Việt Nam trước nguy cơ bỏ lỡ con tàu cách mạng 4.0

06/09/2017 13:31 GMT+7

Tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam năm 2017 (VietNam ICT Summit 2017) diễn ra sáng 6.9, tại Hà Nội, các chuyên gia, doanh nghiệp cảnh báo nguy cơ Việt Nam bỏ lỡ con tàu cách mạng 4.0 .

Diễn đàn có sự tham gia của hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, thảo luận về chủ đề “Việt Nam - Chuyển đổi số trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết xu hướng cuộc cách mạng 4.0 đã diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Vài năm gần đây bắt đầu bằng một số các hoạt động như trí khôn nhân tạo, thành phố thông minh, nguồn nhân lực chất lượng cao…

Về xuất phát điểm của Việt Nam, Phó thủ tướng nhắc lại những thông tin vừa mừng, vừa lo, như: Năng lực đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc, lần đầu tiên đứng thứ 47 trên thế giới; chỉ số Chính phủ điện tử tăng 10 bậc, đứng thứ 89. “Điều đáng lo khi Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về spam và là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới bị mã độc nằm sẵn trong máy tính của cả các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân”, ông Đam lưu ý.

Để bắt đầu cuộc cách mạng 4.0, vấn đề then chốt, theo Phó thủ tướng, các bộ, ngành và toàn thể xã hội phải nhận thức được tầm quan trọng của nó, bởi internet kết nội vạn vật sẽ làm xáo trộn tất cả. Với công nghiệp phần mềm, phải làm sao thực sự tin cậy, chuyên nghiệp, đi vào những lĩnh vực mới như xe tự lái, thẻ thông minh… trong đó, cộng đồng doanh nghiệp giữ vai trò tiên phong.

Phó thủ tướng nhắc nhở cần đặc biệt lưu ý vấn đề an ninh mạng. Các doanh nghiệp ứng dụng và trong lĩnh vực này phải xem đây không chỉ là cơ hội kinh doanh mà còn là trách nhiệm. Các cơ quan nhà nước phải có văn bản quy phạm hoàn chỉnh tạo ra cơ chế, nhân lực, hành lang an toàn. “Nếu không, chúng ta phải trả giá đắt hơn rất nhiều so với kết quả thu được ban đầu”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn, vấn đề chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là trung tâm của cuộc cách mạng 4.0. Ông cũng kêu gọi toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp nhập cuộc quyết liệt, mạnh mẽ. “Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ luôn song hành, hỗ trợ cùng cộng đồng doanh nghiệp”, ông Tuấn cam kết

Trong khi đó, TS Võ Trí Thành nhìn nhận, Việt Nam không nên tiếp cận một cách rụt rè mà cần phải lao vào cuộc chơi, lên ngay con tàu cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Lữ Thành Long, Phó chủ tịch VINASA, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MISA, cho biết Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng vẫn chưa nhìn thấy một “cửa” nào thực sự sáng trong cuộc cách mạng lần này. “Chỉ nhìn thấy đã bị chậm... Phải có chương trình hành động mạnh mẽ, nhanh chóng, chúng tôi chưa nhìn được điều đó và khả năng lỡ tàu lên tới 80%”, ông Long nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.