Vì sao Viện KSND cấp cao kháng nghị hủy 2 bản án về 'tàu 67' nằm bờ?

Hữu Trà
Hữu Trà
23/07/2018 11:00 GMT+7

Viện KSND cấp cao tại TP.Đà Nẵng đã kháng nghị hủy 2 bản án của TAND tỉnh Quảng Nam và TAND TP. Tam Kỳ liên quan đến vụ kiện của một ngư dân ở Quảng Nam.

Theo đó, Viện KSND cấp cao tại TP.Đà Nẵng ngày 16.7 đã quyết định kháng nghị đối với bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 12/2018/KDTM-PT ngày 30.1.2018 của TAND tỉnh Quảng Nam; đồng thời, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án nêu trên và bản án sơ thẩm số 77/2017/DS-ST ngày 30.8.2017 của TAND TP.Tam Kỳ (Quảng Nam), giao hồ sơ cho tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại.
Đây là vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán hệ thống máy đẩy thủy và hợp đồng dịch vụ đóng tàu” giữa nguyên đơn là ông Trần Văn Liên (xã Bình Minh, H.Thăng Bình, Quảng Nam), bị đơn là Công ty cổ phần tập đoàn Liên Á (trụ sở tại Hà Nội, gọi tắt là Công ty Liên Á) và Công ty cổ phần đóng tàu Bảo Duy (trụ sở tại TP.Đà Nẵng, gọi tắt là Công ty Bảo Duy).
Theo hồ sơ vụ án, ngày 18.9.2015, ông Liên ký hợp đồng đóng tàu vỏ thép QNa 94678 TS với Công ty Bảo Duy.
Đến ngày 3.12.2015, ông Liên tiếp tục ký hợp đồng mua bán hệ thống đẩy thủy đồng bộ gồm động cơ diesel hiệu Mitsubishi (Nhật Bản) và hộp giảm tốc đảo chiều do Hangzhou (Trung Quốc) sản xuất với giá 2,8 tỉ đồng với Công ty Liên Á.
Sau khi hoàn thành việc lắp máy cho con tàu, ngày 26.3.2016, Công ty Liên Á cùng Công ty Bảo Duy thử máy, và ký biên bản nổ thử hệ thống máy thủy đồng bộ. Đến ngày 28.3.2016, chủ tàu, đơn vị đóng tàu và đơn vị cung cấp máy cùng ký biên bản chạy thử hộp số.
Tối 29.3.2016, khi không có mặt đại diện của Công ty Liên Á, phía Công ty Bảo Duy và ông Trần Văn Liên cho con tàu rời âu thuyền tiến ra vịnh Mân Quang (TP.Đà Nẵng) nhằm chuẩn bị chạy thử đường dài, thì máy chính bị hỏng…
Nhiều tàu cá ở Quảng Nam đóng theo Nghị định 67 ra khơi đều đặn, mang lại thu nhập cho ngư dân, từ đó bà con có tiền trả nợ vay ẢNH: HỮU TRÀ
Trong kháng nghị của mình, Viện KSND cấp cao tại TP.Đà Nẵng cho rằng mặc dù trong hợp đồng các bên thống nhất giải quyết những vấn đề tranh chấp tại TAND TP.Tam Kỳ (Quảng Nam), nhưng theo luật định thì TAND TP.Tam Kỳ thụ lý giải quyết tranh chấp trên là không đúng thẩm quyền.
Ngoài ra, cũng theo Viện KSND cấp cao tại TP.Đà Nẵng, tại bản án sơ thẩm ngày 30.8.2017, TAND TP.Tam Kỳ (dựa vào chứng thư giám định của Vinacontrol) tuyên buộc Công ty Bảo Duy bồi thường cho ông Trần Văn Liên 2,8 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tại bản án phúc thẩm ngày 30.1.2018, TAND tỉnh Quảng Nam (dựa trên kết luận giám định của Công ty cổ phần giám định Thái Dương - SICO) tuyên buộc Công ty Liên Á trả cho ông Liên hơn 1,5 tỉ đồng, điều này là chưa đảm bảo tính khách quan, chính xác.
Viện KSND cấp cao tại TP.Đà Nẵng nhận định: “Trong trường hợp này, dù có cơ sở khẳng định máy hỏng do lỗi chế tạo, thì Công ty Bảo Duy (nếu tự vận hành) và ông Trần Văn Liên (nếu đồng ý cho vận hành) cũng có một phần lỗi”.
Cũng theo Viện KSND cấp cao tại TP.Đà Nẵng, bản án sơ thẩm buộc Công ty Bảo Duy chịu toàn bộ thiệt hại cũng không có cơ sở vì chưa làm rõ nguyên nhân hỏng máy, chưa làm rõ việc Công ty Bảo Duy cho tàu chạy có được sự đồng ý của ông Trần Văn Liên hay không.
Ngoài việc vướng vào vụ kiện “chưa có hồi kết” sau 2 năm đeo đuổi vụ kiện mà mình là nguyên đơn, ông Trần Văn Liên còn bị Chi nhánh BIDV Quảng Nam kiện ra TAND TP.Tam Kỳ đòi hơn 7,6 tỉ đồng tiền cho vay đóng tàu vỏ thép QNa 94678 TS; Và chính ông Liên cũng đang đối mặt với vụ án mới từ Công ty Bảo Duy khởi kiện ra TAND huyện Thăng Bình, yêu cầu thanh toán tổng số tiền đóng tàu lên đến 11,4 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.