Việt kiều Mỹ: ‘Từng con đường, góc phố Việt như thầm gọi tôi trở về’

12/11/2016 11:29 GMT+7

Lần đầu tiên về Việt Nam, GS Kiều Linh (Việt kiều Mỹ) có cảm nhận rất thân thiết với những người xa lạ, chưa từng quen biết, từ con đường, góc phố đến cột đèn, vỉa hè ở phố cổ như thầm gọi bà trở về.

Sáng 12.11, hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng TP.HCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” diễn ra ở TP.HCM.

Phát biểu tại hội nghị, GS Kiều Linh Caroline Valverde (Việt kiều Mỹ) nói về tham luận tiềm năng phát triển vủa VN và TP.HCM và vai trò của kiều bào giới thiệu văn hóa VN ra nước ngoài. Bà Kiều Linh hiện là GS giảng dạy tại Đại học UC Davis và dành nhiều thời gian để nghiên cứu về mối quan hệ giữa VN và cộng đồng Việt kiều.

Giới thiệu về bản thân, bà Kiều Linh cho hay xuất thân từ một gia đình bình thường. Tuổi thơ của bà Linh được nuôi dưỡng bởi tình thương của ông bà nội. Ba tuổi, bà mới được nhìn thấy người bố, 5 tuổi được gặp mẹ. Ngày gặp mẹ cũng là ngày bà được mẹ bế ra sân bay để sang Mỹ.

“Nếu tiếng Việt của tôi không chuẩn thì xin quý vị rộng lòng tha thứ vì một phần nào đó do biến động của tuổi thơ tôi. Trong khi mọi người ở đây được nói tiếng Việt là bình thường thì với tôi việt nói mẹ đẻ là một sự cố gắng”, bà Linh nói.

Bà Linh kể 25 trước đây, khi còn là thanh niên, bà không biết một từ tiếng Việt nào và hoàn toàn mù mịt về nơi mình sinh ra. Vào đại học, dù xác định mình là người Mỹ nhưng không hiểu tại sao bà Linh vẫn thấy mình khác với bạn bè xung quanh. Từ đó bà Linh nhìn lại mình, nhìn lại cuộc đời qua những tấm ảnh đã mai một, giúp bà nhận ra gốc tích của mình. “Nhiều người hỏi tôi là người Mỹ hay người Việt Nam, tôi trả lời là mình 100% người Mỹ nhưng cũng 100% nước mắm”, bà Linh nói trong sự vỗ tay của đại biểu dưới hội trường.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng trò chuyện với Việt kiều Trung Dung

Năm 1993, bà Linh về Việt Nam để học tiếng Việt. Khi đáp máy bay tới Hà Nội, cảm nhận đầu tiên đây là một nơi rất xa lạ nhưng rất ngạc nhiên bà Linh có cảm nhận rất thân thiết với những người xa lạ, chưa từng quen biết, từ con đường, góc phố đến từng cột đèn, vỉa hè ở phố cổ như thầm gọi đứa con xa xứ trở về từ Mỹ.

Nhiều năm sau đó, bà Linh nhiều lần trở về VN. Những năm tháng đó đã giúp bà có những trải nghiệm về quê hương Việt Nam và hoàn thành đề tài nghiên cứu, viết sách về Việt Nam.  Song Song đó bà Linh đã giảng dạy cho nhiều thanh niên có quá khứ giống bà, giúp họ hiểu hơn về quê hương, con người Việt Nam, rồi giúp những sinh viên Việt Nam qua Mỹ du học.

“Nếu mình để mặc kệ không nuôi dưỡng nhân tài thì khác nào để tương lai vào vận may như một hòn bi lăn trên vòng quay. Ngược lại, nếu có một chính sách tốt sẽ kêu gọi người Việt Nam khắp mọi nơi xây dựng đất nước tươi sáng hơn. Nếu mình quyết tâm sẽ đưa Việt Nam trở thành ngôi sao sáng trong cộng đồng thế giới”, bà Linh nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay Đảng và nhà nước luôn xác định công đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Kiều bào dù xa Tổ quốc nhưng luôn mang trong mình lòng yêu nước, quê hương, hướng về cội nguồn. Kiều bào là cầu nối tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Các hoạt động về khoa học – công nghệ, đầu tư, kinh doanh, tài chính của kiều bào hiện nay đã trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trò chuyện với Việt kiều Trung Dung

“Đất nước rất cần tri thức, kinh nghiệm, trí tuệ và nhiệt huyết của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định trong số 500 đại biểu kiều bào có mặt tại đây có vốn tri thức, kinh nghiệm phong phú và đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nhiều nước trên thế giới, nhưng có một điểm chung vô cùng quý báu và đáng trân trọng là đều tâm huyết với sự phồn vinh của đất nước.

Trong hai ngày 12 và 13.11, các bộ ngành, cơ quan ở TP.HCM cùng với 500 kiều bào sẽ thảo luận về những chủ đề phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, khoa học, thương mại… để xây dựng, phát triển TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.