Việt Nam, Trung Quốc 'bắt tay' nhau bán chè, cà phê cho thị trường toàn cầu

14/10/2019 13:38 GMT+7

Việt Nam và Trung Quốc đều có nhiều lợi thế và vị thế trên thế giới đối với ngành hàng chè và cà phê nhưng cần phải bắt tay mở rộng hợp tác trong sản xuất nông nghiệp để cung cấp nông sản cho thị trường toàn cầu.

Cả Việt Nam và Trung Quốc đều có nhiều lợi thế và vị thế trên thế giới đối với ngành hàng chè và cà phê nhưng cần phải bắt tay mở rộng hợp tác trong sản xuất nông nghiệp để cung cấp nông sản cho thị trường toàn cầu.
Đó là quan điểm chung của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ NN-NT Trung Quốc Hàn Trường Phú tại Diễn đàn hợp tác phát triển sản xuất và tiêu thụ chè, cà phê Việt Nam - Trung Quốc diễn ra sáng nay 14.10, tại Hà Nội.

Sản phẩm tỉ đô, có vị thế toàn cầu

Chia sẻ tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc đều có lợi thế tự nhiên để sản xuất chè và cà phê. Đây là những cây trồng có sản phẩm chế biến mang về cho mỗi nước hàng tỉ USD mỗi năm nhờ xuất khẩu. Chè và cà phê đều là những thức uống tạo ra sự đam mê cuốn hút và kích thích sáng tạo hơn bất cứ sản phẩm nào.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam hiện có 257 doanh nghiệp chế biến chè quy công nghiệp với công suất chế biến đạt trên 5.204 tấn/ngày. Năm 2018, diện tích cây chè cả nước đạt khoảng 125.000 ha và có năng suất trên 1 triệu tấn búp tươi mỗi năm. Đặc biệt, Việt Nam có rất nhiều giống chè đặc sản như chè ô long, chè Phổ Nhĩ, chè thảo dược....
Đối với cà phê Việt Nam, sản phẩm này hiện được xuất khẩu trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ hai thế giới và dẫn đầu toàn cầu về cà phê robusta.
“Nếu chúng ta phối hợp hợp tác với nhau ở góc độ sản xuất và chế biến thì thị trường tiêu thụ các sản phẩm cà phê, chè không dừng lại ở Việt Nam và Trung Quốc mà có thể hướng đến thị trường 7,7 tỉ dân toàn cầu”, ông Cường nhấn mạnh.
che-viet-nam

Các doanh nhân Trung Quốc thưởng thức chè Việt Nam

Ảnh Hoàng Phan

Bộ trưởng Bộ NN-NT Trung Quốc Hàn Trường Phú cho rằng, thưởng thức ly trà sau bữa ăn đã trở thành tiêu chuẩn văn hóa ẩm thực của người Trung Quốc. Cà phê cũng là thức uống được giới trẻ lựa chọn ngày càng nhiều. Chè và cà phê của Việt Nam và Trung Quốc đều là những sản phẩm có vị thế trên thị trường thế giới.
Ông Hàn Trường Phú kỳ vọng, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè và cà phê giữa hai nước sẽ tạo ra được những sản phẩm mang thương hiệu chung, đưa hai ngành hàng quan trọng ở mỗi nước lên một tầm cao mới. “Nếu ngành chè và cà phê phát triển sẽ đóng góp chung vào sự phát triển chung của nền kinh tế ở mỗi nước”, ông Hàn Trường Phú nói.

Phối hợp kiểm soát bệnh dịch xuyên biên giới

Cũng tại buổi tọa đàm trong sáng cùng ngày, đại diện ngành nông nghiệp 2 nước cùng nhau trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề có thể hợp tác sâu trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, ngoài những loại nông sản đã xuất khẩu chính ngạch, Việt Nam cũng đã gửi hồ sơ đề xuất thêm 8 loại rau quả, nông sản khác để phía Trung Quốc tạo điều kiện xem xét xuất khẩu chính ngạch trong thời gian tới.
Trong thời gian qua, vấn đề dịch bệnh xuyên biên giới bao gồm dịch tả lợn châu Phi và sâu keo mùa thu đều gây thiệt hại nặng nề đối với nông nghiệp 2 nước. Theo đó, phía Việt Nam có đề xuất ngành nông nghiệp 2 nước cần phối hợp để tăng cường lực lượng, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong kiểm soát, ngăn chặn các loại dịch bệnh xuyên biên giới có thể gây ra thiệt hại lớn trong ngành nông nghiệp.
Ủng hộ đề xuất này, ông Hàn Trường Phú đồng ý với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giao cơ quan chuyên môn ở các bộ của 2 nước xây dựng lộ trình cụ thể đẩy mạnh nội dung hợp tác trong ngành nông nghiệp của 2 nước trong thời gian tới.
Ông Hàn Trường Phú cũng cam kết trong thời gian tới sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc khi đây vừa là sản phẩm tiêu thụ của người tiêu dùng và vừa là nguyên liệu chế biến của doanh nghiệp Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.