Việt Nam lên tiếng về tình hình phức tạp trên Biển Đông

Vũ Hân
Vũ Hân
21/04/2020 22:19 GMT+7

“Việt Nam chân thành mong muốn quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia phù hợp với UNCLOS 1982 được tôn trọng”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói, liên quan đến những diễn biến phức tạp hiện nay trên Biển Đông .

Ngày 21.4, trả lời câu hỏi của báo chí về thông tin gần đây liên quan đến tình hình phức tạp ở vùng biển của một số nước ASEAN, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Là quốc gia ở Biển Đông và thành viên ASEAN, Việt Nam quan tâm, theo dõi sát tình hình. Việt Nam chân thành mong muốn quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển 1982 được tôn trọng; các bên liên quan phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển 1982, thể hiện cam kết phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông, khu vực và trên thế giới”.
Việt Nam hiện đang đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Theo truyền thông quốc tế, tàu khảo sát Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc (trong đó có cả tàu hải cảnh lớn nhất của nước này là 5901) đã tiến hành khảo sát ngày thứ 5 trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, gần khu vực tàu khai thác của hãng dầu khí quốc gia Malaysia Petronas, và cũng gần vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia.
Cùng với đó, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cùng nhóm tàu hộ tống cũng đang hoạt động trong khu vực Biển Đông.
Ngày 19.4, Bộ Dân chính Trung Quốc cũng công bố cái gọi là tên chuẩn và tọa độ của 25 đảo, bãi đá ngầm cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông; phần lớn nằm trong quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Liên quan đến những diễn biến này, theo Reuters, 2 tàu chiến của Mỹ cũng đã được triển khai ở Biển Đông, gần khu vực căng thẳng giữa Malaysia và Trung Quốc (khu vực tàu Hải Dương 8 đang hoạt động).
Tàu đổ bộ USS America và tàu tuần dương USS Bunker Hill đã được Mỹ triển khai ở Biển Đông, theo người phát ngôn của Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo phía Mỹ, hoạt động này nhằm duy trì tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, duy trì luật lệ quốc tế và đảm bảo an ninh khu vực.
“Mỹ ủng hộ nỗ lực của các đồng minh và đối tác trong việc bảo vệ lợi ích kinh tế của mình”, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh cho biết.
Chuẩn đô đốc Fred Kacher, Tư lệnh tàu USS America, cho biết lực lượng của ông đã có tương tác với hải quân Trung Quốc, nhưng dừng ở mức “an toàn” và “chuyên nghiệp”.
Trước đó, cơ quan chức năng Mỹ cũng đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc “chấm dứt hành vi bắt nạt”, nêu quan ngại trước các hành vi khiêu khích của Trung Quốc hướng đến hoạt động khai thác dầu và khí trên Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng việc các quốc gia tập trung đối phó với dịch Covid-19 để chèn ép láng giềng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.