'Việt Nam không lệ thuộc kinh tế bất cứ quốc gia nào'

13/06/2014 03:00 GMT+7

Đó là khẳng định của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trước lo ngại của các đại biểu Quốc hội khi nền kinh tế của Việt Nam phải phụ thuộc vào “ông láng giềng to người, xấu bụng”, tại phiên chất vấn chiều 12.6.

 
Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: Ngọc Thắng

Trong thách thức có cơ hội

Mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu (ĐB) đều bày tỏ sự tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền suốt hơn một tháng qua kể từ khi Trung Quốc (TQ) có hành vi ngang ngược hạ đặt giàn khoan trái phép, xâm phạm chủ quyền của VN. Các ĐB cũng lo ngại tác động tiêu cực có thể lan tỏa trên lĩnh vực kinh tế.

 

...Cả thế giới, các tổ chức, chính phủ đều ủng hộ VN bảo vệ chủ quyền... Đó là chính nghĩa nên chúng ta được ủng hộ. Chính nghĩa sẽ chiến thắng, là kinh nghiệm xương máu và truyền thống của chúng ta. VN đấu tranh bằng biện pháp hòa bình thông qua chính trị, ngoại giao, đấu tranh hiện trường và dư luận xã hội

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt vấn đề: “Khi thảo luận tại hội trường nhiều ĐB nêu nền kinh tế của VN đang lệ thuộc vào người láng giềng to người nhưng xấu bụng. Vậy xin hỏi Phó thủ tướng, để biến khó khăn thành cơ hội Chính phủ có giải pháp gì để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động hội nhập gắn với an ninh quốc phòng để không phụ thuộc vào nước ngoài?”.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Đến nay chúng ta không phụ thuộc vào nền kinh tế của bất cứ nước nào”. Tuy nhiên, trong một thế giới phẳng, xu hướng tất yếu hội nhập theo Phó thủ tướng không có bất cứ quốc gia nào độc lập hoàn toàn. Vì vậy, các giải pháp đặt ra sắp tới thứ nhất tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế nâng cao chất lượng, hiệu quả. Thứ hai, đẩy mạnh thu hút đầu tư thông qua cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi. Thứ ba, nâng cao sức mạnh nội tại của nền kinh tế thông qua người dân và doanh nghiệp để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời tiếp tục cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Biện pháp quan trọng nhất mà các ĐB quan tâm là phát triển thị trường, theo Phó thủ tướng, VN đã có chủ trương mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và nhấn mạnh đến 2015, VN sẽ ký kết được 16 Hiệp định tự do (AFTA) với 55 nước và vùng lãnh thổ gồm các cường quốc lớn. Đây là cơ hội mở rộng phát triển thị trường, đa dạng hóa thương mại.

Cho rằng trong thách thức có cơ hội, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhận định hành vi ngang ngược của TQ đang càng khiến cho người Việt trên khắp thế giới đoàn kết một lòng hơn. ĐB Ngân đặt câu hỏi: “Cờ VN được Việt kiều phất cao tung bay khắp các thành phố tại nhiều nước trên thế giới. Đúng là trong họa có phúc, trong thách thức có cơ hội. Vậy Chính phủ đã, sẽ làm gì nắm bắt cơ hội này?”.

 


Ảnh: Ngọc Thắng 

Cờ VN được Việt kiều phất cao tung bay khắp các thành phố tại nhiều nước trên thế giới. Đúng là trong họa có phúc, trong thách thức có cơ hội. Vậy Chính phủ đã, sẽ làm gì nắm bắt cơ hội này?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Phó thủ tướng đáp: “Vừa rồi TQ xâm phạm vùng biển của chúng ta đặt giàn khoan trái phép, cả thế giới, các tổ chức, chính phủ đều ủng hộ VN. Hôm qua tôi tiếp Chủ tịch danh dự Hiệp hội Luật gia thế giới, ông rất ủng hộ VN bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Đó là chính nghĩa nên chúng ta được ủng hộ. Chính nghĩa sẽ chiến thắng, là kinh nghiệm xương máu và truyền thống của chúng ta. VN đấu tranh bằng biện pháp hòa bình thông qua chính trị, ngoại giao, đấu tranh hiện trường và dư luận xã hội. VN làm hết sức mình giữ mối quan hệ hữu nghị, cùng nhau tôn trọng phát triển trong thế giới hội nhập, quyền lợi và trách nhiệm được chia sẻ”.

Gần như 100% DN bị phá hoại đã hoạt động tốt

Lo ngại những hiệu ứng, tác động dẫn tới hành vi phá hoại vừa qua của một số phần tử xấu làm mất lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài, ĐB Nguyễn Bá Thuyền đề nghị Chính phủ cho biết các giải pháp cụ thể để ngăn ngừa, lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư ngoại.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bổ sung lao động, giảm thuế… “Đặc biệt biện pháp về thủ tục hành chính, như thủ tục cấp giấy phép đầu tư lẽ ra theo quy định 10 ngày, nhưng chúng ta chỉ làm trong mấy tiếng đồng hồ” - Phó thủ tướng nói và cho biết thêm, tính đến thời điểm hiện tại gần như 100% doanh nghiệp bị phá hoại đã quay trở lại hoạt động, kể cả các doanh nghiệp của TQ và Đài Loan, tình hình sản xuất kinh doanh khá tốt.

Không dừng lại ở đó, theo Phó thủ tướng thời gian tới các bộ, ngành tiếp tục tăng cường biện pháp hỗ trợ, cải thiện môi trường, thủ tục để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp.

Bao nhiêu “ông” cán bộ có tài sản lớn?

Dẫn báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho biết tình hình tội phạm chưa được chặn đứng, tham nhũng chưa được đẩy lùi đang gây bức xúc, bất an, lo lắng trong nhân dân. “Là người được giao chỉ đạo lĩnh vực nóng này. Xin Phó thủ tướng cho biết giải pháp đẩy mạnh, đột phá để ngăn chặn”.

Đồng tình với đánh giá trên, Phó thủ tướng cho biết vừa qua Chính phủ triển khai nhiều chủ trương, biện pháp đạt được nhiều kết quả trong phòng chống tội phạm, tham nhũng. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là băng nhóm xã hội đen, tội phạm ma túy, buôn người. Do đó, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật, cả hệ thống chính trị vào cuộc trong đó nòng cốt là lực lượng công an.

ĐB Tiến tiếp tục chất vấn: “Vừa qua chúng ta kê khai tài sản nhưng không công khai để người dân giám sát. Một số cán bộ cao cấp đương chức hoặc nghỉ hưu phát lộ ra những khối tài sản khổng lồ. Xin được hỏi Phó thủ tướng từ trước đến nay có bao nhiêu cán bộ công chức công khai khối tài sản của mình và phải giải trình?”.

Thừa nhận việc công khai tài sản kèm giải trình hiện nay làm chưa được tốt, tuy nhiên Phó thủ tướng cũng cho rằng về mặt pháp lý Chính phủ có hai nghị định quan trọng gồm: Xử lý trách nhiệm người đứng đầu và minh bạch tài sản thu nhập. Hai văn bản này góp phần quan trọng chống tham nhũng. “Số liệu cụ thể bao nhiêu ông cán bộ có tài sản lớn thì chỉ có qua thanh tra, kiểm tra mới phát hiện đầy đủ. Hy vọng các cơ quan thanh tra sắp tới sẽ làm tốt công việc này” - ông Phúc nói và báo cáo trước QH sẽ làm mạnh mẽ hơn việc công khai tài sản, minh bạch thông qua giải trình.

Anh Vũ

>> Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: ‘Chúng ta không lệ thuộc nền kinh tế bất cứ nước nào’
>> Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ngư dân đang bị đe dọa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.