Việt Nam sớm mất 5 triệu việc làm ?: Để đừng tụt hậu

Trung Hiếu
Trung Hiếu
09/07/2018 08:23 GMT+7

Bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động, nhận xét lâu nay, Việt Nam phát triển dựa trên những ngành nghề cần trưng dụng lao động giản đơn như may mặc, giày da, chế biến thủy sản, gỗ.

Nếu như mãi mãi sử dụng ưu thế này thì kinh tế VN không có cú hích nào để phát triển đi lên. Cho nên cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra thách thức cho DN trong nước là nếu không thay đổi thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Do đó, DN trong nước phải chuyển từ việc sử dụng lao động giản đơn sang những ngành nghề, công nghệ sử dụng nhiều chất xám mà VN có thế mạnh như: dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao… Nếu chuyển được sang ngành này sẽ đem lại giá trị gia tăng cao hơn nhiều lần so với may mặc, da giày, điện tử.
Đồng thời, theo bà Chi, việc áp dụng công nghệ thì trong vòng 10 - 20 năm tới sẽ dôi dư rất nhiều lao động giản đơn, trẻ tuổi từ 25 - 35 tuổi ở các khu công nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, số lao động dôi dư nên được chuyển sang ngành có tay nghề cao nhưng cũng có một bộ phận lao động bị đào thải và phải chuyển sang làm những ngành nghề phi chính thức, bất lợi hơn so với ngành nghề trước. Do đó, ở nhiều nước đã từng trải qua tình cảnh dôi dư lao động giống như VN sẽ đào tạo những kỹ năng tự học cho người lao động, kể cả từ khi còn nhỏ. Tức là người lao động không chỉ thụ động biết kỹ năng cứng, không chỉ biết làm mỗi một công đoạn, mỗi một loại máy móc mà phải biết tự học để thay đổi phù hợp với yêu cầu công việc khi công nghệ thay đổi rất nhanh.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc VitaJean, cho hay việc công ty đẩy mạnh đầu tư khoa học kỹ thuật cho việc áp dụng công nghệ vào sản xuất sẽ giúp DN không bị rơi vào tình trạng thiếu người lao động. Bởi đặc thù ngành này mỗi năm có khoảng 15 - 20% lao động “bỏ ngành may” dẫn tới DN thiếu hụt lao động. Ngoài ra, khi áp dụng công nghệ, công ty cũng tập trung đào tạo tay nghề cho người lao động từ thủ công, bán tự động sang tự động. Những công nhân dôi dư do áp dụng máy móc sẽ được đào tạo lại để phục vụ cho việc mở rộng, xây dựng nhà máy mới ở Đồng Nai, Bình Dương. Đối với số dôi dư không thể bố trí vào công việc nào sẽ được giải quyết chế độ theo quy định pháp luật.
Không chỉ do máy móc
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza), cho hay việc giảm công nhân ở TP thời gian qua còn có lý do DN không có đơn hàng, thậm chí phá sản, giải thể. Việc giảm đơn hàng này rơi vào DN may mặc, giày da.
Đồng tình ý kiến này, ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng phòng Lao động - Tiền công - Tiền lương (Sở LĐ-TB-XH TP), cho biết việc giảm lao động còn là do nhiều DN làm ăn không hiệu quả dẫn tới đơn hàng giảm.
Ông Năm cũng cho rằng số DN ở VN thay đổi công nghệ chưa đáng kể vì đa phần DN trong nước nhỏ, thiếu vốn trong khi để thay đổi dây chuyền công nghệ hiện đại cần đầu tư vốn rất lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.