Nhân lực chỉ dựa vào 'đông và rẻ' mà không nâng chất sẽ là bất lợi

24/05/2018 15:02 GMT+7

Theo các chuyên gia, nhân công Việt Nam nếu chỉ dừng lại, trông chờ ở số lượng dồi dào, mức nhân công rẻ, mà không có chiến lược nâng trình độ nhân lực, sẽ là bất lợi lớn trong cạnh tranh với nhiều quốc gia khác.

Ngày 22.5, Trường đại học Văn Hiến tổ chức hội thảo “Hợp tác đầu tư các nước Đông Á - Việt Nam” nhằm tạo diễn đàn cho các nhà khoa học trình bày các vấn đề liên quan đến việc hợp tác đầu tư giữa các quốc gia Đông Á và các nước ASEAN; hợp tác đầu tư vào vấn đề đào tạo chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng và tạo việc làm cho người lao động.
Với đề tài tham luận "vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, tạo việc làm cho người lao động", PGS.TS Trần Xuân Cầu, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng việc FDI đầu tư vào Việt Nam là xu hướng tất yếu, có nhiều tác động tích cực vào nguồn lao động nước ta. Điều này không chỉ giúp quy mô việc làm tăng lên mà còn giúp thay đổi cơ cấu nguồn nhân lực. Trong đó, chất lượng nguồn lực cũng sẽ được đảm bảo".
“Đây chính là cơ hội để thu hút được nguồn lao động trẻ. Tuy nhiên, vì tính ổn định cho người lao động chưa cao nên trong quá trình làm việc, người lao động sẽ gặp nhiều mâu thuẫn, thách thức. Nguyên nhân, chúng ta đi từ nền nông nghiệp nông thôn nên chưa ứng dụng được công nghệ hiện đại về công nghệ, máy móc, kỹ thuật vào công việc. Tiếp đó, là vấn đề về sức khỏe của lao động nước ta không được như các quốc gia khác. Cuối cùng đó chính là xung đột về văn hóa và ngôn ngữ trong quá trình làm việc”,  PGS.TS Trần Xuân Cầu nhận định.
TS Hồ Cao Việt, Trưởng khoa Kinh tế Trường Đại học Văn Hiến, cũng cho rằng Việt Nam muốn trở thành quốc gia phát triển thì trước tiên cần phải có vốn đầu tư và nguồn lao động có chất lượng. Tuy nhiên, làm sao để nâng cao chất lượng lao động, đó chính là vấn đề đặt ra cho ngành giáo dục.
“Ngành giáo dục nói chung và các trường đại học, cao đẳng… trên cả nước nói riêng, trước mắt cần phải định hướng ngay từ đầu cho học sinh. Đồng thời, tập trung xây dựng các chiến lượt trong đào tạo, nhằm giúp cho sinh viên nắm vững kiến thức. Khuyến khích các em có sự cầu tiến, học hỏi những tiến bộ trên thế giới. Đặc biệt, cần tạo môi trường cho sinh viên trải nghiệm và ứng dụng các kiến thức vào công việc thực tế”, TS Hồ Cao Việt nhấn mạnh.
PGS - TS Trần Thị Lan Hương, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhìn nhận nếu chỉ trông chờ vào nhân lực dồi dào, mức nhân công rẻ, mà không có chiến lược nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp... thì sẽ là bất lợi lớn khi cạnh tranh với nhiều quốc gia khác.
PGS - TS Trần Thị Lan Hương: Chỉ dựa mãi vào đông và rẻ mà không nâng chất thì sẽ là một bất lợi lớn trong cạnh tranh quốc gia Ảnh: ĐHVH
“Hiện nay, nước ta có nguồn nhân lực dồi dào so với các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp của lao động lại ở mức rất thấp. Đây chính là lý do khiến mức nhân công ở nước ta thấp như hiện nay. Chính vì vậy, tôi hy vọng công tác đào tạo cần được nâng cao, các trường học cần phải phối hợp nhiều hơn với doanh nghiệp, liên kết giữa việc học tại trường và việc làm thực tiễn. Ngoài ra, cần kết hợp đào tạo với doanh nghiệp để sinh viên có nhiều cơ hội tìm được việc làm sau khi ra trường”, bà Hương kiến nghị.
Tiến sĩ Charles Ramendran đến từ trường Đại học Tunku Abdul Rahman (Malaysia) chia sẻ "nên chú trọng khuyến khích các nhà hoạch định chính sách của địa phương, trung ương, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội của Việt Nam và người lao động. Từ đó, góp phần tạo cơ hội hợp tác đầu tư giữa các quốc gia Đông Á và các nước ASEAN, hợp tác đầu tư vào hoạt động đào tạo chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng và tạo việc làm cho người lao động".
Theo số liệu thống kê của Tổng cục thống kê, tính hết năm 2016, quy mô của lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là 54,4 triệu người, trong số đó người trong độ tuổi lao động là 53,3 triệu người.
Lực lượng lao động thanh niên (15 - 24 tuổi) cả nước chiếm 13,8% tổng lực lượng lao động, tương đương với hơn 7,5 triệu người. Đây là nhóm tuổi có tiềm năng tiếp thu được những tri thức mới, kỹ năng mới để nâng cao năng xuất lao động, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.
Tỷ lệ dân số và lao động có độ tuổi từ 15 trở lên cao là điều thuận lợi và là nguồn lực vô cùng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Nếu tận dụng tốt được cơ hội này thì Việt Nam đã tận dụng được nguồn lực khổng lồ mà không phải tại thời điểm nào cũng có được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.