Vị tướng tài ba, kiên định của Trường Sơn

Lê Hiệp
Lê Hiệp
10/04/2019 10:00 GMT+7

Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phạm Văn Trà khẳng định nhắc tới tướng Đồng Sỹ Nguyên là nhắc tới một vị tướng tài ba, bản lĩnh và kiên định.

“Anh Nguyên luôn nhắc không có dân thì các anh không thành anh hùng được”. Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1997 - 2006) vẫn nhớ như in lời căn dặn của người đồng đội, người anh - trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, mỗi lần 2 người có dịp gặp gỡ.
Chúng tôi gặp tướng Trà một ngày sau thông tin trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ), nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, qua đời. Trong căn phòng riêng ở Nhà khách Bộ Quốc phòng, vị đại tướng kể, ông vừa mới một mình vào thăm ông Nguyên chỉ vài tiếng trước khi ông mất. Khi ấy, ông Nguyên nằm trên giường bệnh và gần như không còn biết những gì đang xảy ra xung quanh.

Nhắc tới Trường Sơn thì phải nhắc tới anh Đồng Sỹ Nguyên

Nhắc tới tướng Đồng Sỹ Nguyên, ông Trà tự nhận mình là thế hệ sau và cũng không có nhiều dịp cùng chiến đấu, công tác. Song nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định nhắc tới tướng Đồng Sỹ Nguyên là nhắc tới một vị tướng tài ba, bản lĩnh và kiên định. Theo đại tướng Phạm Văn Trà, sự nghiệp của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với tuyến đường Trường Sơn huyền thoại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài chẵn 30 năm của dân tộc.
Ông Đồng Sỹ Nguyên Ảnh: Ngọc Thắng
Ông Đồng Sỹ Nguyên Ảnh: Ngọc Thắng
“Đường Trường Sơn thì chúng ta đã bắt đầu đi từ năm 1963 với người mở đường là anh Võ Bẩm. Nhưng nhắc tới Trường Sơn thì phải nhắc tới anh Đồng Sỹ Nguyên”, tướng Trà nói.
Ông Trà kể trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được Bác Hồ và Bộ Quốc phòng cử vào Trường Sơn từ năm 1967. Đó là thời điểm cuộc chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn ác liệt khi Mỹ bắt đầu đưa quân vào VN. Khi đó, Mỹ đã phát hiện ra đường Trường Sơn, nên đánh phá quyết liệt để chặn đường tiếp tế, không cho bộ đội từ miền Bắc tiếp tế vào chiến trường miền Nam, nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng tại miền Nam.
Trong thời điểm “ác liệt và khó khăn nhất” đó, tướng Đồng Sỹ Nguyên được giao nhiệm vụ phụ trách đường Trường Sơn, và ông cùng lực lượng có lúc lên đến hơn 120.000 quân, gồm nhiều binh chủng, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ giữ vững mạch máu giao thông, tiếp tế cho chiến trường miền Nam. “Khi lãnh nhiệm vụ chỉ huy, anh Nguyên đã cùng cán bộ, chiến sĩ bố trí cung đường, binh trạm sao cho phù hợp. Cung đường mà địch ném bom ác liệt thì dùng bộ đội chính quy, còn ở những cung đường ít ác liệt hơn thì sử dụng thanh niên xung phong, dân công nhiều hơn”, tướng Trà nói.
Tướng Trà cho hay thời điểm đó, Bộ Tư lệnh 559 (từ 1970 được đổi thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn - PV), vừa phải làm đường, đồng thời phải bố trí lực lượng bảo vệ như phòng không, pháo binh vì máy bay Mỹ bắn phá, ném bom rất dữ dội. “Chỉ huy một đội quân hỗn hợp lên đến cả trăm ngàn người vừa phải làm đường, vừa phải chiến đấu bảo vệ con đường xuyên suốt để tiếp tế cho miền Nam thì phải thừa nhận anh Nguyên là một vị tướng tài. Và đó cũng là công lớn của anh Nguyên”, tướng Trà nhận định.
“Anh ấy đã quyết làm là phải làm kiên quyết và làm cho được. Bất luận gì cũng phải làm cho được. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, không kiên quyết, không kiên định như anh Nguyên thì rất khó làm được”, ông Trà nói thêm và cho biết chính nhờ những đóng góp to lớn đó, ông là 1 trong 2 người được phong vượt cấp từ đại tá lên trung tướng vào năm 1974. “Trong lịch sử quân đội VN hiện đại, những trường hợp phong vượt cấp như vậy rất hiếm. Chỉ có ông Lê Đức Anh và ông Đồng Sỹ Nguyên. Từ đó về sau cũng không còn trường hợp nào nữa”, ông Trà kể.

Người luôn trăn trở với thời cuộc

Không chỉ quyết liệt trong thời chiến, theo tướng Trà, ngay cả trong thời bình, khi đã chuyển ngạch dân sự, làm Bộ trưởng Bộ Giao thông, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi tận tới lúc đã nghỉ hưu, ông vẫn là “người luôn trăn trở với thời cuộc”.
Theo tướng Trà, khi ấy, ông Đồng Sỹ Nguyên được chuyển sang ngạch dân sự, phụ trách lĩnh vực giao thông, rồi xây dựng là vì ông đã có sẵn kinh nghiệm trong những năm tháng chỉ huy ở Bộ Tư lệnh Trường Sơn. “Lúc bấy giờ hòa bình mới lập lại, xây dựng cơ sở hạ tầng, khôi phục đất nước sau những năm bị chiến tranh tàn phá là rất quan trọng đồng thời cũng là việc rất khó, cần có những người có năng lực, trí tuệ mới làm được”, tướng Trà nhớ lại.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng cho biết một lý do nữa khiến tướng Đồng Sỹ Nguyên “được chọn” nắm lĩnh vực giao thông, xây dựng khi ấy là vì “ông chỉ huy thì chúng nó nghe” dù có thể “chuyên môn ông không giỏi”. “Mà cũng phải như vậy thì mới chỉ huy được chứ chỉ huy mà quân cứ ì ra thì cũng chết”, đại tướng Phạm Văn Trà nói thêm.
Ông Trà cho biết ngay cả khi đã về nghỉ, ông vẫn luôn quan tâm và có những góp ý quan trọng đối với Chính phủ. “Ông rất nóng tính và quyết liệt nên khi thấy những đóng góp của mình mà Chính phủ chần chừ ông đã cáu, nói rằng: “Các ông không nghe thì chúng tôi sẽ biểu tình đấy”… Tất nhiên là ông nói đùa thôi nhưng rõ ràng ông là một người rất quyết liệt”, tướng Trà nhớ lại.
“Anh luôn căn dặn chúng tôi phải cố gắng rèn luyện quân đội làm sao giữ được phẩm chất của bộ đội cụ Hồ, luôn luôn gắn bó với dân. Anh nói: Phải coi dân như cha mẹ của mình, phải coi dân là gốc để giành chiến thắng. Anh còn nói: Các anh là anh hùng đấy nhưng không có dân thì cũng không thể trở thành anh hùng được. Cho nên, mình là anh hùng nhưng đóng góp của mình chỉ nhỏ thôi chứ đừng lấy cái đó mà kiêu căng”, tướng Trà bồi hồi nhớ lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.