Vì sao rét đậm, rét hại kéo dài ?

16/02/2008 00:08 GMT+7

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không để dịch bệnh bùng phát và dân bị đói do rét * Hơn 37.000 gia súc chết rét * Bệnh nhân nhập viện do rét tăng 20% Chiều qua 15.2, PV Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn TS Hoàng Đức Cường - Trưởng phòng Khí hậu (Trung tâm Nghiên cứu khí tượng - khí hậu, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường) về nguyên nhân của đợt rét đang diễn ra tại miền Bắc.

TS Hoàng Đức Cường cho biết, đợt rét đậm, rét hại đang xảy ra tại các tỉnh miền Bắc nước ta được xác định là đợt rét dị thường. Không khí lạnh liên tục tăng cường gây ra đợt rét kéo dài kỷ lục (đã 35 ngày), trong đó có nhiều ngày trời rét đậm (nhiệt độ dưới 150C) và rét hại (nhiệt độ dưới 130C). Tuy nhiên, trong chuỗi số liệu được ghi nhận từ trước đến nay thì nhiệt độ cực trị trong đợt rét này chưa phải là thấp nhất. Ví dụ, tại Hà Nội, năm 1955, nhiệt độ xuống mức 2,50C - 2,80C, trong khi nhiệt độ thấp nhất tại thủ đô trong những ngày qua đều cao hơn 50C.

* Thưa ông, nguyên nhân nào gây ra đợt rét đậm, rét hại lịch sử này?


TS Hoàng Đức Cường

- Tôi cho rằng, tác động kết hợp của hiện tượng La Nina và dị thường của hoàn lưu khí quyển khu vực u - Á là những nguyên nhân dẫn đến đợt rét đậm, rét hại đang xảy ra tại các tỉnh miền Bắc nước ta. Trong đó, từ cuối năm 2007, hiện tượng La Nina đã bắt đầu tác động đến phía tây của Thái Bình Dương (trong đó có VN) làm kéo giảm nền nhiệt độ tại khu vực này và đây chính là một trong những tác nhân gây nên đợt rét kể trên. Trong khi đó, từ khoảng giữa tháng 1 năm nay, dị thường của hoàn lưu khí quyển khu vực u - Á đã bắt đầu xuất hiện và kéo dài gần 20 ngày. Đây chính là nguyên nhân cơ bản gây ra đợt rét. Hoạt động của gió mùa đông bắc ở nước ta bị chi phối bởi hoàn lưu khí quyển khu vực u - Á thông qua tác động qua lại của các trung tâm khí áp. Áp cao Siberia là trung tâm khí áp chính chi phối hoạt động của hoàn lưu khí quyển khu vực u - Á trong mùa đông. Thông thường, vào giữa mùa đông, cứ khoảng 5 - 7 ngày lại có một đợt không khí lạnh từ Siberia di chuyển xuống phía Nam. Tuy nhiên, năm nay, áp cao Siberia có cường độ mạnh đã kéo dài 20 ngày (từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 2) gây nên hoàn lưu khí quyển (còn gọi là gió mùa đông bắc) liên tục và có cường độ mạnh, kéo giảm nhiệt độ và gây chênh lệch khí áp. 

* Xin ông cho biết tại sao lại có những dị thường này?

- Chúng ta chưa thể xác định rõ ràng nguyên nhân dẫn đến dị thường của hoàn lưu khí quyển khu vực u - Á. Hiện nay, trong giới khoa học đang tồn tại hai quan điểm khác nhau về hiện tượng này. Một số nhà khoa học cho rằng, biến đổi khí hậu toàn cầu đã gây ra dị thường của hoàn lưu khí quyển khu vực u - Á. Tuy nhiên, các nhà khoa học khác lại cho rằng đây là biểu hiện của một giai đoạn của một chu kỳ khí hậu nhiều năm. 

* Ông có thể đưa ra những nhận định chung về khí hậu VN trong thời gian tới?

- Trong 3 tháng tới, hiện tượng La Nina tiếp tục tác động mạnh đến phía tây của Thái Bình Dương (trong đó có VN). Biểu hiện rõ rệt nhất của tác động đó là nhiệt độ tại khu vực này sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, trong khi lượng mưa lại tăng hơn. Vì vậy, thời gian tới, nền nhiệt độ ở nước ta tiếp tục thấp hơn trung bình nhiều năm, tác động của La Nina và gió mùa mùa hè hoạt động sớm hơn các năm trước (từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5) khiến lượng mưa trên cả nước cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Mưa sẽ xảy ra nhiều hơn tại Tây Nguyên và Nam Bộ. Các tỉnh phía Bắc có thể có một mùa hè mát mẻ hơn, ít có những đợt nắng nóng gay gắt hơn. Do tác động của La Nina, nhiều khả năng, số lượng các cơn bão hoạt động tại tây bắc Thái Bình Dương (trong đó có biển Đông) sẽ nhiều hơn. Do vậy, VN sẽ phải đối mặt với một mùa mưa bão diễn biến phức tạp về tần số các cơn bão ảnh hưởng đến nước ta.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không để dịch bệnh bùng phát và dân bị đói do rét

* Quỹ "Vì người nghèo" hỗ trợ 21 tỉnh khu vực phía Bắc, miền Trung

Phát biểu tại cuộc họp giao ban Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành để nghe báo cáo và chỉ đạo về tình hình rét đậm kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân, ngày 15.2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt phòng chống rét với tinh thần là không để dịch bùng phát và dân bị đói do rét.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao các bộ, ngành và địa phương đã chủ động chăm lo sản xuất, sức khỏe và đời sống nhân dân, chủ động bố trí học sinh nghỉ tránh rét và học bù để đảm bảo kế hoạch học tập. Đặc biệt, các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo đã cử các đoàn cán bộ cùng với địa phương chuẩn bị giống cho sản xuất vụ đông xuân; khám chữa bệnh cho dân... Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo đủ giống cấy bù lại cho những diện tích lúa, mạ đã bị chết rét và giúp dân khôi phục lại đàn gia súc, đồng thời chỉ đạo quyết liệt không để dịch cúm gia cầm tái bùng phát. Theo đó, nguồn vốn hỗ trợ được dùng nguồn ngân sách dự phòng ở các địa phương và Trung ương sẽ hỗ trợ một phần vốn và giống. Các tỉnh khó khăn sẽ được hỗ trợ mức cao hơn. Đối với các hộ đã vay vốn nhưng bị ảnh hưởng của rét sẽ được khoanh nợ và cho vay tiếp để phát triển trồng trọt và chăn nuôi... Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tăng cường công tác kiểm tra các chương trình, chính sách đã ban hành để điều chỉnh hợp lý nhằm tiếp tục hỗ trợ đúng đối tượng, nhất là đối với các hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trong đó chú trọng tới tuyên truyền cho nhân dân về chống rét, đặc biệt quan tâm đến người già, trẻ em và người có bệnh mãn tính; đảm bảo cơ sở vật chất, thuốc, phương tiện cấp cứu kịp thời xử lý các trường hợp liên quan đến thời tiết lạnh... Bộ Giáo dục và Đào tạo bố trí kế hoạch học phù hợp nhằm đảm bảo chất lượng năm học cho học sinh. Thủ tướng cũng đề nghị lực lượng vũ trang tăng cường giúp dân khôi phục sản xuất, chăm sóc sức khỏe.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn miền Bắc đã cấy được trên 260 nghìn ha lúa đông xuân, trong đó diện tích lúa chết là 104 nghìn ha, tương đương 40% diện tích đã cấy. Một số tỉnh có diện tích lúa chết nhiều là Thanh Hóa 27,5 nghìn ha, Nghệ An 10,5 nghìn ha... Diện tích mạ bị chết là 9.370 ha, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng là 8.095 ha và vùng miền núi phía Bắc là 1.275 ha. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 50% giá mua giống, tương đương 4.000 đồng/kg với tổng số vốn hỗ trợ cho trồng trọt và chăn nuôi là 148,84 tỉ đồng... 

* Trước tình hình rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trích 1,6 tỉ đồng từ Quỹ "Vì người nghèo" phân bổ cho 21 tỉnh khu vực phía Bắc và miền Trung. 

Các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Lào Cai mỗi tỉnh 100 triệu đồng. Các tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Kạn, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ, Tuyên Quang mỗi tỉnh 70 triệu đồng. Bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế mỗi tỉnh 50 triệu đồng. Từ số tiền trên, cùng với các nguồn ủng hộ khác, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các tỉnh sẽ khẩn trương mua áo ấm, chăn ấm hỗ trợ ngay cho các gia đình có người già và trẻ em, góp phần khắc phục ảnh hưởng do giá rét gây ra.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên tiếp tục vận động ủng hộ, giúp đỡ người nghèo áo, chăn ấm để chống rét; trích một phần Quỹ "Vì người nghèo" các cấp để mua áo, chăn ấm giúp đỡ những hộ nghèo có người già và trẻ em; đồng thời phối hợp với chính quyền, ngành chức năng hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân khôi phục sản xuất vụ đông xuân, giúp các hộ có khó khăn về nhà ở, lương thực, đồ dùng chống rét trên tinh thần tương trợ, đoàn kết cộng đồng, cùng nhau vượt qua khó khăn do rét đậm, rét hại kéo dài gây ra.

Theo TTXVN

Bệnh nhân nhập viện do rét tăng 20%

Ngày 15.2, Bộ Y tế đã có báo cáo Thủ tướng về tình hình dịch bệnh và công tác khám chữa bệnh trong đợt rét đang diễn ra. Theo báo cáo, một số bệnh liên quan đến thời tiết lạnh (viêm đườâng hô hấp cấp tính, tai biến mạch máu não, hạ thân nhiệt do lạnh) có tỷ lệ nhập viện tăng hơn so với tháng trước đợt rét từ 10-20%. Đặc biệt, số tai biến mạch máu não tăng từ 11-19%. 

Cùng ngày, Bộ Y tế đã có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện thuộc bộ... yêu cầu đảm bảo việc chống rét cho người bệnh, đủ thuốc cấp cứu cho bệnh nhân chịu ảnh hưởng của thời tiết bất thường. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong những ngày tới, nhiệt độ chung tại các tỉnh miền Bắc có thể tăng 1-2 độ C nhưng thời tiết vẫn tiếp tục rét đậm, rét hại.

Liên Châu

Quang Duẩn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.