Việt Nam tăng tốc thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên người

07/12/2020 07:00 GMT+7

Với việc chính thức tiêm thử nghiệm trên người, vắc xin Covid-19 do Việt Nam sản xuất được kỳ vọng ra thương phẩm vào giữa năm 2021.

Hôm qua (6.12), trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) cho biết từ đầu tuần này, đơn vị sẽ thống nhất lần cuối tiêu chuẩn tuyển người tình nguyện tham gia nghiên cứu lâm sàng, tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19.
Ngay sau đó, sẽ có thông báo chính thức về việc tuyển chọn. “Như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo, ngày 10.12 tới, Học viện Quân y sẽ tuyển chọn người tình nguyện tiêm thử nghiệm. Người tiêm được tuyển lựa trong độ tuổi 18 - 50, là người khỏe mạnh”, đại diện Học viện Quân y cho biết.

“Bản chất của vắc xin Covid-19 là lành”

Lãnh đạo Học viện Quân y khẳng định, đơn vị thử nghiệm lâm sàng (TNLS) của học viện đã được trang bị đầy đủ về thiết bị xét nghiệm, có khu vực giường lưu cho người tình nguyện để theo dõi sức khỏe sau tiêm vắc xin; có tăng cường các y bác sĩ chuyên về cấp cứu cũng như các thiết bị để xử trí ngay nếu có phản ứng không mong muốn sau tiêm.
Thiết bị y tế cho cấp cứu và nhân lực giỏi của Bệnh viện Quân y 103 (thuộc Học viện Quân y) sẽ tham gia trong những ngày tiêm vắc xin đầu tiên.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất vắc xin, bao gồm việc cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính và sẽ giải quyết nhanh việc đăng ký, cấp phép sản phẩm, nhưng vẫn đảm bảo an toàn
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Theo các chuyên gia, người được tiêm thử nghiệm phải khỏe mạnh, không có bệnh nền, được tìm hiểu kỹ về tiền sử sức khỏe; trong đó đặc biệt chú trọng tình trạng dị ứng với thuốc, thực phẩm… vì yếu tố này liên quan nhiều đến phản ứng sau tiêm vắc xin. “Cũng như bất kỳ một thuốc nào khác, vắc xin có thể gây phản ứng không mong muốn. Đặc biệt, vắc xin Covid-19 này chưa từng tiêm trên người nên chưa có dữ liệu tại Việt Nam. Theo thông tin quốc tế, bản chất của vắc xin Covid-19 là lành. Tại Việt Nam, vắc xin đã được đánh giá trên động vật về an toàn nhưng vẫn phải chuẩn bị kỹ cho thử nghiệm, đặc biệt với những mũi tiêm đầu, người được tiêm đầu”, một chuyên gia của Bộ Y tế lưu ý.
TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ - Đào tạo (Bộ Y tế), cho biết thêm: Trước khi được Bộ Y tế phê duyệt triển khai TNLS, đơn vị nghiên cứu phát triển vắc xin phải đáp ứng những điều kiện ngặt nghèo trong giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng (trong phòng xét nghiệm và nghiên cứu trên động vật). Các nghiên cứu phải có kết quả đánh giá về độc tính, tính an toàn, tính sinh miễn dịch và đặc biệt là kết quả đánh giá về hiệu lực bảo vệ. Với vắc xin nói chung cũng như vắc xin Covid-19, có thể có miễn dịch sau tiêm, nhưng việc sử dụng tiêm trong cộng đồng cần được căn cứ vào hiệu lực bảo vệ trong thời gian bao lâu, tỷ lệ có miễn dịch sau tiêm…

Tăng tốc nhưng thận trọng

Theo Bộ Y tế, vắc xin Covid-19 được thử nghiệm trên người lần này do Công ty Nanogen (TP.HCM) nghiên cứu phát triển. Đề xuất ban đầu của nhà sản xuất là tiêm cho 60 người tình nguyện, tuy nhiên trước mắt sẽ tiêm cho 20 người.
Đánh giá hiệu quả và tính ổn định của vắc xin Covid-19 tại Vabiotech (Bộ Y tế) ẢNH: NGỌC THẮNG

Đánh giá hiệu quả và tính ổn định của vắc xin Covid-19 tại Vabiotech (Bộ Y tế)

ẢNH: NGỌC THẮNG

Lãnh đạo Học viện Quân y cho hay trong nhiều tháng qua, vắc xin Covid-19 đã được Công ty Nanogen nghiên cứu tiền lâm sàng (trên chuột, khỉ) cho kết quả an toàn và có đáp ứng miễn dịch. “Chúng tôi đã họp với lãnh đạo Cục Khoa học công nghệ - Đào tạo (Bộ Y tế), lãnh đạo Công ty Nanogen, các chuyên gia thẩm định về công tác triển khai thử nghiệm, trên nguyên tắc đảm bảo an toàn tối đa cho người tiêm tình nguyện”.
“Để đẩy nhanh tiến độ TNLS, sau tiêm mũi 1, giai đoạn 2 của tiêm thử nghiệm sẽ được triển khai rất sớm. Có thể chỉ chờ kết quả an toàn, là sẽ triển khai ngay tiêm thử nghiệm giai đoạn 2, với quy mô mở rộng thêm số người tiêm”, một cán bộ trong nhóm nghiên cứu TNLS của Học viện Quân y cho biết.
Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất vắc xin, bao gồm việc cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính và sẽ giải quyết nhanh việc đăng ký, cấp phép sản phẩm, nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư cho các đơn vị sản xuất vắc xin, đồng thời phối hợp các đơn vị liên quan để hỗ trợ các đơn vị có thể tiếp cận được nguồn vốn cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin Covid-19”.

Bao giờ có vắc xin thương phẩm “Made in Vietnam”?

Theo Cục Khoa học công nghệ - Đào tạo (Bộ Y tế), trong 4 đơn vị nghiên cứu, phát triển vắc xin Covid-19 của Việt Nam, đã có 3 đơn vị sản xuất là Ivac, Vabiotech, Nanogen hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm và đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vắc xin trên động vật. Trong đó, Công ty Nanogen đã cơ bản hoàn thành nghiên cứu tiền lâm sàng (đánh giá an toàn, hiệu quả trên động vật), hoàn tất hồ sơ triển khai TNLS giai đoạn 1, trong tháng 12. Trong giai đoạn 2, vắc xin phòng chống Covid-19 của Việt Nam dự kiến sẽ tiêm trên 600 người tình nguyện.
Trả lời Thanh Niên vào ngày 6.12, TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (Ivac; thuộc Bộ Y tế; trụ sở tại TP.Nha Trang, Khánh Hòa), cho biết nếu suôn sẻ, cuối năm 2021, vắc xin Covid-19 của Ivac sẽ hoàn tất các khâu nghiên cứu, sản xuất, mỗi năm đơn vị có thể cung cấp 6 triệu liều vắc xin Covid-19 và có thể mở rộng công suất sản xuất lên 30 triệu liều.
Trong khi đó, ông Hồ Nhân, nhà sáng lập, Tổng giám đốc Công ty Nanogen, cho biết sẽ mất khoảng 6 tháng để TNLS, dự kiến đến tháng 5.2021 có thể đưa vào tiêm chủng. “Nhưng cũng không loại trừ nếu dịch bùng phát thì Thủ tướng có thể cho kích hoạch tiêm sớm hơn. Trước mắt, công suất nhà máy có thể làm 30 triệu liều vắc xin Covid-19 tiêm mỗi năm và giá thành ước khoảng 200.000 đồng/2 liều tiêm cách nhau nửa tháng”, ông Nhân nói.

Vắc xin Covid-19 của Việt Nam sắp được tiêm thử nghiệm trên người

Phòng dịch không phụ thuộc vào vắc xin

Theo các chuyên gia, phòng dịch Covid-19 đòi hỏi các biện pháp tổng thể, kiểm soát các nguồn xâm nhập, yếu tố lây nhiễm trong cộng đồng...
Vắc xin khi được đưa vào sử dụng trong cộng đồng chỉ là một biện pháp phòng dịch, chứ không phải là giải pháp duy nhất vì “ngay cả khi có vắc xin thì hiệu quả bảo vệ cũng không thể đạt 100%. Với những vắc xin đã tiêm phòng, tỷ lệ bảo vệ chỉ đạt khoảng 95 - 98%”.
PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám - chữa bệnh (Bộ Y tế), lưu ý khi dịch Covid-19 được cảnh báo có nguy cơ lây ra cộng đồng từ các ca nhập cảnh, người cách ly không thực hiện các quy định phòng dịch, hệ thống các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phòng khám là tuyến đầu đón tiếp người bệnh cũng sẽ là nơi đối mặt với nhiều nguy cơ Covid-19 và các dịch viêm đường hô hấp cấp khác. Do đó, các bệnh viện và phòng khám có vai trò phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, đồng thời có trách nhiệm thực hiện khám bệnh an toàn, ngăn chặn nguy cơ truyền bệnh giữa người đến khám, nhân viên y tế và lây lan. “Các bệnh viện và toàn bộ trạm y tế, phòng khám tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, không xem nhẹ dịch bệnh”, ông Khuê lưu ý.
Theo Cục Quản lý khám - chữa bệnh, có 61,5% bệnh nhân Covid-19 không rõ biểu hiện lâm sàng (số liệu cập nhật đến tháng 11.2020), nhưng vẫn là nguồn lây nhiễm. Do đó, cần tuân thủ nghiêm ngặt cách ly y tế khi được yêu cầu và thực hiện phòng dịch theo khuyến cáo. Các cơ sở lưu trú, trường học, khám chữa bệnh thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, hướng dẫn phòng, chống dịch. Người dân cần thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K: khẩu trang (đeo khẩu trang tại nơi công cộng); khử khuẩn (rửa tay, vệ sinh bề mặt...); không tập trung đông người; khai báo y tế và khoảng cách (giữ khoảng cách với người khác).
Cũng theo Cục Quản lý khám - chữa bệnh, hiện chưa có thuốc được cấp phép đặc trị Covid-19, do đó người dân không nên tự tìm mua thuốc kháng sinh điều trị virus SARS-CoV-2.
Theo cập nhật phác đồ mới nhất (lần thứ 3) của Bộ Y tế, bệnh nhân Covid-19 có các triệu chứng ban đầu là sốt, ho khan, mệt mỏi, đau cơ. Một số đau họng, chảy nước mũi, nôn, tiêu chảy, ho có đờm, mất khứu giác. Bệnh nhân mắc Covid-19 cần được phân biệt với viêm đường hô hấp do các tác nhân hay gặp khác như cúm mùa, vi rút hợp bào hô hấp, do các chủng vi rút Corona thông thường khác, để theo dõi, điều trị phù hợp.
Nam Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.