Việt Nam - Campuchia cho rằng căng thẳng trên Biển Đông cần được giải quyết theo UNCLOS

Vũ Hân
Vũ Hân
05/10/2019 18:59 GMT+7

Chiều 5.10, Việt Nam và Campuchia đã ra tuyên bố chung nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Campuchia Hun Sen .

Trong tuyên bố chung, hai bên nhất trí nhiều nội dung hợp tác trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, công nghệ, viễn thông, du lịch, hợp tác biên giới...
Hai bên cũng khẳng định cùng quyết tâm gìn giữ và không ngừng nuôi dưỡng, phát triển quan hệ hai nước lên những tầm cao mới trên cơ sở tin cậy chính trị, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng và ủng hộ lẫn nhau theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.
Trong tuyên bố chung, hai bên nhắc lại lập trường của ASEAN về Biển Đông nêu tại các tuyên bố chung gần đây, đặc biệt là Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) ngày 31.7 tại Bangkok, Thái Lan.
Hai bên cho rằng, tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông cần phải sớm được giải quyết một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS).
Trước đó, tại tuyên bố chung được phát đi, các Bộ trưởng ASEAN ghi nhận quan ngại về các hoạt động tôn tạo, bồi đắp, đặc biệt là những sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông, đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và gây phương hại tới hoà bình, an ninh và ổn định khu vực.
Theo đó, ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước luật Biển 1982, kêu gọi các bên kiềm chế, không quân sự hoá và tránh có các hành động làm phức tạp tình hình; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Ông Lucio Blanco Pitlo III, Nghiên cứu sinh của Quỹ Con đường phát triển châu Á - Thái Bình Dương, Giảng viên chương trình Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Ateneo de Manila, cho rằng trái ngược với Tuyên bố của Chủ tịch Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 26 và Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 9 (EAS), trong đó Biển Đông chỉ đứng thứ hai về tầm quan trọng (sau Bán đảo Triều Tiên) trong các vấn đề khu vực và quốc tế, thông cáo chung của AMM-52 đã coi Biển Đông là vấn đề ưu tiên.
So với các tuyên bố của ARF và EAS, tuyên bố của AMM - 52 đã nâng từ “lo ngại về việc cải tạo đất đai và các hoạt động trong khu vực” Biển Đông, thành “các sự cố nghiêm trọng trong khu vực”.
Cụm từ “các sự cố nghiêm trọng trong khu vực” xuất hiện sau một số sự cố gần đây, bao gồm sự đổ bộ của các tàu Trung Quốc trong khu vực Trường Sa, Thị Tứ và sự tham gia của một tàu Trung Quốc trong vụ chìm tàu đánh cá Philippines ở bãi Cỏ Rong vào tháng 6 năm ngoái...
Cụm từ “những sự cố nghiêm trọng trong khu vực” đã luôn vắng mặt trong các thông cáo chung trước đó của AMM. Tại hội nghị năm 2015 tại Kuala Lumpur (Malaysia), ASAN đã ghi nhận những lo ngại nghiêm trọng của một số Bộ trưởng Ngoại giao “về việc cải tạo đất đai” trên thực địa.
Năm 2016, tại Vientiane (Lào), lo ngại về “những hoạt động leo thang trong khu vực” được đưa vào thông cáo chung. Tại hội nghị năm 2017 diễn ra ở Manila (Philippines), lo ngại được đặt ra với “việc cải tạo đất đai và các hoạt động trong khu vực”, như đã đề cập đến ở trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.