Việt Nam trong tam giác quan hệ với Mỹ và Trung Quốc

13/07/2015 08:04 GMT+7

(TNO) "Hình dung Việt Nam trong tam giác quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, tam giác này lại được liên kết với nhiều đa giác quan hệ với các nước khác. Khi đó Việt Nam sẽ là một “đỉnh” trong các đa giác và trong không gian đa chiều như thế, Việt Nam sẽ không bị các nước lớn “mặc cả trên lưng mình”, PGS-TS Alexander L. Vuving phân tích.

(TNO) "Hình dung Việt Nam trong tam giác quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, tam giác này lại được liên kết với nhiều đa giác quan hệ với các nước khác. Khi đó Việt Nam sẽ là một “đỉnh” trong các đa giác và trong không gian đa chiều như thế, Việt Nam sẽ không bị các nước lớn 'mặc cả trên lưng mình'”, PGS-TS Alexander L. Vuving phân tích.

Tổng thống Barack Obama đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm lịch sử, đánh dấu một trang mới trong quan hệ hai nước - Ảnh: Reuters
Cách nay 20 năm, ngày 11.7.1995, Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao, chấm dứt gần nửa thế kỷ đối đầu, thù địch giữa 2 quốc gia. Sau 20 năm kể từ bước ngoặt lịch sử ấy, quan hệ Việt – Mỹ đã mang diện mạo mới và nhiều triển vọng đang hứa hẹn trong tương lai. Nhân dịp này, Thanh Niên Online đã có cuộc phỏng vấn Phó giáo sư - Tiến sĩ Alexander L. Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ.
"Việt Nam và Mỹ sẽ tiến tới quan hệ đối tác chiến lược"
Thanh Niên Online: Thưa PGS-TS Alexander L. Vuving, theo ông, sau hơn 20 kể từ khi hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao, những thay đổi đáng kể nhất trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ là gì và những thay đổi đó có tác động như thế nào đối với mỗi nước cũng như đối với khu vực?
PGS-TS Alexander L. Vuving: Thay đổi ngoạn mục nhất trong quan hệ Việt-Mỹ sau 20 năm bình thường hoá là từ chỗ còn là cựu thù, hai nước đã trở thành đối tác toàn diện với một tầm nhìn dài hạn.
PGS-TS Alexander L. Vuving làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Honolulu, Mỹ. Ông là chuyên gia trong các lãnh vực về an ninh châu Á, Đông Nam Á, Trung Quốc, Việt Nam và Biển Đông.
PGS-TS Alexander L. Vuving là tác giả của nhiều bài viết phân tích các vấn đề chính sách và quan hệ quốc tế trên chuyên san ngoại giao The Diplomat. Ông đồng thời là thành viên ban biên tập tờ Chính sách và chính trị châu Á (Asian Politics and Policy) của Tổ chức nghiên cứu chính sách. Các bài báo khoa học của PGS-TS Alexander L. Vuving cũng được công bố rộng rãi tại các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới.
Sự tiến triển trong quan hệ hai nước đã mở ra những cơ hội rất lớn cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền hai nước. 20 năm trước đây, sự hiện diện của Việt Nam ở Mỹ hầu như chỉ nằm chủ yếu trong ký ức về một cuộc chiến tranh mà người Mỹ muốn quên đi.
Ngày nay, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất từ Đông Nam Á vào Mỹ. Hàng hoá Việt Nam tương đối phổ biến ở Mỹ. Việt Nam hiện đứng thứ tám toàn thế giới và thứ nhất Đông Nam Á về số lượng sinh viên, học sinh đang học tập ở Mỹ.
Trong chiều ngược lại, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đồng thời, Mỹ cũng là một trong những nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Số lượng du khách đến từ Mỹ đứng thứ tư, chỉ sau Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật Bản.
Sau 20 năm, hai nước đã hiểu nhau hơn trước rất nhiều. Tin tưởng chính trị giữa hai nước cũng được nâng cao. Mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ đã trở thành một yếu tố quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ với khu vực Đông Nam Á, đồng thời là nhân tố an ninh quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thanh Niên Online: Vậy theo ông triển vọng mối quan hệ Việt Nam - Mỹ trong tương lai sẽ phát triển ra sao?
PGS-TS Alexander L. Vuving: Tôi tin là trong tương lai, Việt Nam và Mỹ sẽ tiến tới quan hệ đối tác chiến lược.
Thanh Niên Online: Mỹ hiện nay đang đẩy mạnh chiến lược tái cân bằng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong nhiều lĩnh vực, chiến lược này có những tác động gì đối với Việt Nam, thưa ông?
PGS-TS Alexander L. Vuving: Một trong những trụ cột của chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ là xây dựng quan hệ đối tác với các quốc gia quan trọng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam là một trong những quốc gia ấy. Có sự trùng lặp đáng kể trong lợi ích chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam. Hợp tác kinh tế và quốc phòng giữa hai nước sẽ tiếp tục mở rộng và nâng cao. Nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi đáng kể từ việc mở rộng và nâng cao quan hệ giữa hai nước. Việt Nam sẽ có một vị thế cao hơn trong khu vực và cũng sẽ có nhiều điều kiện để củng cố quốc phòng hơn.
Việt Nam trong tam giác quan hệ với Mỹ và Trung Quốc
Việt Nam là nhân tố tích cực tại các diễn đàn đa phương - Ảnh: Reuters
Thanh Niên Online: Thời gian qua Trung Quốc có nhiều hành động hung hăng trên Biển Đông, theo ông, trong bối cảnh đó, Mỹ có vai trò gì đối với các giải pháp để giải quyết căng thẳng ở Biển Đông. Vai trò của mối quan hệ Việt Nam – Mỹ trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực này như thế nào?
PGS-TS Alexander L. Vuving: Câu hỏi về vai trò của Mỹ ở Biển Đông chưa có câu trả lời rốt ráo. Mỹ có chiều hướng ít nhiều muốn đóng vai trò trung gian hoà giải giữa các bên tranh chấp trong khu vực. Tuy nhiên tôi không tin Mỹ có thể làm được việc này. Để làm trung gian hoà giải, anh phải được các bên tin tưởng. Tuy nhiên Trung Quốc không tin tưởng Mỹ và có thể “phản đòn”. Vai trò trung gian hoà giải của Mỹ trong vụ đá Scarborough năm 2012 đã góp phần dẫn đến việc Philippines mất đá này vào tay Trung Quốc.

Hãy hình dung Việt Nam nằm trong tam giác quan hệ với Mỹ và Trung Quốc và tam giác này lại được liên kết với nhiều đa giác quan hệ với các nước khác, như ASEAN, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, châu Âu,... Khi đó Việt Nam sẽ là một “đỉnh” trong các đa giác như các nước khác, dù họ có lớn hơn Việt Nam đến mấy. Khi di chuyển trong không gian đa chiều như thế, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để không bị các nước lớn “mặc cả trên lưng mình”.

PGS-TS Alexander L. Vuving

Mỹ cũng khó lòng đóng vai trò răn đe các bên để giữ sự ổn định trong khu vực. Khi các bên, đặc biệt là Trung Quốc, dùng các biện pháp phi quân sự, bán quân sự, “đánh dưới ngưỡng đau” thì các biện pháp răn đe quân sự truyền thống trở nên vô hiệu. Mọi biện pháp răn đe nếu có đều đã vô hiệu trong việc ngăn cản Trung Quốc xây đảo chiếm biển hiện nay.
Việt Nam và Mỹ phải hợp tác mạnh hơn nữa thì mới giữ được hoà bình ổn định trong khu vực. Có thể mở rộng hợp tác song phương ra hợp tác đa phương với các nước khác để giữ thế cân bằng chiến lược ở Biển Đông.
Thanh Niên Online: Cũng trong thời gian qua, Trung Quốc kêu gọi mối quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ, ông đánh giá thế nào về mối quan hệ này và vị trí của Việt Nam trong mối quan hệ đó như thế nào?
PGS-TS Alexander L. Vuving: Trong ý niệm “quan hệ nước lớn kiểu mới” mà Trung Quốc đưa ra mời chào Mỹ có một điều kiện là sự tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau. Tuy nhiên nếu việc kiểm soát các lãnh thổ và vùng nước ở Biển Đông và Biển Hoa Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc thì Mỹ không thể đồng ý. Hiện nay Mỹ đã thôi không nhắc đến ý niệm “quan hệ nước lớn kiểu mới” với Trung Quốc nữa.
Vai trò nào cho Việt Nam trong mối quan hệ Mỹ-Trung còn phụ thuộc nhiều vào cách nhìn và hành động của Việt Nam. Đừng hình dung Việt Nam nằm trên một đường thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vì khi đó nếu Việt Nam lại gần một bên thì sẽ rời xa bên kia một cách tương ứng. Đây không phải là cách thức tốt giúp nâng cao độc lập chủ quyền cho Việt Nam.
Hãy hình dung Việt Nam nằm trong tam giác quan hệ với Mỹ và Trung Quốc và tam giác này lại được liên kết với nhiều đa giác quan hệ với các nước khác, như ASEAN, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, châu Âu,... Khi đó Việt Nam sẽ là một “đỉnh” trong các đa giác như các nước khác, dù họ có lớn hơn Việt Nam đến mấy. Khi di chuyển trong không gian đa chiều như thế, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để không bị các nước lớn “mặc cả trên lưng mình”.
- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho Thanh Niên Online!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.