STEAM - Cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tương lai

Kim Lan
Kim Lan
06/03/2019 10:00 GMT+7

Cơ hội cho các bạn học ngành STEAM đang rất lớn khi bất kỳ xu thế kinh tế tương lai nào cũng đòi hỏi một nền tảng công nghệ.

Trong năm 2019, VNG đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 500 nhân sự có nền tảng STEAM. Với tỷ lệ phỏng vấn 4 ứng viên sẽ chọn được 1 ứng viên phù hợp, thì trung bình VNG phải phỏng vấn 2.000 ứng viên. Con số này chiếm 60% số lượng nhân lực mới tại Việt Nam, để cho thấy cơ hội là rất lớn cho các bạn học ngành STEAM.

Ngành STEAM là gì?

Khái niệm STEAM còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng đã là “kim chỉ nam” rất thịnh hành trong lĩnh vực giáo dục ở các quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới như Mỹ, Nhật… STEAM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Arts (Nghệ thuật) và Mathematics (Toán học).
STEAM vốn là mô hình học tập chủ yếu dựa trên thực hành và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các phương pháp giáo dục tiến bộ, linh hoạt như Học qua dự án - chủ đề, Học qua trò chơi và đặc biệt phương pháp Học qua thực hành luôn được áp dụng triệt để cho các môn học tích hợp STEAM.
Hình dung một cách khái quát, mô hình giáo dục STEAM hướng đến việc trang bị cho người học một hệ thống kiến thức và kỹ năng linh hoạt, đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau với tính ứng dụng thực tế rất cao.

Triển vọng của STEAM cho cơ hội nghề nghiệp tại Việt Nam

Trong buổi talkshow mới đây với chủ đề “STEAM và Triển vọng Nghề nghiệp tại Việt Nam” tại Đại học Fulbright Việt Nam, ông Lê Hồng Minh, CEO VNG, đã chia sẻ về nhu cầu nhân lực của ngành STEAM.
Theo ông Minh, trong năm nay, VNG có nhu cầu tuyển dụng hơn 500 nhân sự có nền tảng STEAM. Với tỷ lệ phỏng vấn là 1:4, tức phỏng vấn 4 ứng viên sẽ chọn được 1 ứng viên phù hợp, thì trung bình VNG phải phỏng vấn 2000 ứng viên. Con số này chiếm 60% số lượng nhân lực mới tại Việt Nam, để cho thấy cơ hội là rất lớn cho các bạn học ngành STEAM.
Ông Lê Hồng Minh tin tưởng, trong 10 năm tới, công nghệ sẽ thay đổi rất nhiều nền kinh tế. Các lĩnh vực từ tài chính, y tế, đầu tư,... đều sẽ có những thay đổi , ảnh hưởng tích cực từ công nghệ mang lại. Ví dụ như lĩnh vực y tế sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi công nghệ, đòi hỏi các bác sĩ cần hiểu rõ về công nghệ.
Ông Lê Hồng Minh tin tưởng, trong 10 năm tới, công nghệ sẽ thay đổi rất nhiều nền kinh tế Ảnh: Đào Hải

Công nghệ có ảnh hưởng đến lĩnh vực đầu tư và tài chính ?

“Khi Minh chia sẻ công nghệ trở thành yếu tố cần thiết của các phần khác nhau ở trong cuộc sống thì nó có nghĩa là không quan trọng bạn làm gì, bạn có thể sử dụng công nghệ vào công việc của mình. Lấy 1 ví dụ về tài chính, đầu tư, khi bạn muốn vay 1 khoản tiền tại ngân hàng, bạn sẽ mất nhiều thời gian để viết đơn, kiểm tra và xét duyệt. Tuy nhiên trong 10 năm tới, những vấn đề đó sẽ rút ngắn bởi ứng dụng công nghệ. Đó cũng là 1 ví dụ để cho thấy ảnh hưởng của công nghệ đến mọi lĩnh vực trong nền kinh tế trong tương lai”, ông Lê Hồng Minh nói.
“Rủi ro lớn nhất của các công ty công nghệ là họ không bắt kịp được sự phát triển của công nghệ. Chính vì thế, VNG cũng ý thức mình cần phải hiểu rõ các thay đổi và thích ứng nhanh về công nghệ, nhân lực, nguồn lực để nắm bắt những thay đổi. Đó là một rủi ro, nhưng mặt lợi của chuyện đó là gì? Khi mình thích ứng được với xu hướng công nghệ, mình sẽ có cơ hội phát triển rất là nhanh. Mặt khác, lợi thế cạnh tranh của các công ty công nghệ chính là nguồn nhân lực, kiến thức nền tảng chuyên sâu so với các đối thủ", ông Minh phân tích.

Công nghệ có đáp ứng được sự sáng tạo ?

“Theo Minh nhiều thứ chúng ta đang để trong phạm trù của sáng tạo là những thứ diễn ra mà chúng ta không thể giải thích được, chẳng hạn như một người có kỹ năng viết lách tốt, người lên ý tưởng cho các chủ đề, người có thể làm nhạc,... nhưng thật sự ta không giải thích được nó vì thế hiện tại, ta đang nói nó là sự sáng tạo", ông Minh nhận định.
Đề cập đến khả năng áp dụng công nghệ trong những lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo cá nhân, ông Minh nhận xét: "Có thể trong 20 năm nữa, ta có thể giải thích tất cả về trí tuệ của con người. Nếu ta nhìn ở khía cạnh công nghệ, não của con người chính là một chiếc máy tính được vận hành tốt nhất trên thế giới".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.