VN chọn đi cùng thế giới

Chí Nhân
Chí Nhân
03/11/2018 07:20 GMT+7

Nông nghiệp là lĩnh vực được lợi nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức. Hầu hết các DN trong lĩnh vực này đã chuẩn bị tâm thế để đón vận hội mới.

Là người hoạt động hàng chục năm trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản CAFATEX (TP.Cần Thơ), chia sẻ: Sáng 2.11, tôi thật sự vui mừng và phấn khởi khi Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Vui mừng vì VN chọn cách đi cùng với xu thế phát triển chung của nhân loại tiến bộ. Về tổng thể, đây là một hiệp định tiến bộ vì nó không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực thương mại mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác. Đặc biệt, hiệp định này đề cao các giá trị về sở hữu trí tuệ, quyền con người… Đó là những cơ hội lớn để đưa đất nước phát triển.
Ở góc độ DN, ông Kịch dự báo thời gian tới các sản phẩm thủy hải sản của các nước đặc biệt là những mặt hàng mà VN không có sẽ tràn vào thị trường nội địa nhiều hơn. Đó là thách thức rất lớn với công ty trong nước. Tuy nhiên người tiêu dùng sẽ được lợi vì có nhiều sự lựa chọn hơn với giá cả chắc chắn sẽ tốt hơn hiện nay. Về tổng thể người VN được hưởng lợi. Ở chiều ngược lại, hàng hóa của VN cũng có cơ hội đi ra nước ngoài, tiếp cận thị trường tốt hơn. Khi mở cửa, chúng ta đi ra với thế giới và mở cửa đón thế giới vào VN. Đây là cơ hội để các DN học hỏi và cạnh tranh với hàng hóa của các nước. Có cạnh tranh mới có sự phát triển. Vì vậy, thách thức cũng chính là cơ hội để các DN Việt tự nâng cấp mình lên theo chuẩn mực của thế giới. Cái lợi lớn nhất của CPTPP là cơ hội để VN phát triển theo đúng xu hướng tiến bộ của thế giới.
Đặc biệt, hiệp định này đề cao các giá trị về sở hữu trí tuệ, quyền con người… Đó là những cơ hội lớn để đưa đất nước phát triển
Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản CAFATEX (TP.Cần Thơ)

Nhiều DN ở các lĩnh vực khác cũng đã chuẩn bị sẵn sàng đón vận hội mới. Chăn nuôi được xem là yếu nhất và có thể thua ngay trên sân nhà khi VN tham gia CPTPP. Ý thức được điều này, các DN đã thay đổi tự “nâng cấp” để có thể bắt nhịp trong cuộc chơi lớn. Ông Phạm Thanh Hùng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ba Huân, nhận định: Lĩnh vực chăn nuôi cũng như kinh doanh thực phẩm sắp tới sẽ đối mặt nhiều khó khăn vì sản phẩm chăn nuôi ngoại với sức cạnh tranh cao sẽ vào VN nhiều hơn. Tuy nhiên, thách thức đó chính là cơ hội để DN và ngành chăn nuôi phát triển vì chúng ta phải sản xuất sản phẩm theo đúng yêu cầu thị trường. “Bản thân chúng tôi, để chuẩn bị cho cuộc chơi này đã tổ chức chăn nuôi, liên kết với nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Ở khâu chế biến, chúng tôi cũng liên tục đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng cao để có thể vừa cạnh tranh ở thị trường nội địa, đáp ứng yêu cầu cao của các kênh phân phối lớn. Ba Huân cũng xem đây là cơ hội để xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm của mình ra thế giới”, ông Hùng tâm sự.
Tương tự ở lĩnh vực rau quả, đang được coi là "hiện tượng" trên bản đồ xuất khẩu khi liên tục có kim ngạch vượt qua sản phẩm chủ lực là gạo. Điều dễ nhận thấy nhất là các loại trái cây nhập từ các thị trường cao cấp ngày càng tăng mạnh. Ở chiều ngược lại hiện nay sản phẩm rau quả xuất khẩu của VN chưa phong phú về chủng loại, đa dạng về thị trường thì CPTPP chính là cơ hội.
Ông Nguyễn Đình Mười, Giám đốc phát triển của Tập đoàn Vina T&T Group, nói: Hiện nay tỷ trọng xuất khẩu trái cây VN đi các thị trường khác ngoài Trung Quốc còn rất hạn chế; CPTPP chính là cơ hội để trái cây cũng như rau quả VN tăng xuất khẩu đi các thị trường. Để tận dụng được cơ hội này, đòi hỏi sản phẩm của VN phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn chất lượng.
Cơ hội thị trường mở ra đồng nghĩa với việc DN sẽ mạnh dạn đầu tư hỗ trợ nông dân sản xuất tốt hơn theo các tiêu chuẩn của thế giới. Từ đó từng bước kéo lĩnh vực cũng như ngành nông nghiệp phát triển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.