Vì sao nhân tài 'rũ áo ra đi'? - Kỳ 6: Thăng tiến công bằng trong khu vực công

Đình Phú
Đình Phú
04/06/2018 08:00 GMT+7

Khi phát hiện những người trẻ giỏi thật sự, thì mạnh dạn đề bạt. Nếu đòi hỏi phải mấy năm làm cái này, mấy năm làm cái kia thì đôi lúc cũng khiến người trẻ mất cơ hội.

Cạnh tranh lành mạnh
Chia sẻ với PV Thanh Niên về việc làm sao để “nhân tài” có được môi trường thăng tiến công bằng trong khu vực công và không “rũ áo ra đi”, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM nói: “Đó là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Chúng ta cần người trẻ có triển vọng, có năng lực thật sự; có ý tưởng, dám nghĩ, dám làm. Khi bố trí đúng thì họ sẽ có cơ hội phát triển, cống hiến”. Bà Phạm Phương Thảo chia sẻ thêm, không chỉ giao việc mà còn tạo môi trường cho họ phát huy. Phải quyết tâm, làm cho người trẻ thấy có động lực để phấn đấu, có sự cạnh tranh lành mạnh.
Nói về quy định không quy hoạch thì không được bổ nhiệm, như hiện nay, bà Thảo cho rằng “máy móc”. “Chúng ta nên năng động, linh hoạt, quyết tâm tìm cho được người giỏi, người tài, năng lực thực chất, chứ vấn đề tuổi tác, quy hoạch mà nặng nề quá thì cũng không hay”, bà Thảo nhấn mạnh.
Đối với một số ý kiến lo ngại “trẻ người, non dạ”, bà Thảo nói: “Không nên đặt nặng vấn đề tuổi tác. Tại sao ở nước ngoài có những Bộ trưởng hai mấy tuổi, ngay cả Thủ tướng cũng rất trẻ. Mình cứ làm theo tuần tự, tới lui quy trình rất nặng nề. Tất nhiên phải có nguyên tắc, tiêu chuẩn nhưng cũng đừng quá câu nệ tuổi tác. Quan trọng là hiệu quả công việc, đáp ứng yêu cầu công việc cần, trao cho cá nhân trách nhiệm, chứ cái gì cũng dựa dẫm vào tập thể hết thì cũng không tốt.
Cũng theo bà Thảo, đối với việc đề bạt người trẻ, miễn có lợi cho cái chung là được, quan trọng là người đó có năng lực thật sự, “đừng nặng nề quá chuyện con ông cháu cha” và “khi chúng ta phát hiện những người trẻ giỏi thật sự, thì mạnh dạn đề bạt họ. Nếu đòi hỏi phải mấy năm làm cái này, mấy năm làm cái kia thì đôi lúc cũng khiến người trẻ mất cơ hội”.
Đối với tình trạng cán bộ trẻ “quan lộ thần tốc” ở một số nơi lại thuộc diện “con ông cháu cha”, bà Thảo cho rằng, chính vì điều này, sau này việc cân nhắc bổ nhiệm cán bộ trẻ cũng có thể bị khó. Nhưng nếu làm rõ ràng, công khai, minh bạch thì không vấn đề gì.
Tiêu chí đánh giá rõ ràng
Ông Nguyễn Thành Tài, thành viên Hội đồng tư vấn của Ủy ban T.Ư MTTQ VN, nguyên Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM cũng cho rằng, việc bố trí cán bộ đòi hỏi phải công khai, minh bạch. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí cán bộ phải đi liền với kiểm tra, giám sát công vụ, chấn chỉnh kịp thời, bởi không phải cán bộ nào được bố trí xong rồi đều làm tốt. Không chỉ kiểm tra, giám sát mà còn cần phải bồi dưỡng cán bộ, thành chế độ thường xuyên. Ngoài ra, phải thường xuyên đúc kết thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm để từ đó có thể biết được cán bộ nào năng động, sáng tạo, luôn vững vàng kiên định mục tiêu; cán bộ nào né tránh, không tập trung cho công việc. Đặc biệt, theo ông Tài, đối với cán bộ, càng cần phải có tiêu chí. Tiêu chí này không chỉ đặt ra để bố trí vị trí công việc rồi thôi, mà còn để giám sát, kiểm tra năng lực trong quá trình thực thi công vụ.
Còn theo PGS-TS Võ Trí Hảo, Phó trưởng khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, quản trị nhân lực trong bộ máy nhà nước cũng phải tuân theo một số nguyên tắc cơ bản của quản trị nhân lực trong doanh nghiệp, đánh giá công chức cũng phải dựa vào mức độ hoàn thành công việc như lao động trong doanh nghiệp. Dĩ nhiên khi xây dựng hệ số đánh giá công chức, thì những tiêu chí như trung thành với tổ chức, với Tổ quốc, vì dân phục vụ… đương nhiên phải cao hơn người lao động trong doanh nghiệp. PGS-TS Võ Trí Hảo, nói thêm việc xác định yếu tố trung thành, tận tụy, vì dân phục vụ cũng bắt buộc phải có hệ thống tiêu chí đánh giá để đo lường được cụ thể là công chức làm gì được cho dân, chứ không chung chung, định tính. 
Tại Đà Nẵng, để thu hút nhân tài trong thời gian tới, theo bà Dương Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP.Đà Nẵng, bên cạnh đề xuất phạt, TP sẽ có những chính sách để “nhân tài” không vi phạm hợp đồng và yên tâm công tác, như: tham mưu xây dựng cơ chế thực hiện các chính sách ưu đãi cho học viên đề án như ưu tiên xem xét cử xét tuyển và thi tuyển vào biên chế, xem xét cho thuê chung cư của TP… Đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan sử dụng lao động và các cơ quan có liên quan xây dựng và hoàn thiện môi trường, điều kiện làm việc để phát huy tối đa năng lực của các học viên; phân luồng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ để phát triển thành những chuyên gia…
Trước đây, TP đã có chính sách ưu tiên đưa người tài vào biên chế, hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng nhưng vì trái quy định nên phải chấm dứt. Tại cuộc họp báo vào ngày 25.5 vừa qua, Sở Nội vụ TP cho biết, để giữ chân nhân lực chất lượng cao, TP đang nghiên cứu hỗ trợ thêm kinh phí để người tài yên tâm công tác. Mới đây. TP cũng đã đưa 200 người vào công chức, 173 người đang tiếp tục cố gắng giải quyết…
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng, để giữ chân người tài, TP cần tạo điều kiện tốt nhất để họ đóng góp bằng công việc phù hợp, giao việc quan trọng để thể hiện tài năng, tiếp tục đào tạo bồi dưỡng học viên, cán bộ tại chỗ như giao nhiệm vụ, tổ chức khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực.
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng cho biết sắp đến lãnh đạo TP sẽ thường xuyên đối thoại, kịp thời nắm tâm tư, giải quyết kiến nghị học viên, gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn, không tập trung số người mà nâng cao đội ngũ đã đào tạo, để đáp ứng yêu cầu phát triển của TP.
Đối với việc tuyển dụng học viên vào biên chế để họ yên tâm công tác, ông Đồng cho hay TP đã đồng ý rà soát nếu đơn vị nào còn chỉ tiêu thì tạo điều kiện cho thi tuyển công chức. 2 là cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, tuyển học viên vào viên chức, qua tìm hiểu chỉ còn 4 người chưa đủ điều kiện, còn lại được xét đặc cách. 
Hoàng Sơn - Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.