Việt Nam trao công hàm phản đối việc Trung Quốc tập trận tại Hoàng Sa

Vũ Hân
Vũ Hân
07/08/2019 18:19 GMT+7

Trong một phát ngôn đưa ra ngày 7.8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam gọi việc Trung Quốc tập trận tại Hoàng Sa là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam .

Cụ thể, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc tiến hành huấn luyện quân sự ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, việc Trung Quốc tiến hành các cuộc huấn luyện quân sự ở Hoàng Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. "Ngày 7.8, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp và trao công hàm phản đối hành động vi phạm nêu trên của phía Trung Quốc”, bà Hằng cho biết thêm.
Hành vi này, nối tiếp việc tàu Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc hoạt động trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đang gây quan ngại lớn trong khu vực và trên thế giới. Nhiều quốc gia đã lên tiếng phản đối hành vi "bắt nạt" của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhóm tàu Hải Dương 8 đã có những hoạt động phi pháp từ ngày 4.7, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu rút lui.
Mới đây nhất, ngày 5.8, Cục Hải sự Hải Nam ngang nhiên thông báo quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trong 2 ngày 6 và 7.8.
Cuộc tập trận phi pháp ngày 6.8 diễn ra tại khu vực gần đảo Phú Lâm; còn trong ngày 7.8, địa điểm tập trận xung quanh bãi Thủy Tề và Nhóm Lưỡi Liềm.
Cũng theo cơ quan này, từ 7 - 9.8, Trung Quốc sẽ tập trận ở vùng biển “phía nam đảo Hải Nam”, nhưng không nêu chi tiết cụ thể.

Mỹ kiên định chống lại kiểu hành vi hung hăng, gây bất ổn từ Trung Quốc

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Úc diễn ra ở Sydney, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay, cả Mỹ và Úc đều quan ngại về tình trạng Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
Trong cuộc họp báo chung sau cuộc họp 2+2 của Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng hai bên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper bày tỏ: “Chúng tôi tin chắc rằng không có quốc gia nào có thể kiểm soát khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và chúng tôi đang làm việc cùng với các đồng minh và đối tác của mình để giải quyết nhu cầu an ninh cấp bách của khu vực. Chúng tôi cũng kiên định chống lại kiểu hành vi hung hăng, gây bất ổn từ Trung Quốc”.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L.Engel và 4 thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã lần lượt ra tuyên bố lên án hành vi của nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8. “Tôi yêu cầu Trung Quốc rút ngay lập tức tất cả tàu khỏi vùng biển của các nước láng giềng và chấm dứt những chiến thuật dọa nạt phi pháp”, ông Engel nhấn mạnh.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 và hội nghị với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc,... Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh liên tục nêu quan ngại về diễn biến phức tạp trên thực địa, trong đó có việc tiếp diễn các hoạt động của Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và các hành động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, trái với tinh thần Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), làm xói mòn lòng tin, tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.