Vì sao nhân tài 'rũ áo ra đi'? - Kỳ 5: Chỉ địa phương thì không đủ sức giữ chân người tài

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
03/06/2018 08:00 GMT+7

Người tài ra đi bên cạnh các nguyên nhân chủ quan, còn có các vướng mắc về cơ chế mà chỉ riêng mỗi tỉnh thành thì không thể giải quyết.

Xây dựng thế hệ “hạt giống”
Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, một trong những người tham gia xây dựng đề án 922, khẳng định qua gần hai mươi năm vừa triển khai vừa khắc phục những hạn chế phát sinh từ thực tế, đề án 922 đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Đà Nẵng cơ bản đạt mục tiêu, xây dựng được đội ngũ học viên phân công về các đơn vị, một số thăng tiến trong công vụ.
Bầu chọn
Theo độc giả, cần làm gì để giữ chân nhân tài ở khu vực công?
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng, người từng làm Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (CPHUD), nơi triển khai đề án 922, đã khẳng định: “Đề án bổ sung kịp thời cho khu vực công, góp phần nâng cao đội ngũ công chức, đáp ứng nhân lực chất lượng cao cho một số ngành, lĩnh vực như công nghệ thông tin, y tế, bước đầu tạo nguồn cán bộ quản lý và chuyên gia cho TP”.
Theo ông Chiến, mục tiêu đề án là tạo nguồn đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý và chuyên gia, thì nay có gần 20 học viên đã là cán bộ lãnh đạo cấp sở, nhiều bạn trở thành trưởng phó phòng, riêng chuyên gia, Sở Nội vụ đã đề xuất danh sách 20 người là chuyên gia nhưng TP chưa xem xét họ là chuyên gia hay không.
Nguyên nhân từ hai phía
Theo ông Bùi Văn Tiếng, nguyên do học viên rời đề án có phần nhiều hơn trong thời gian gần đây là chế tài bồi thường giảm dần từ 5 lần còn 2 lần và hiện chỉ hoàn vốn, tinh giản biên chế Nhà nước khiến việc tuyển dụng vào chính thức khó khăn. Nguyên nhân đến từ cả hai phía học viên và TP, nhưng nguyên nhân chính nằm ở phía người sử dụng lao động.
Còn ông Nguyễn Văn Chiến thì cho rằng, học viên đề án được đưa đi học ở 9 nước và vùng lãnh thổ, chưa kể các tỉnh thành trong nước, nên một số người lập gia đình ngoài Đà Nẵng. Đây là nguyên nhân những người này rời đề án nhiều nhất, sau đó mới đến lý do tìm công việc mới. Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở Nội vụ cũng thừa nhận: “Đào tạo ngay bậc ĐH khi vào làm Nhà nước có độ chênh nhất định để tiếp cận công việc quản lý Nhà nước, quản lý hành chính, đặc biệt các anh chị học nền hành chính nước ngoài mà về làm nền hành chính Việt Nam thì càng khó khăn”.
Học viên L.H.U từng bị TAND Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng tuyên buộc bồi hoàn cho TP.Đà Nẵng 500 triệu đồng Ảnh: Nguyễn Tú
Nguyên nhân bỏ việc khác là học viên đề án 922 khó được vào biên chế, dù được TP hứa sẽ “xem xét trong tuyển dụng công chức viên chức”, nhưng ông Nguyễn Văn Chiến cho hay, từ T.Ư đến địa phương đang nóng vấn đề tổ chức bộ máy và biên chế tiền lương, làm khó khăn cho đội ngũ công chức yên tâm công tác. Vấn đề này chỉ Đà Nẵng không thể giải quyết, đơn cử, trước đây TP hỗ trợ cho cán bộ là học viên 1 triệu đồng/tháng nhưng phải dừng lại vì trái quy định.
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng nói thêm, TP có ý tốt như trên nhưng lại tạo nên sự so đo giữa cán bộ bình thường và cán bộ là học viên. “Họ làm việc như nhau, có người không đề án nhưng làm rất giỏi, nên chiêu hiền phải đi đôi đãi sĩ, chúng tôi tham mưu UBND TP thay đổi phương thức hỗ trợ cho dễ chịu hơn”, ông Đồng nói.
Ông Đồng cũng thừa nhận, TP muốn tạo điều kiện cho học viên vào biên chế, các học viên cũng đủ các tiêu chuẩn như tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc nhưng vẫn phải qua Bộ Nội vụ thẩm định, số lượng được đặc cách rất ít. Còn đối với thi tuyển thì học viên phải cạnh tranh như người khác.
Theo ông Đồng, hiện Đà Nẵng có 1.965 biên chế công chức, thuộc một trong số tỉnh thành thấp nhất về biên chế, trong bối cảnh tinh giản hiện nay nếu vượt biên chế là vi phạm và kiểm toán xuất toán, dù thời gian qua TP rất nỗ lực đưa hơn 200 học viên vào công chức. “Chính phủ và Bộ Nội vụ yêu cầu đến 2021 giảm ít nhất 10%, tức giảm 200 người biên chế, số lượng càng thắt chặt hơn nên số lượng bổ sung cho học viên đề án ngày càng khó khăn, đó cũng là nguyên nhân học viên rời đề án”, ông Đồng nói.
Dễ thắng kiện, khó thu hồi kinh phí
Trong số các trường hợp bị CPHUD khởi kiện “Yêu cầu bồi hoàn kinh phí đào tạo”, học viên P.Y.V (ngụ tại Úc) cùng mẹ là bà N.T.T (ngụ Q.Sơn Trà) bị buộc bồi hoàn thuộc diện nhiều nhất. Ông V. tham gia đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và được TP chi trả hơn 4,4 tỉ đồng để học ngành kỹ sư xây dựng dân dụng, Đại học Monash, Úc.
Theo luật sư (LS) Nguyễn Doãn Hồng, Đoàn LS TP.Đà Nẵng, việc các học viên đề án 922 nghỉ việc, không tiếp tục thực hiện các cam kết với TP.Đà Nẵng là vi phạm hợp đồng đã ký kết giữa hai bên. Trong đó, có trường hợp học viên ký khi chưa đủ 18 tuổi với sự bảo lãnh của gia đình, và có trường hợp học viên ký trên 18 tuổi. “Đại diện TP.Đà Nẵng khởi kiện thì khả năng thắng kiện rất lớn bởi hợp đồng đã nêu rõ, nhưng do tính ràng buộc chưa cao nên TP sẽ khó thu hồi lại khoản kinh phí đã chi cho học viên đi học. Cụ thể, đối với nhiều trường hợp học viên không đứng tên tài sản thì cơ quan thi hành án cũng khó thi hành bản án, chưa kể nhiều học viên đã đi nước ngoài”, LS Hồng nói.
Tốt nghiệp năm 2015, ông V. có đơn xin rút khỏi đề án để ở lại Úc tìm kiếm cơ hội việc làm. TP đồng ý và yêu cầu học viên bồi hoàn kinh phí đào tạo trong 60 ngày. Đến tháng 1.2016, gia đình chỉ bồi hoàn được 200 triệu đồng nên TP khởi kiện. TAND TP.Đà Nẵng tuyên trung tâm thắng kiện, bị đơn chấp nhận bồi hoàn toàn bộ nhưng lấy hoàn cảnh khó khăn để đề nghị phương án trả dần mỗi năm từ 200 - 500 triệu đồng cho đến năm 2026. Tuy nhiên, Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không đồng ý.
Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng, cho biết các học viên rời đề án đã bồi hoàn được 89 tỉ đồng. “Việc chuyển dịch nhân lực từ khu vực công ra ngoài và ngược lại là chuyện bình thường ở bất kỳ nền hành chính nào, nhưng học viên giỏi, có tiềm năng, phẩm chất, năng lực, đạo đức tốt mà ra khỏi đề án thì cực kỳ tiếc vì Đà Nẵng còn rất nhiều việc phải làm, rất cần người giỏi để góp tay xây dựng TP”, ông Chiến trăn trở.
Theo ông Chiến, học viên sau khi ra khỏi đề án thì hầu hết đều thực hiện nghĩa vụ tài chính, chỉ vài trường hợp không có tiền và cực kỳ ít hiện tượng chây ỳ. “Một số người nói kiện nhân tài là nóng vội, không nhân văn, nhưng tôi nghĩ kiện ra tòa dân sự là cách hành xử văn minh, ứng xử văn hóa nhất, phải lấy lại tiền thuế nhân dân khi các bạn không hoàn thành nghĩa vụ với TP”, ông Chiến khẳng định. Ông Bùi Văn Tiếng cũng đồng tình TP khởi kiện dù không mong đợi, số vụ bị khởi kiện không nhiều so với học viên thực hiện đúng nghĩa vụ, TP phải thu hồi kinh phí đào tạo bị học viên chiếm dụng trái phép từ tiền thuế của người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.