Vĩnh biệt ông Nguyễn Lê Bách

17/02/2016 08:51 GMT+7

Những bài viết của nguyên Đại sứ VN tại Ai Cập, Israel, Kuwait, Syria và Palestine Nguyễn Lê Bách bắt đầu xuất hiện trên Báo Thanh Niên vào khoảng cuối năm 1998, đầu năm 1999.

Những bài viết của nguyên Đại sứ VN tại Ai Cập, Israel, Kuwait, Syria và Palestine Nguyễn Lê Bách bắt đầu xuất hiện trên Báo Thanh Niên vào khoảng cuối năm 1998, đầu năm 1999.

Ông Nguyễn Lê Bách - Ảnh: Ngọc Thắng
Khi đọc những bài viết của Đại sứ Nguyễn Lê Bách, tôi vẫn luôn thắc mắc vì sao một đại sứ lại không viết về những đề tài vĩ mô, mà lại chia sẻ những góc nhìn rất riêng, đôi khi chỉ là về những chuyện nho nhỏ trong cuộc sống của kiều bào xa xứ nhưng lại rất tinh tế và lôi cuốn bằng giọng văn nhẹ nhàng, đôi khi lại dí dỏm, thậm chí hài hước...
Đến cuối tháng 6, đầu tháng 7.1999, tôi có dịp gặp Đại sứ Nguyễn Lê Bách tại thủ đô Cairo, Ai Cập khi Báo Thanh Niên đưa đoàn người mẫu VN (đã từng tham gia các chương trình ca nhạc thời trang Duyên dáng Việt Nam gây quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình hằng năm) tham dự cuộc thi Hoa hậu Thời trang quốc tế theo sự ủy nhiệm của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Chỉ sau một thời gian ngắn tiếp xúc, Đại sứ Nguyễn Lê Bách đã trở thành chú Nguyễn Lê Bách thân thiết với tất cả chúng tôi, và tôi không còn thắc mắc vì sao những bài viết của chú lại gần gũi, hấp dẫn và lôi cuốn đến thế. Và sau này, khi Đại sứ Nguyễn Lê Bách hết nhiệm kỳ, thì với Báo Thanh Niên, cũng luôn là chú Nguyễn Lê Bách thân thiết chứ không đơn thuần là cộng tác viên Nguyễn Lê Bách.
Tôi vẫn nhớ trong vài ngày ngắn ngủi ở Ai Cập, qua trò chuyện và quan sát cách xử lý công việc của chú, tôi đã học được ở chú Bách rất nhiều điều. Trong đó, có hai quan điểm sống và làm việc giúp tôi thay đổi theo hướng tích cực và trưởng thành hơn rất nhiều.
Lần đầu tiên đến đại sứ quán VN tại thủ đô Cairo sau gần một tuần quay cuồng với cuộc thi Hoa hậu thời trang quốc tế ở thành phố cảng Port Said, tôi đã có ngay cái cảm giác thân quen như trở về chốn quen thuộc của mình. Và tôi nhanh chóng phát hiện ra, bên cạnh sự đón tiếp thân tình của cô chú Bách và các anh chị em trong sứ quán, còn có cái âm thanh quen thuộc khi bóng chạm vào bàn mà tôi vẫn thường nghe vào cuối mỗi buổi chiều ở nhà, khi anh em trong báo rủ nhau làm vài ván bóng bàn trước khi về nhà. Tôi lần theo tiếng bóng giòn giã, và quả thật, có một cái bàn bóng bàn trong khuôn viên của sứ quán...
Nhìn vẻ mặt của tôi, chú Bách cười giải thích về lý do xuất hiện cái bàn bóng bàn trong sứ quán. Chú hóm hỉnh: "Công việc ngoại giao không phải lúc nào cũng làm việc trong văn phòng, trong phòng họp, mà có những việc đôi khi trao đổi trong những cuộc gặp gỡ không chính thức lại đạt kết quả tốt hơn. Thế nên đại sứ các nước đóng ở Cairo vẫn thỉnh thoảng mời nhau đi chơi golf, ngoài mặt là để giao lưu thắt chặt mối quan hệ đồng liêu, nhưng chủ yếu là để bắn đi những tín hiệu về thái độ của nước mình đối với một vấn đề gì đó. Mà chơi golf thì quá tốn kém, từ trang thiết bị gậy gộc, cho đến áo quần giày nón, lại còn chi phí sân bãi, học phí tập luyện... Mình còn khó khăn, đâu có kinh phí để đầu tư chơi golf. Chú cũng lớn tuổi, không thể chơi quần vợt, hay cầu lông, cũng không thể trả lời bạn bè là chúng tôi không quan tâm đến thể thao. Và rồi chú nghĩ đến bóng bàn, vừa phù hợp với túi tiền, hợp với thể trạng, mà anh em trong sứ quán có thể chỉ bảo cho nhau. Thế là từ đó, có vị nào mời chú đi chơi golf hay quần vợt, chú lại mời đến sứ quán giao lưu bóng bàn. Người ta ngoại giao golf, mình cũng ngoại giao bóng bàn đâu kém ai".
Có lẽ khi kể về bàn bóng bàn trong đại sứ quán VN tại Ai Cập, chú Bách chẳng hề nghĩ rằng nó lại có tác động rất tích cực đến người nghe. Với riêng tôi, từ khi nghe về "cách xử lý ngoại giao bóng bàn thay vì ngoại giao golf", tôi đã thôi không còn gồng lên để cố làm những việc quá sức, quá khả năng tài chính của mình chỉ để cho... bằng chị bằng em. Cuộc sống và công việc của tôi nhờ thế trở nên vui vẻ và nhẹ nhàng hơn, không còn bị căng thẳng nữa. Và tôi tin rằng, những người làm việc với chú, những người đọc các bài viết của chú cũng có những suy nghĩ và cái nhìn lạc quan, tỉnh táo hơn trong cuộc sống.
Chú Bách hóm hỉnh khi kể chuyện về "ngoại giao bóng bàn" bao nhiêu, thì khi đưa đoàn đến tham quan Làng Pharaon của Tiến sĩ Ragab bên sông Nile, chú lại trở nên trầm mặc và có phần bức xúc khi "trông người lại ngẫm đến ta" về cách làm du lịch sáng tạo. Theo chú Bách, "Ai Cập không chỉ biết khai thác những di tích vốn có, mà còn sáng tạo những điểm du lịch mới, nhân tạo để thu hút du khách thập phương". Nỗi trăn trở của chú Bách về khai thác tiềm năng du lịch đã được chia sẻ qua nhiều bài viết đăng trên Báo Thanh Niên. Từ đó đến nay, cũng đã 17 năm trôi qua, thế nhưng chúng ta cũng chỉ đang hài lòng với một số mô hình du lịch làng nghề của một số địa phương và tư nhân, còn một khu bảo tàng tái hiện lịch sử dựng nước và giữ nước VN như Làng Pharaon thì vẫn chưa biết đến bao giờ mới thành hiện thực.
17 năm trước, chú Bách từng thẳng thắn đặt ra câu hỏi: "Một gò Đống Đa lịch sử, ngoài bức tượng vua Quang Trung (chưa đạt yêu cầu), sao chúng ta chưa xây dựng được một khu sa bàn, chưa làm được một bức tranh tròn kiểu Borodino ở Nga hoặc Chiến thắng Tháng 10 ở Ai Cập? Chẳng lẽ các họa sĩ, kiến trúc sư của ta "chưa đủ trình độ"? Hay tại Tổng cục Du lịch không có tiền đầu tư? Tôi không tin là như vậy, bởi các nghệ sĩ hội họa, kiến trúc, điêu khắc... của ta đã từng giật bao nhiêu giải thưởng quốc tế chứ đâu có kém cỏi gì!".
Câu hỏi đó, đến nay vẫn chưa có câu trả lời bằng những công trình tương xứng, đóng góp không chỉ cho kinh tế du lịch, mà còn về giáo dục truyền thống lịch sử... Tuy nhiên, qua những bài viết của chú Bách, nhiều lớp độc giả, trong đó có tôi, đã có ý thức khai thác những thế mạnh của mình để làm đẹp cho cuộc sống...
Từ năm 1999, hằng tuần độc giả Báo Thanh Niên vẫn luôn đón chờ những bài viết của chú Nguyễn Lê Bách. Còn nhớ sau bài Lá rụng về cội, chú Bách nhận được một lá thư rất chân tình từ một bạn đọc ở TP.HCM: "Tôi nguyện cầu cho ông có đủ sức khỏe để mỗi lần mua Báo Thanh Niên cuối tuần lại có những bài ghi chép như Lá rụng về cội. Bài báo đã được photo để gửi cho mấy cái "lá" đang ở Canada, Hoa Kỳ..., để sớm hay muộn, những lá đó sẽ rụng về cội!". Tiếc là theo quy luật của thời gian, sức khỏe không cho phép chú viết bài hằng tuần trên Báo Thanh Niên.
Tuy nhiên, mỗi dịp Tết đến, chú Nguyễn Lê Bách lại dành cho bạn đọc Báo Thanh Niên những câu chuyện thú vị về ăn Tết ở xứ người, đặc biệt là ở các nước Trung Đông. Đúng 10 năm trước, nhân ngày Báo Thanh Niên kỷ niệm 20 năm thành lập Báo, chú Bách vẫn còn chia sẻ Những kỷ niệm ngọt ngào với Báo Thanh Niên. Thế nhưng Xuân này, khi Báo Thanh Niên bước qua tuổi 30, chú Bách đã không còn nữa...
Chia buồn
Được tin ông Nguyễn Lê Bách, sinh năm 1938, ngụ tại số 4 ngõ 68/53/14 đường Cầu Giấy, P.Quan Hoa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội, đã từ trần hồi 1 giờ 25 ngày 6.2.2016 (Tức ngày 28 tháng Chạp năm Ất Mùi); hưởng thọ 79 tuổi. Lễ viếng vào lúc 8 giờ 30 ngày 17.2.2016 tại Nhà tang lễ thành phố -125 Phùng Hưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang vào lúc 10 giờ 30 ngày 17.2.2016. An táng tại Đài hóa thân hoàn vũ, Hà Nội.
Ban Biên tập Báo Thanh Niên xin chia buồn cùng gia đình.
Thanh Niên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.