Việt Nam lần đầu đăng cai hội thảo quản lý lục quân Thái Bình Dương

Vũ Hân
Vũ Hân
20/08/2018 15:03 GMT+7

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Lục quân Mỹ cho rằng, việc lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức PAMS càng khẳng định sự tham gia cũng như vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Sáng nay 20.8, tại Hà Nội, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Mỹ đồng tổ chức hội thảo Quản lý lục quân Thái Bình Dương lần thứ 42 (PAMS 42), với chủ đề “Hợp tác giữa lục quân các nước khu vực Ấn Độ Dương, châu Á - Thái Bình Dương trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa”.
Hội thảo có sự tham dự của đại biểu lục quân 27 nước như Anh, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Việt Nam...
Mở đầu hội thảo, thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, gửi lời thăm hỏi và chia buồn tới thân nhân và gia đình nạn nhân vụ vỡ đập thủy điện tại Lào, động đất ở Indonesia, lũ lụt ở Nhật Bản mới đây, và nhấn mạnh những sự cố và thảm họa trên cho thấy chủ đề PAMS 42 là rất thời sự và thiết thực.
Nêu thực tế khu vực Ấn Độ Dương, châu Á - Thái Bình Dương thường xuyên phải đối mặt với nhiều loại thiên tai bão lũ, động đất, núi lửa phun trào, thậm chí cả sóng thần, trong khi biến đổi khí hậu khiến thảm họa thiên nhiên xảy ra dày đặc hơn, tàn phá nặng nề hơn,... thượng tướng Phan Văn Giang cho rằng, những thảm họa lớn như bão Naris ở Myanmar, Hải Yến ở Philippines cho thấy, nỗ lực của mỗi quốc gia đôi khi quá nhỏ bé trước sự tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên, cần thiết phải có sự hợp tác giữa các nước trong và ngoài khu vực.
“Khi thảm họa thiên tai xảy ra, việc ứng phó phải được triển khai tức thì và đó là thế mạnh của quân đội, nhưng để khôi phục cuộc sống bình thường, tất cả các nguồn lực cần được huy động và được điều phối phù hợp. Do đó, hội thảo là cơ hội quý để trao đổi kinh nghiệm không chỉ giữa lực lượng quân sự với nhau, mà còn giữa các lực lượng quân sự và các lực lượng khác cùng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa”, thượng tướng Phan Văn Giang nói.
Thượng tướng Phan Văn Giang cũng bày tỏ tin tưởng nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm quý báu, nhiều ý tưởng sáng tạo sẽ được trình bày tại hội thảo, hướng tới đích chung là nâng cao hiệu quả hoạt động, để quân đội thực sự là địa chỉ tin cậy của người dân.
Thượng tướng Phan Văn Giang cũng hy vọng thông qua hoạt động nhân đạo này, lực lượng quân đội các nước sẽ tin tưởng nhau hơn, làm tiền đề cho các hợp tác khác vì một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển.
Chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa
Ngay sau lễ khai mạc, thượng tướng Phạm Hồng Hương, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, và đại tướng Robert B.Brown, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Mỹ, đã đồng chủ trì buổi họp báo về PAMS 42.
Tại buổi họp báo, thượng tướng Phạm Hồng Hương cho biết, đây là lần thứ 7 Việt Nam tham gia PAMS, nhưng là đầu tiên đăng cai cùng với Mỹ tổ chức sự kiện thường niên để các sĩ quan cấp cao của lục quân các nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm quý báu trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.
Bên cạnh đó, thượng tướng Phạm Hồng Hương cũng cho hay, Việt Nam mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong khu vực và thế giới. Thông qua hội thảo, Việt Nam cũng muốn giới thiệu về đất nước, con người và Quân đội nhân dân Việt Nam, một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Về năng lực cứu trợ thảm họa của quân đội Việt Nam, đặc biệt với các sự kiện mang tầm quốc tế, thượng tướng Hương cho biết: “Trong bất cứ sự cố thiên tai nào, quân đội luôn là lực lượng có mặt sớm nhất, chứng tỏ chúng tôi có sự chuẩn bị rất tốt ngay từ khi thảm họa chưa xảy ra. Chúng tôi đang chủ trương xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; trong đó có một số quân, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại... nên năng lực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa của quân đội cũng được nâng lên. PAMS tuy không phải một cơ chế mang tính ràng buộc, nhưng Quân đội nhân dân Việt Nam sẵn sàng tham gia cứu trợ các nước khác khi được đề nghị” và “sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống”.
Đại tướng Robert B.Brown cũng khẳng định Mỹ cam kết phục vụ hòa bình trên thế giới cũng như hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Ông Brown đánh giá việc lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức PAMS càng khẳng định sự tham gia cũng như vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Bên lề PAMS 42, Bộ Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Mỹ sẽ tổ chức hội nghị Lãnh đạo hạ sĩ quan lần thứ 4 (SEL 4) và mời Bộ Quốc phòng Việt Nam cử cán bộ tham dự với tư cách quan sát viên.
Theo Bộ Quốc phòng, chương trình PAMS 42 sẽ có 3 phiên họp toàn thể.
Phiên thứ nhất là "Ứng phó ban đầu của các lực lượng lục quân trong hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa", diễn giả của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và Quân đội nhân dân Việt Nam thuyết trình các chuyên đề liên quan.
Phiên thứ hai là "Hợp tác đa phương trong hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa", diễn giả của Quân đội Nepal, Quân đội nhân dân Việt Nam và Giám đốc Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa khu vực (RHCC) thuyết trình các chuyên đề liên quan.
Phiên thứ ba là "Nâng cao vai trò của hợp tác khu vực trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa" do diễn giả của New Zealand, Mỹ và Quân đội nhân dân Việt Nam thuyết trình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.