Việt Nam được khuyến nghị tập trung tiêm vắc xin cho người trên 65 tuổi

Lê Hiệp
Lê Hiệp
12/08/2021 20:36 GMT+7

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc khuyến nghị Việt Nam tập trung ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho người trên 65 tuổi.

Tiêm ít nhất một mũi vắc xin cho nhiều người nhất có thể

Chiều ngày 12.8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, đến chào từ biệt trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt đánh giá cao vai trò tích cực của các tổ chức Liên Hợp Quốc trong hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19 thông qua nhiều hình thức khác nhau, từ nghiên cứu, đánh giá tác động về kinh tế - xã hội của dịch đến tư vấn chính sách, đặc biệt là tham gia vận động vắc xin cho Việt Nam qua chương trình COVAX, hỗ trợ vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch.
Ông Kamal Malhotra khẳng định, ưu tiên cao nhất của các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam hiện nay là hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19, đặc biệt là tham gia vận động vắc xin thông qua cơ chế COVAX và hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin để Việt Nam có thể tự chủ về vắc xin.
Đến nay, cơ chế COVAX đã hỗ trợ Việt Nam gần 10 triệu liều vắc xin, chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các nguồn cung cấp vắc xin cho Việt Nam hiện nay.
Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc cũng khuyến nghị Việt Nam tập trung ưu tiên tiêm vắc xin cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền, cố gắng tiêm ít nhất một mũi vắc xin cho nhiều người nhất có thể.

TP.HCM kiến nghị tiêm vắc xin Covid-19 cho 20.000 người nghiện và người trong diện bảo trợ xã hội

Đồng hành cùng Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước

Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị trong thời gian tới Liên Hợp Quốc tiếp tục có các tư vấn chính sách kịp thời, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho Việt Nam. Trong đó ưu tiên hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tận dụng tốt nhất cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, bền vững hơn, bao trùm hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau, phù hợp với xu thế quốc tế.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và ông Kamal Malhotra tại buổi tiếp

Ảnh TTXVN

Chủ tịch nước một lần nữa khẳng định Việt Nam coi trọng chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế và ủng hộ Liên Hợp Quốc tiếp tục phát huy vai trò trung tâm trong thúc đẩy tình đoàn kết và sự hợp tác giữa các quốc gia để giải quyết các thách thức toàn cầu, gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế và thúc đẩy sự thịnh vượng trên thế giới.
Ông Phúc cũng nhấn mạnh Việt Nam đã và sẽ tiếp tục là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc, tiếp tục đóng góp một cách chủ động, tích cực, có trách nhiệm tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, các cam kết theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Ông Kamal Malhotra nhấn mạnh các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam mong muốn hỗ trợ Việt Nam thực hiện các ưu tiên phát triển trong nước cũng như nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Do đó, bên cạnh các hoạt động hợp tác, hỗ trợ về phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), thời gian qua, các tổ chức Liên Hợp Quốc đã có nhiều sáng kiến và nỗ lực hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực phụ nữ, hoà bình và an ninh, tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình và đảm nhiệm vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2020 - 2021).
Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc khẳng định Việt Nam ngày càng có vai trò, tiếng nói quan trọng tại Liên hợp quốc do sự tham gia, đóng góp chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào công việc chung của cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc.
Ông Kamal Malhotra cam kết các tổ chức Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước và cá nhân ông sau này cũng sẽ tiếp tục yêu mến và ủng hộ Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.