Viện KSND kháng nghị tăng án đối với bị cáo Trầm Bê

Phan Thương
Phan Thương
14/08/2020 05:31 GMT+7

Ngoài 2 bị cáo Trầm Bê, Phan Huy Khang, nhiều bị cáo khác nguyên là cán bộ Ngân hàng Phương Nam cũng bị kháng nghị tăng án.

Viện KSND TP.HCM (VKS) vừa có quyết định kháng nghị một phần bản án sơ thẩm về hình phạt và trách nhiệm bồi thường đối với một số bị cáo trong vụ án gây thiệt hại cho Ngân hàng (NH) Phương Nam hơn 81,771 tỉ đồng và 9.205 lượng vàng SJC (làm tròn). Theo đó, VKS đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng tăng nặng hình phạt tù đối với bị cáo Trầm Bê (61 tuổi), nguyên Phó chủ tịch HĐQT NH Phương Nam (năm 2015 sáp nhập vào Sacombank - PV), bị cáo Phan Huy Khang (47 tuổi), nguyên Phó tổng giám đốc NH Phương Nam và 6 bị cáo khác nguyên là cán bộ NH Phương Nam; không cho bị cáo Trầm Viết Trung hưởng án treo; buộc bị cáo Trầm Bê, Phan Huy Khang và 7 bị cáo liên đới cùng Dương Thanh Cường bồi thường cho Sacombank.

Vì sao “đại gia” Trầm Bê phải tiếp tục hầu tòa?

HĐXX sơ thẩm xử dưới khung liền kề không đúng

Cụ thể, về trách nhiệm hình sự, kháng nghị nêu, Trầm Bê, Phan Huy Khang và 7 bị cáo nguyên là nhân viên NH Phương Nam đã phạm tội “vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, khi ký vào biên bản đồng ý cho Dương Thanh Cường vay tiền, gây thiệt hại cho NH Phương Nam nhưng HĐXX sơ thẩm tuyên phạt Trầm Bê, Phan Huy Khang trong khung hình phạt tại khoản 1, điều 179 bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, dưới khung liền kề là không đúng quy định tại khoản 2, điều 54 BLHS năm 2015. Cụ thể, điều khoản này quy định “tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng không bắt buộc phải trong khung liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể”; trong khi đó bị cáo Trầm Bê, Phan Huy Khang là người chịu trách nhiệm chính trong vụ án, phạm tội cố ý gây hậu quả nghiêm trọng, không phải là đồng phạm giúp sức.
Ngoài ra, kháng nghị nêu, 6 bị cáo: Phạm Trường Giang, Trần Quang Thắng, Phan Thị Hồng Vân, Trịnh Bích Nga, Ngô Văn Huổl, Nguyễn Văn Phong (đều là nguyên cán bộ thuộc NH Phương Nam) phạm tội với vai trò giúp sức tích cực. Song mức án mà HĐXX sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Viện KSND kháng nghị tăng án đối với bị cáo Trầm Bê1

Bị cáo Dương Thanh Cường tại phiên tòa sơ thẩm

ẢNH: KHẢ HÒA

Đối với bị cáo Trầm Viết Trung (nguyên Giám đốc Trung tâm xét duyệt tín dụng NH Phương Nam), theo kháng nghị của VKS, bị cáo này phạm tội với lỗi cố ý, phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả thiệt hại hơn 127 tỉ đồng, thuộc trường hợp phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Căn cứ khoản 1 điều 3 Nghị quyết 02/2018 của HĐTP TAND tối cao, đây là trường hợp không cho hưởng án treo. Quá trình điều tra, bị cáo Trung không thừa nhận hành vi phạm tội. Do đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trung 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo là không có căn cứ.
Theo cáo trạng, 9 bị cáo thuộc nhóm NH Phương Nam bị truy tố theo khoản 3 điều 179 BLHS năm 1999 (khung hình phạt từ 10 - 20 năm tù). HĐXX sơ thẩm đều tuyên các bị cáo này ở khoản 1 của điều luật. Cụ thể, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trầm Bê 3 năm tù, tổng hợp 4 năm tù trong “đại án” VNCB, bị cáo Trầm Bê lãnh mức án chung là 7 năm tù; Phan Huy Khang bị tuyên 2 năm 6 tháng tù, tổng hợp 3 năm tù trong “đại án” VNCB, bị cáo Khang lãnh mức án chung là 5 năm 6 tháng tù; 7 bị cáo là cấp dưới nguyên là cán bộ NH Phương Nam lãnh án từ 1 năm tù (cho hưởng án treo) - 2 năm tù.

Nhóm bị cáo ngân hàng liên đới bồi thường hơn 319 tỉ đồng

Về trách nhiệm dân sự, kháng nghị cho rằng các bị cáo nguyên là cán bộ NH Phương Nam đã vi phạm quy định về cho vay, để Dương Thanh Cường chiếm đoạt 185 tỉ đồng, dẫn đến Sacombank thiệt hại hơn 505 tỉ đồng.
Vì vậy, căn cứ điều 48 BLHS năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại; Điều 587 bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây thiệt hại, thì những người này phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường theo phần bằng nhau. Từ đó, VKS kháng nghị theo hướng buộc Dương Thanh Cường trả lại 185 tỉ đồng đã chiếm đoạt và buộc 9 bị cáo liên đới cùng Dương Thanh Cường bồi thường hơn 319 tỉ đồng cho Sacombank.
Tuy nhiên, bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM buộc Dương Thanh Cường bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Sacombank. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.