hầm gian khổ lắm. Nhiều anh bị ngạt khí, một số khác bị vướng phải mìn của địch gãy chân, gãy tay rồi thương vong cũng nhiều lắm”, ông Đảm kể.

Cuối cùng, sau gần 1 tháng trời các chiến sĩ trong đại đội 671 thay nhau khoét hầm đặt bộc phá dài hơn 80 m vào sát tới lưng hầm cố thủ của địch trên đồi A1. Sau khi đào xong hầm này, ông Đảm và đồng đội tiếp tục đào nhiều hầm khác phục vụ cho tổng tấn công.

Xé toạc đồi A1

Khoét hầm gian khổ là thế nhưng gói bộc phá cũng gặp muôn vàn khó khăn. Bộc phá cần 1000 kg thuốc nổ, đó là khối lượng quá lớn với quân ta ở thời điểm đó.

Do tính chất cấp bách chiến dịch nên vận chuyển từ dưới xuôi lên sẽ không kịp. Thế là đoàn công binh phải ra bãi Mường Thanh nhặt những quả bom chưa nổ do Pháp thả xuống để tháo lấy thuốc nổ đưa về.

Vật liệu gói bộc phá cũng không đủ. Bộ đội ta phải nhặt cả dù xanh, dù đỏ ngoài chiến trường đưa về. Cứ 2 kg thuốc nổ được khâu thành quả bộc phá. 10 quả bó chung thành bó to bố trí thêm một kíp mìn để đưa vào hầm.

 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm” qua hồi tưởng cựu binh Điện Biên
Hố bộc phá đồi A1 - dấu tích trận chiến năm xưa vẫn còn - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Tới ngày 5.5, toàn bộ khối lượng thuốc nổ đã được lực lượng công binh đưa vào hầm bộc phá. Ông Đảm vẫn nhớ như in sau hồi phản pháo quyết liệt của quân ta vào cao điểm A1, anh hùng Nguyễn Văn Bạch giật quả nụ xòe bộc phá ngàn cân.

Đúng 20 giờ 30 phút tối 6.5, quả bộc phá phát nổ. Mặt đất rung chuyển dữ dội. Đồi A1 bị xé toạc. Tất cả các trung đoàn xông lên ào ào như vũ bão. Phần lớn quân địch chiếm đóng ở đồi A1 chết do sập hầm, số còn lại choáng váng tê liệt trong hầm.

Nghe hầm ngầm A1 thất thủ, các nơi Mường Thanh, Hồng Cúm tiêu điều. Các trung đoàn xông lên cắm cờ, gọi hàng, bắt tướng Đờ - Cát tại Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ….

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến sĩ Đặng Văn Đảm được lệnh trở về đơn vị chỉnh quân tại Thanh Hóa. Đến năm 1958, theo tiếng gọi của Tây Bắc thân thương, ông trở lại lòng chảo Mường Thanh xây dựng kinh tế mới. Từ đó cho tới nay, ông gắn bó mảnh đất này như máu thịt và chứng kiến sự hồi sinh của chảo lửa Mường Thanh từng ngày.

56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm” qua hồi tưởng cựu binh Điện Biên
Hầm hào của ta và địch trên đồi A1 còn lại ngày hôm nay - Ảnh: Nguyễn Tuấn
56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm” qua hồi tưởng cựu binh Điện Biên
Từ trên đồi A1 hôm nay nhìn thấy thung lũng Mường Thanh sầm uất, đổi thay từng ngày - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Ông kể, 60 năm về trước Mường Thanh rậm rạp lau lách um tùm. Cả cánh đồng ngổn ngang dây thép gai, tiêu điều trong khói lửa. Đồi A1, E1… bỏ hoang bom đạn rải rác khắp nơi. Là người lính vào sinh ra tử trong chiến trận nên ông hiểu hơn ai hết về giá trị của cuộc sống hòa bình.

Vẫn tinh thần người lính Điện Biên năm xưa, ông nhanh chóng bắt tay cùng dân bản khai hoang mở đất, rà phá bom mìn, lao động hăng say trong công trường C4 và xây dựng gia đình. Ông luôn dặn dò con cháu phải biết trân trọng cuộc sống hôm nay vì phải đánh đổi bằng bao xương máu của thế hệ cha anh đi trước.

Vừa kể chuyện, ông Đảm vừa khoe tấm huy hiệu cài trước ngực được tặng cách đây không lâu. Tấm huy hiệu thật đặc biệt, trong đó có hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Với người lính Điện Biên, có tấm huy hiệu Đại tướng coi như là cả báu vật đời mình. Từ khi được tặng, tôi luôn gìn giữ cẩn thận, đeo trước ngực áo lính như lúc nào Đại tướng cũng ở trong trái tim mình”, ông Đảm tự hào.

Nguyễn Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.