Việt Nam thông qua bộ chỉ số phát triển mới, đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6%

Vũ Hân
Vũ Hân
11/11/2020 09:42 GMT+7

Sáng 11.11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2021 với 12 chỉ tiêu chính như mọi năm. Tuy nhiên, bộ chỉ số năm nay là một bộ chỉ số mới .

Nhấn mạnh đóng góp của tăng năng suất lao động

Được Quốc hội tách ra để biểu quyết riêng, điều 2 với 12 chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2021 đã được 430/440 đại biểu có mặt tán thành, 7 đại biểu không tán thành, 3 đại biểu không biểu quyết.
Theo đó, mục tiêu tổng quát đưa ra cho năm 2021 tới đây vẫn là “vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.
Năm tới, Việt Nam xác định ưu tiên ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng và công trình trọng điểm quốc gia; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số.
Theo đó, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng 2021 là 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người (tăng hẳn 1.000 USD so với năm nay do tính lại GDP), tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%.
Tỷ lệ che phủ rừng, một tỷ lệ mới được đặc biệt chú ý thời gian gần đây, sau những thảm hoạ thiên nhiên, đặt mức khoảng 42% (tương đương với 2020).
Như trước đó báo Thanh Niên đã đưa tin, bộ chỉ số này khác so với các năm trước đây, với bảng so sánh cụ thể như sau:

Bộ chỉ số tăng trưởng năm 2021, với các chỉ số thay đổi được đánh dấu

Ảnh: VH

Ổn định vĩ mô, kiểm soát dịch bệnh được ưu tiên hàng đầu

Với 430/439 tán thành (7 đại biểu không tán thành, 2 đại biểu không biểu quyết), toàn bộ Nghị quyết về kinh tế - xã hội cũng đã được thông qua với 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Quốc hội đặt ra, trong đó có theo dõi chặt diễn biến quốc tế để chủ động tình hình; giảm thiểu thiệt hại từ Covid-19; đẩy nhanh nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong sản xuất vắc xin và có giải pháp để người dân tiếp cận vắc xin phòng dịch Covid-19 sớm nhất.
Về kinh tế, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy xuất khẩu, phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu. 
Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp cho phù hợp với từng vùng miền, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, số hóa, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế. Phát triển thương mại điện tử, các mô hình, phương thức kinh doanh mới, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn…
Phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, phát huy vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn gắn với văn hóa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính sách thử nghiệm cho các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới.
Phát triển mạnh kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, hộ kinh doanh cá thể.
Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phân cấp quản lý và thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đối với các cơ sở giáo dục…
Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng.
Tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, tinh giản biên chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước.
Cuối cùng, nghị quyết đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác dân vận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.