Vì sao tòa vừa tuyên tử hình vừa kiến nghị giảm án cho bị cáo ?

Phan Thương
Phan Thương
06/05/2018 08:30 GMT+7

Câu hỏi được nhiều bạn đọc nêu ra khi chiều 4.5, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm đã tuyên y án tử hình đối với nguyên Tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn, đồng thời cũng kiến nghị Chánh án TAND tối cao xem xét giảm hình phạt cho bị cáo từ tử hình xuống chung thân...

Cụ thể, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên y án tử hình đối với bị cáo Sơn về 3 tội danh: cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản. Theo HĐXX phúc thẩm, cấp sơ thẩm quy kết bị cáo Sơn có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 197 tỉ đồng và hành vi tham ô chiếm đoạt 49 tỉ đồng, là đúng người đúng tội. Tuy nhiên, bị cáo đã rất thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng, nhất là trong giai đoạn phúc thẩm. Bị cáo và gia đình có nhiều thành tích, là gia đình có công với cách mạng; thể hiện ý chí muốn khắc phục hậu quả... Vì vậy, HĐXX kiến nghị Cơ quan Thi hành án dân sự Hà Nội cần phân định tài sản của bố, mẹ, vợ Nguyễn Xuân Sơn để họ có thể dùng tài sản này khắc phục hậu quả cho bị cáo. Kiến nghị Chánh án TAND tối cao xem xét giảm hình phạt cho bị cáo Sơn từ tử hình xuống chung thân sau khi đã khắc phục ít nhất 3/4 hậu quả.
Đúng luật
Lý giải vì sao có căn cứ chuyển hình phạt nhưng HĐXX cấp phúc thẩm không quyết định mà phải kiến nghị Chánh án TAND tối cao xem xét giảm hình phạt cho bị cáo Sơn từ tử hình xuống chung thân, ông Nguyễn Sơn, Phó chánh án TAND tối cao, dẫn khoản c điều 40 bộ luật Hình sự 2015 về hình phạt tử hình quy định: người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình với họ; khi đó, Chánh án TAND tối cao chuyển hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân. “Luật quy định rõ ràng, người có thẩm quyền chuyển hình phạt tử hình sang phạt tù chung thân đối với “quan tham” là Chánh án TAND tối cao. Cho nên, HĐXX cấp phúc thẩm TAND cấp cao tại TP.Hà Nội đã kiến nghị Chánh án TAND tối cao xem xét là phù hợp, đúng quy định pháp luật”, ông Sơn nói.
Giải thích rõ hơn, ông Sơn nhấn mạnh sau khi bị kết án, không phải bị án nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ là được áp dụng quy định chuyển hình phạt, mà cần phải hội đủ các điều kiện “cần” và “đủ” gồm: chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ; đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm/hoặc lập công lớn. “Để cụ thể quy định này, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP. Trong đó, khoản 1 điều 2 nghị quyết nêu, kể từ ngày 9.12.2015, người đã bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ và bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành án tử hình mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân, gồm: Sau khi bị kết án, người bị kết án tử hình đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm; Sau khi bị kết án, người bị kết án tử hình đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và lập công lớn”, ông Sơn nói và cho biết thêm nghị quyết này cũng hướng dẫn rất rõ như thế nào là “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm”, là “lập công lớn”, nên rất dễ để các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện, áp dụng.
“Khi người bị kết án tử hình thuộc trường hợp áp dụng quy định chuyển hình phạt từ tử hình sang chung thân thì Chánh án TAND đã xét xử sơ thẩm chủ trì, phối hợp Cơ quan công an, Viện kiểm sát, thi hành án dân sự cùng cấp rà soát, báo cáo ngay Chánh án TAND tối cao ra quyết định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân”, ông Sơn nhấn mạnh.
Tiền đã nộp, án vẫn không giảm, đòi lại được không ?
Theo diễn biến vụ án, vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn hiện đã nộp 5 tỉ đồng khắc phục hậu quả cho bị cáo, nhiều tài sản của bị cáo cũng được kê biên để đảm bảo thi hành án. Đồng thời, có thông tin gia đình bị cáo sẽ nộp thêm 32 tỉ đồng, bằng 3/4 số tiền bị cáo bị cáo buộc tham ô (49 tỉ đồng) hầu mong bị cáo có thể thoát án tử. Thế nhưng, cũng tại phiên tòa phúc thẩm, trước khi tòa tuyên án, đại diện Viện KSND đưa ra quan điểm với số tiền bị cáo Sơn bị cáo buộc tham ô, dù bồi thường 3/4 cũng chưa thể chuyển hình phạt từ tử hình sang chung thân...
Vậy trong trường hợp bị án đã thực hiện được nghĩa vụ nộp ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ nhưng chưa đủ điều kiện để được giảm án thì số tiền đã nộp sẽ được giải quyết như thế nào?
Theo luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, Đoàn luật sư TP.HCM, cần lưu ý “chủ động nộp lại” nghĩa là việc khắc phục hoàn toàn tự nguyện, đồng thời số tiền tham ô, nhận hối lộ mà bị án phải nộp lại là phần nội dung án có hiệu lực tuyên, buộc bị cáo phải có nghĩa vụ thi hành. “Vì vậy, số tiền này khi được bị cáo nộp vào hoặc bị án tác động để gia đình, người thân và những người khác nộp vào thì sau này, dù bị án không đủ điều kiện xem xét để được thoát án tử hình thì họ không có quyền đòi lại, vì họ nộp trên tinh thần tự nguyện, nộp thay cho nghĩa vụ phải thi hành án của bị án”, luật sư Trang phân tích.
“Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” là sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án chủ động cung cấp những tin tức, tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà họ bị kết án. Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” nhưng phải được các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng.
“Lập công lớn” là sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án đã giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm không liên quan đến tội phạm mà họ bị kết án; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên của nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác; có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “lập công lớn” nhưng phải được các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng.
(Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.