Việt Nam lên tiếng về tình trạng phân biệt chủng tộc đối với người gốc Á

25/03/2021 20:07 GMT+7

Chiều 25.3, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn của Bộ, đã trả lời câu hỏi về nạn phân biệt chủng tộc với người gốc Á tại Mỹ và các quốc gia phương Tây.

Phóng viên cũng đặt vấn đề Việt Nam có phương án bảo hộ công dân ra sao trước tình hình hiện nay.
Trả lời câu hỏi này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: bảo hộ công dân là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam nói riêng cũng như trong chính sách của Đảng và nhà nước nói chung.
Các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cũng như các cơ quan trong nước đều phối hợp chặt chẽ để đảm bảo sự an toàn, quyền và lợi ích của công dân Việt Nam tại nước ngoài.
Theo bà Hằng, Chính phủ Việt Nam, cũng như các bộ ngành liên quan, thông qua các kênh làm việc khác nhau, thường xuyên đề nghị chính phủ và các cơ quan chức năng của các quốc gia đảm bảo an toàn và tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài sinh sống, làm việc và học tập một cách an toàn, có thể đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội ở các nước sở tại.
“Người Việt Nam bị xâm hại hoặc bị ảnh hưởng (bởi tình trạng phân biệt chủng tộc) có thể liên hệ và thông báo qua tổng đài bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam và đường dây nóng của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài", bà Hằng thông tin. 
Như đã được cảnh báo trên báo chí gần đây, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, nạn phân biệt đối xử với người gốc Á ngày càng tăng ở Mỹ và các nước phương tây. Nhiều cuộc tấn công nhằm vào người châu Á, trong đó có vụ xả súng tại Mỹ khiến 6 phụ nữ gốc Á thiệt mạng.

Việt Nam nỗ lực làm cầu nối giải quyết vấn đề Myanmar trong Hội đồng Bảo an

Trong một diễn biến khác, cũng tại cuộc họp báo, ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, cũng trả lời câu hỏi của các phóng viên về vấn đề Myanmar từ góc độ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA), khi Việt Nam sẽ giữ vai trò Chủ tịch luân phiên vào tháng 4 năm nay.
Theo ông Việt, từ góc độ HĐBA, đã có 2 cuộc họp chính thức, thông qua 1 tuyên bố báo chí và một Tuyên bố Chủ tịch HĐBA về vấn đề Myanmar.
Tuyên bố Chủ tịch hôm 10.3 của Hội đồng Bảo an đã kêu gọi các bên kiềm chế dùng vũ lực, bảo đảm an toàn và tiếp cận nhân đạo cho người dân; khẳng định ủng hộ tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực của ASEAN trong việc hỗ trợ Myanmar giải quyết vấn đề, với mục tiêu vì lợi ích cao nhất của người dân Myanmar.
"Việt Nam là nước láng giềng trong khu vực của Myanmar, Việt Nam là nước ASEAN duy nhất trong HĐBA Liên Hệp Quốc. Chính vì vậy, chúng tôi cũng rất quan tâm theo dõi tình hình Myanmar và tham gia một cách tích cực, chủ động trong các trao đổi về tình hình Myanmar tại ASEAN cũng như HĐBA", ông Việt cho biết. 
Việt Nam đang rất nỗ lực đóng vai trò cầu nối giữa các nỗ lực quốc tế với khu vực và với mong muốn Myanmar sớm ổn định để có thể xây dựng và phát triển đất nước, đóng góp vào ổn định khu vực ASEAN.
Cũng theo ông Việt, trong tháng 4, chưa có cuộc họp chính thức về Myanmar được lên kế hoạch. Tuy nhiên, Myanmar đã là vấn đề nằm trong chương trình nghị sự của HĐBA. Với tư cách là chủ tịch HĐBA, nếu có yêu cầu về cuộc họp thì Việt Nam sẽ xử lý yêu cầu phù hợp với hoạt động của HĐBA.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.