Việt Nam trong tim Nam Mỹ

04/02/2008 18:42 GMT+7

Đến Nam Mỹ, hãy nói “Tôi là người Việt Nam” và hãy nói về Che Guevara - đạo diễn Việt Bình khuyên tôi như thế sau hành trình 67 ngày làm phim Ký sự Amazon.

Sớm thứ bảy đẹp trời, ngồi nhâm nhi ly cà phê sữa góc quán bờ kênh Nhiêu Lộc, tôi chạnh lòng nhìn mái tóc anh đã điểm sương trắng xóa. Khi đi đầu vẫn còn xanh, trở về sau hai chuyến phiêu lưu nước ngoài, những nốt chân chim đã hằn sâu trên khóe mắt, vẫn nụ cười đôn hậu ấy, anh đùa với tôi "Anh mới có 50 thôi!".

Việt Bình là một trong số những đạo diễn mà tôi quý mến, không chỉ vì thán phục những thước phim Ký sự hỏa xa, hay Ký sự Amazon mà bởi tôi cảm động vô cùng cái chất mộc mạc, chân tình nơi anh. Gắn bó với nghề phim tài liệu mấy chục năm, ít có chốn nào trên đất nước mình anh chưa từng ghé qua để lưu lại cuộc sống thiên nhiên và để chiêm nghiệm cái tình của người Việt.

Ấy vậy mà chuyến tác nghiệp 67 ngày đêm qua 5 nước Nam Mỹ, ngôi nhà của con sông Amazon kỳ vĩ thế giới, lại là chuyến đi đặc biệt nhất mà anh và những đồng nghiệp trong đoàn làm phim TFS không bao giờ quên. Ở nơi cách quê hương nửa vòng trái đất ấy, các anh đã ôm được vào lòng ân tình của những người Việt xa xứ, tình cảm nồng nhiệt của người dân Nam Mỹ dành cho các bạn Việt Nam.

Thấm đượm tình Việt

Bước ra khỏi sân bay Sao Paulo, tâm trạng cả đoàn căng như sợi dây đàn nhưng cũng mau chóng ấm lại vì xúc động: Được tin đoàn làm phim sang, tùy viên thương mại của ta ở Brazil đã có mặt, mong ngóng các anh từ rất lâu.

Ông tùy viên thiết tha mời các anh về nhà mình chơi. Dù đoàn làm phim đã bay mất hai ngày đêm chưa kể thời gian quá cảnh  giữa các sân bay, mệt mỏi, thiếu ngủ, nhưng đêm ấy những người đồng hương xa quê vốn chưa từng biết nhau đã trò chuyện tâm tình đến sáng. Sức sống, sức chiến đấu của đoàn làm phim bừng tỉnh từ đó.

Đến ngày thứ 20, nỗi nhớ nhà cồn cào kinh khủng. "Lúc ấy đối với anh em trong đoàn, phở, cháo, cơm là những thứ rất thiêng liêng...". Hương vị của những món ăn quê hương lúc này trở thành thứ không gì có thể thay thế được.

Cũng chính trong lúc đói lòng nghĩ về món ngon quê nhà, cả đoàn làm phim được thưởng thức bữa phở do anh em trong Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil chế biến. Tập phim ghi lại hình ảnh bữa ngon đó cũng chính là tập phim được khán giả yêu thích nhất bởi cái tình ấm đến tận tâm, bởi "sự lắng đọng trong tâm hồn", bởi như giọng nói của anh giờ đây vẫn nghẹn ngào "ăn bữa phở ở sứ quán mà hương vị quê nhà đánh thức ta... Phở là sợi dây liên kết những người cùng huyết thống, màu da".

Việt Bình và Huỳnh Lâm đang thực hiện một cảnh quay
(Ảnh do TFS cung cấp)

Đến biên giới Brazil và Paraguay, trên đường đi đoàn làm phim tình cờ gặp một ban nhạc đang quay phim để khai trương cửa hàng. Ông nhạc trưởng bất ngờ hỏi "Các bạn là người Việt Nam à?". Các anh ngơ ngác đáp "Ồ, sao ông biết?". "Tôi nhìn gương mặt của các bạn. Đặc biệt là đôi mắt và nụ cười rất đôn hậu, hiền hòa. Con rể tôi cũng là người Việt Nam" -  ông mừng rỡ đáp rồi lập tức điện cho anh con rể đang ở Argentina. Thế là chỉ hơn một tiếng sau,  con rể ông đã có mặt ở biên giới. Những người Việt Nam xa xứ dù lần đầu biết nhau mà cứ như người ruột thịt lâu ngày không gặp. Nắm chặt tay đạo diễn Việt Bình, anh Việt kiều xúc động nói anh rất nhớ quê hương và sẽ sớm đưa vợ con về thăm quê. 

Nam Mỹ - Việt Nam tuy xa mà gần

Chuyến đi Amazon là một trong những thử thách lớn của người làm phim Việt, bởi nếu châu u hay châu Á là những nơi mà thông tin trên báo đài vốn đầy đủ và thông dụng thì những gì về vùng đất và con người Nam Mỹ dường như quá xa lạ mặc dù qua các cuộc kháng chiến chống xâm lược của ta, người Nam Mỹ vẫn luôn hướng về Việt Nam với sự ủng hộ và cái nhìn đầy khâm phục.

Đoàn làm phim đặt chân đến Venezuela, đất nước đang bị xáo trộn về chính trị. Tại một khách sạn, anh kỹ sư tin học bản địa đã tự hào khoe với các bạn Việt Nam một trang web của người Venezuela viết về Bác Hồ, và đặc biệt là một bài hát về vị lãnh tụ Việt Nam do một nhạc sĩ Venezuela tên tuổi sáng tác bằng tiếng bản xứ. Dù bất đồng ngôn ngữ nhưng khi những giai điệu hào hùng, xúc động này vang lên trong tập phim Những người bạn Venezuela phát trên HTV7 vài tháng trước, nhiều khán giả xem truyền hình đã bật khóc. Thư từ, điện thoại của bạn xem đài đến liên tục suốt một tháng liền khiến nhà đài phải lập một trang web với đường link riêng để phục vụ người hâm mộ.

Đạo diễn Việt Bình vẫn nhớ ở Brazil có một người Việt tên Nghĩa nổi tiếng về sản xuất dép từ lốp xe hơi. Ở đây loại dép này đã trở thành thời trang và rất thông dụng, thậm chí còn bị làm giả, làm nhái nhiều. Theo anh, loại dép này được người Nam Mỹ đón nhận nồng nhiệt như vậy bởi nhà sản xuất ra nó là người Việt Nam.

Yêu Việt Nam và Hồ Chí Minh, họ yêu cả con người và lá cờ Việt Nam. Anh kể đoàn làm phim đem theo vài chiếc áo có in hình lá cờ Tổ quốc. Đi đến đâu các bạn Nam Mỹ cũng xin. Khi được tặng, họ đón nhận với tất cả sự hồ hởi, trân trọng và... mặc ngay.

Hôm nay, uống cạn ly cà phê, Việt Bình cười tươi nói "Nếu chọn một nơi khác để sống ngoài quê hương mình, tôi sẽ chọn Nam Mỹ."

Anh khuyên tôi và bất cứ anh em nào đến Nam Mỹ, hãy nói: "Tôi là người Việt Nam” và hãy nói về Che Guevera.

Lưu Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.