Việt Nam - Campuchia ký văn kiện ghi nhận thành quả 36 năm đàm phán biên giới

Vũ Hân
Vũ Hân
04/10/2019 17:05 GMT+7

Việt Nam và Campuchia sẽ ký kết 2 văn kiện pháp lý ghi nhận 84% thành quả công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền , đánh dấu một mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử hai nước.

Cảm ơn sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của Việt Nam trong đẩy lùi chế độ diệt chủng

Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen thăm chính thức Việt Nam từ 4 - 5.10.
Sáng nay 4.10, sau lễ đón chính thức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Hun Sen.
Bày tỏ vui mừng đón Thủ tướng Hun Sen sang thăm chính thức Việt Nam lần thứ hai kể từ khi Chính phủ Campuchia nhiệm kỳ 6 được thành lập, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chúc mừng Thủ tướng Hun Sen, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) về những thành tựu nổi bật trong điều hành đất nước.

Hai Thủ tướng thể hiện tình cảm hữu nghị thắm thiết trong lễn đón sáng nay

Ảnh Quang Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen khẳng định quan hệ Việt Nam và Campuchia là quan hệ anh em gắn kết, bền chặt không thể tách rời. Hai nước đã từng kề vai sát cánh, cùng hy sinh xương máu đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân mỗi nước. Đó là tài sản quý báu mà cả hai nước cùng quyết tâm gìn giữ và không ngừng nuôi dưỡng, truyền cảm hứng cho các thế hệ con cháu mai sau.
Thủ tướng Hun Sen một lần nữa cảm ơn sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của Việt Nam giúp Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng, cũng như sự trợ giúp chí tình của Việt Nam giúp Campuchia hồi sinh đất nước ngay cả khi Việt Nam cũng đang gặp khó khăn vì bao vây cấm vận.

Ghi nhận thành quả 36 năm đàm phán cắm mốc biên giới

Chuyến thăm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi hai nước sẽ ký 2 văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả 84% công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen đều nhận định đây là sự kiện chính trị hết sức quan trọng, đánh dấu một dấu mốc lịch sử trong tiến trình giải quyết biên giới giữa hai nước, là nền tảng để hai bên tiến tới hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước.
Ngày 5.10, hai Thủ tướng cũng sẽ đồng chủ trì hội nghị tổng kết công tác phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Campuchia từ năm 2006 đến nay. Mốc lịch sử trọng đại này đã ghi nhận thành quả của 36 năm đàm phán để có được một đường biên giới tương đối hoàn chỉnh ngày nay.

Thủ tướng Hun Sen đã gửi lời cảm ơn sự giúp đỡ chí tình của Việt Nam trong giai đoạn Campuchia bị bao vây giữa muôn trùng khó khăn

Ảnh Quang Phúc

Sau khi hoàn tất việc phân giới, cắm mốc biên giới đất liền với Lào, Trung Quốc, nếu hoàn thiện được nốt 16% còn lại của tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, thì Việt Nam sẽ trở thành nước duy nhất ở Đông Nam Á có tuyến biên giới được khẳng định về mặt pháp lý.
Đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia đã được hoạch định trong Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia ký ngày 27.12.1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia ký ngày 10.10.2005.
Trên cơ sở 2 hiệp ước này, Việt Nam và Campuchia đã triển khai công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền từ đầu năm 1986.
Hiện nay, Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới trên đất liền dài khoảng 1.245 km, điểm khởi đầu ở vị trí là giao điểm đường biên giới 3 nước Việt Nam - Campuchia - Lào; điểm kết thúc ở vị trí cuối cùng của đường biên giới đất liền trên bờ vịnh Thái Lan tiếp giáp giữa tỉnh Kiên Giang (Việt Nam) và tỉnh Kampot (Campuchia).
Đường biên giới này đi qua địa giới hành chính 10 tỉnh của Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang) và 9 tỉnh của Campuchia (Rattanakiri, Mondulkiri, Kratié, Tboung Khmum, Svay Rieng, Prey Veng, Kandal, Takeo, Kampot).
Năm 1983, tại Hiệp định về Quy chế biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia, hai nước đã thoả thuận mở 8 cửa khẩu đường bộ và đường sông, đến nay, toàn tuyến có 41 cặp cửa khẩu (10 cặp cửa khẩu quốc tế, 11 cặp cửa khẩu chính và 20 cặp cửa khẩu phụ) đang hoạt động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.