Việt Nam luôn trong tim: Nối nhịp cầu thiện nguyện

Tâm Ngọc
Tâm Ngọc
28/04/2020 06:47 GMT+7

Như một mạch nguồn tự nhiên, những người con đất Việt, dù sinh sống ở bất cứ nơi nào trên khắp thế giới , hầu hết đều hướng về đất mẹ để chia sớt ngọt bùi và góp phần xây đắp quê hương.

Trong 20 năm sống ở Thụy Sĩ, chị Sương Phạm Glauser và gia đình đã có 15 năm miệt mài với việc thiện nguyện giúp đỡ người nghèo ở quê nhà. Không chỉ vậy, chị còn nỗ lực tạo dựng và quảng bá hình ảnh của người Việt Nam trong mắt bạn bè nước sở tại bằng tất cả yêu thương và tự hào. Trong những ngày dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới này, chị Sương Phạm Glauser và những người bạn lại hướng về quê nhà Bình Định bằng những việc làm cụ thể.

Mở rộng hơn nữa những vòng tay

Mỗi năm, chị Sương Phạm Glauser đều tổ chức vài ba buổi tiệc gây quỹ từ thiện. Chúng tôi có dịp chứng kiến một buổi tiệc như thế, được tổ chức tại ngôi nhà nhỏ của chị Sương trên đỉnh đồi ở Sursee (thuộc bang Luzern, Thụy Sĩ).
Buổi tiệc hôm ấy có thể đã không có gì đáng nói, nếu trong những phút cuối không có một clip đặc biệt về Việt Nam. Đó là những em bé vùng cao đến trường trong một ngày đầu xuân se lạnh, là những cụ bà rưng rưng khi được nhận những món quà sẻ chia ấm áp, là nụ cười của các học sinh khi được tham gia chương trình ngoại khóa thú vị và bổ ích… Việt Nam với những mảng màu thương yêu và tươi sáng cứ dần hiện ra như thế, thu hút sự chú ý của hàng trăm người ngồi dự.
Một buổi tiệc từ thiện đọng lại nhiều cảm xúc cho những ai tham dự. Các thành viên trong gia đình chị Sương Phạm Glauser thường dậy sớm chuẩn bị bếp núc, đồ ăn sáng cho khách đến tham dự. Khẩu phần ăn khá phong phú từ trứng ốp la, mì chiên, bánh mì, trái cây đến các loại nước uống. Với số tiền 30 CHF (khoảng 700.000 đồng) mà mỗi người đăng ký tham gia tiệc đóng góp, gia đình chị Sương trích lại được 15 CHF cho quỹ từ thiện.
Sau mấy năm đầu tạo dựng cuộc sống ở xứ người, chị Sương Phạm Glauser bắt đầu công việc thiện nguyện bằng những hỗ trợ ban đầu cho bà con quê nhà bị thiệt hại sau cơn lũ lớn cách đây 15 năm. Những bao gạo cứu trợ được người thân của chị nhanh chóng chuyển đến người nghèo ở Bình Định.
“Tôi xuất thân từ một đứa trẻ mồ côi cha từ lúc mới 3 tháng tuổi. Một mình mẹ tôi xuôi ngược buôn bán chạy chợ nuôi hai chị em. Những năm tháng gian khó ấy luôn nhắc tôi rằng: mình cần sẻ chia nhiều hơn nữa cho những mảnh đời như mấy mẹ con tôi trước đây”, chị Sương tâm sự.
Tổ chức thiện nguyện mang tên Help for Vietnam được vợ chồng chị Sương thành lập tại Thụy Sĩ cách đây khoảng 4 năm để mở rộng hơn nữa những vòng tay. Đã có vài ý kiến thắc mắc, tại sao lại là Việt Nam, một nơi cách Thụy Sĩ đến hơn 13 giờ bay? Anh Hans-Peter Glauser, chồng chị Sương, đã từ tốn giải thích: “Làm việc thiện nguyện thì ở đâu cũng tốt, không kể biên giới lãnh thổ nào. Tuy nhiên, đó là Việt Nam. Là nơi đã cho tôi những cảm nhận tuyệt vời về con người, lòng tốt và tinh thần lạc quan, vượt khó. Là nơi mà một phần trái tim tôi đã ở lại”.

Hạnh phúc lan tỏa

Anh Stefan Landolt (ở Zell, Luzern, Thụy Sĩ), một trong những khách tham dự tiệc từ thiện cho biết: “Tôi không thuộc tầng lớp khá giả nhưng với những việc làm tốt đẹp như vậy, tôi luôn sẵn lòng ủng hộ”.
Việt Nam luôn trong tim: Nối nhịp cầu thiện nguyện1

Tổ chức Help for Vietnam quảng bá hình ảnh áo dài Việt Nam với bạn bè ở Thụy Sĩ trong một tiệc gây quỹ từ thiện

ẢNH: H.F.V

Từng việc làm cụ thể của chị Sương Phạm Glauser và Tổ chức Help for Vietnam đã góp phần thay đổi nhận thức của nhiều bạn bè trong và ngoài nước. “Tại Thụy Sĩ, có hàng trăm tổ chức từ thiện lớn nhỏ rồi, nên việc có thêm một tổ chức từ thiện nữa như Help for Vietnam để kêu gọi ủng hộ cho người nghèo là không hề dễ. Thêm vào đó, Help for Vietnam cũng mới được thành lập với quy mô còn nhỏ. Tuy nhiên, việc đến tận nơi, trao tận tay những phần quà thiết thực cho người nghèo của chúng tôi đã tạo dựng được lòng tin lớn. Mọi thứ đều được minh bạch, nhất là tài chính”, anh Hans-Peter Glauser giải thích thêm.
Niềm tin đó được anh Hans-Peter Glauser bộc bạch một cách giản dị rằng: khi bạn làm một điều gì tốt đẹp thì sẽ có những điều tốt đẹp khác đến với bạn, bằng cách này hay cách khác, lúc này hay lúc kia.
Những người bạn thân thiết hoặc mới chỉ quen lần đầu của Tổ chức Help for Vietnam đều có chung cảm giác hạnh phúc lan tỏa khi nhìn thấy những nụ cười lẫn nước mắt xúc động từ em bé đến cụ già trên dải đất hình chữ S. Những câu chuyện được kể bằng hình ảnh ấy đã dần dần đi vào lòng người. Đó là, hiểu hơn về Việt Nam, thương hơn về một nền văn hóa, nể trọng hơn nữa về những bài học vượt khó…

Làm từng việc nhỏ nhất trước

Trong những năm qua, chị Sương Phạm Glauser và những người bạn đã nhiều lần đến Việt Nam, tổ chức nhiều chuyến từ thiện trên cả nước. Trong chuyến làm từ thiện tại Sa Pa cuối năm 2018, chị đã khiến cả đoàn ngạc nhiên vì độ “lăn xả” và tận tâm của mình trên từng đoạn đường. Dù lớn tuổi nhất, nhưng chị luôn là người xốc vác và năng nổ nhất. Lúc thì thấy chị đeo ba lô to đựng quà trèo qua những đoạn đường dốc núi cheo leo để vào tận thôn bản. Khi thì xuống bếp một ngôi nhà người đồng bào dân tộc đã thấy chị ở đó loay hoay nhóm lò, đun nước, nói cười với những đứa trẻ.
Chị Sương Phạm Glauser kể: “Những ánh mắt trẻ thơ ở Sa Pa, lướt qua tôi trong một lần ngồi xem những hình ảnh về Việt Nam. Lúc ấy, tôi chưa bao giờ đặt chân lên nơi vùng núi phía bắc Tổ quốc. Những thước hình rất đẹp nhưng sao như có điều gì đó níu giữ tôi dừng lại lâu hơn và muốn tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống của người dân ở đây. Nhiều vùng còn khó khăn quá. Tôi bắt gặp mình của hơn 40 năm về trước. Hồn nhiên, vô tư nhưng rồi chỉ có vậy. Tôi nghĩ đến việc mình phải làm điều gì đó có ý nghĩa hơn là chỉ cho các cháu món đồ chơi, túi bánh, cái kẹo. Tôi và Tổ chức Help for Vietnam muốn xây một sân chơi nho nhỏ trong trường, muốn sửa sang lại khu nhà vệ sinh, tài trợ cho những khóa học dạy kỹ năng sống, bảo vệ môi trường và lập những kế hoạch dài hạn hơn cho tương lai. Muốn thì làm thôi. Bắt tay từng việc nhỏ nhất trước. Cứ đi rồi sẽ đến thôi!”.
Không những bản thân tích cực với việc thiện nguyện, chị Sương Phạm Glauser còn đưa chồng người Thụy Sĩ và con gái về Việt Nam cùng tham gia với mình. Trong những chuyến thăm đến với người nghèo khó tại Quy Nhơn (Bình Định), anh Hans-Peter Glauser và bé Kajia (10 tuổi) đã đến trao quà cho từng người bệnh tại làng phong Quy Hòa. Đối với gia đình nhà Glauser, dạy con biết cách sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn hơn là điều cần phải có trong quá trình cùng con trưởng thành và khám phá cuộc sống.
Chị Sương Phạm Glauser cho biết thêm: “Đợt dịch Covid-19 này, Tổ chức Help for Vietnam đã hỗ trợ người nghèo tại Bình Định khoảng 2 tấn gạo và 120 khẩu trang. Chúng tôi cũng đang tiếp tục vận động và hy vọng với những sẻ chia nhỏ bé đó, những người gặp khó khăn trong giai đoạn đầy lo lắng và căng thẳng này sẽ phần nào được an ủi bởi tình đồng bào xa quê”.
Trong khoảng 4 năm qua, chị Sương Phạm Glauser và Tổ chức từ thiện Help for Vietnam do chị sáng lập đã xây dựng nhiều sân chơi cho trẻ em, tặng hàng chục xe lăn cho người già, người khuyết tật, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích cho thiếu nhi tại Việt Nam. Cũng từ đó, những việc làm này đã truyền cảm hứng cho nhiều trường học, nhà thờ, công ty ở Thụy Sĩ, tạo hiệu ứng cộng hưởng và lan tỏa.
Sắp tới, Tổ chức Help for Vietnam sẽ ghé thăm và xây dựng sân chơi, tặng quà cho trường học ở Mù Cang Chải (Yên Bái), tiếp nối những hoạt động từ thiện tích cực hướng về mảnh đất có tên Việt Nam...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.