Vì sao nhân tài 'rũ áo ra đi' - Kỳ 4: 'Nhân tài' không cần nhiều tiền, vị trí cao nhưng cần minh bạch

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
02/06/2018 15:03 GMT+7

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng nhận định như vậy trước buổi đối thoại vào ngày 2.6 với hàng trăm “nhân tài” thuộc đề án 922 của TP.

Lãnh đạo sở, quận chưa quan tâm “nhân tài”

Trước khi bước vào cuộc nói chuyện với các “nhân tài”, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã có bài phát biểu khá dài. Ông tỏ ra bức xúc khi điểm mặt lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện nhưng chỉ có một Chủ tịch quận, các Giám đốc, Chủ tịch quận khác đều vắng mặt.

Bầu chọn
Theo độc giả, cần làm gì để giữ chân nhân tài ở khu vực công?

Ông Thơ đã phê bình gay gắt sự vắng mặt này và cho rằng “nói mà không có giám đốc, chủ tịch huyện nghe thì không sướng”.

Ông Thơ cho rằng, trong gần 2.000 cán bộ thu hút và cán bộ thuộc đề án 922 thì có 40 người rời đề án, trong đó có lý do bỏ việc khác nhau, như:  vi phạm pháp luật, những động cơ khác… là một con số nhỏ.

Về mặt tích cực, các “nhân tài” ra đi không hẳn vì môi trường không tốt. Đề án 922 đã có 2 phó giám đốc và có hàng ngàn nhân lực chất lượng cao.

Ông nhìn nhận, thị trường lao động cạnh tranh, thu hút mà TP buông tay với những nhân tài giỏi, xuất sắc thì việc giữ “nhân tài” là rất khó.

Ông Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo ngành chức năng nghiên cứu điều chỉnh những hạn chế trong chính sách đối với “nhân tài” ẢNH: HOÀNG SƠN

Tuy nhiên, ông Thơ cũng cho rằng, hiện nay có nhiều “nhân tài” làm việc với động cơ chưa trong sáng, chưa tâm huyết, dấn thân.

“Các bạn thuộc diện ngân sách TP bỏ ra để đào tạo từ bậc đại học đến tiến sĩ, ra trường được vào vị trí ngay. Ngoài việc học hành giỏi giang thì các bạn cũng cần nghĩ rằng đây là một chính sách đặc biệt của TP, các bạn cần có một thái độ khác chứ không phải như công chức, viên chức bình thường trong bộ máy hành chính khác”, ông Thơ nói và cho biết, ở thời điểm TP dám bỏ ra hàng tỉ đồng cho 1 học viên đi học thì không phải là dễ.

“Khi đã dấn thân vào đề án thì phải xác định là cống hiến. Một số bạn còn đứng núi này trông núi nọ, đi làm nhưng thấp thỏm luôn luôn liếc nhìn cơ hội khác. Có bạn xin cho bằng được đi học tiếp ra nước ngoài có những cơ hội khác, học hành tốt rồi thì nhiều công ty nước ngoài mời gọi, chèo kéo. Trong khi đó công việc của TP là công việc hàng ngày, kiến thức không cần cao siêu, các bạn gặp dân, nhiều khi các bạn chưa toàn tâm toàn ý”.

Về góc độ quản lý, ông Thơ cho biết, nhiều nơi “nhân tài” chưa nhận được sự hỗ trợ cấp trên, không được bày dạy thêm những kiến thức thực tiễn.

“Ông lãnh đạo không tốt quy chụp các bạn ngay. Chẳng hạn nói: học cho lắm, bằng này bằng nọ mà về làm ngơ ngớ là các bạn sốc và buồn. Lãnh đạo nói thế là không phù hợp. Các bạn cũng tâm tư là sinh chuyện”, ông Thơ nhìn nhận.

Ngoài ra, có những “nhân tài” ra trường nghĩ sẽ có vị trí cao, chủ chốt. Đó là nhận thức không tốt, dục tốc bất đạt và thậm chí trả giá. Ai có biểu hiện thì phải chấn chỉnh.

“Môi trường minh bạch, các bạn sẽ vui vẻ làm việc suốt đời”

Trong bài phát biểu khá cởi mở của mình, ông Thơ cũng thẳng thắn nhìn nhận, có lãnh đạo các sở bố trí công tác không phù hợp cho các “nhân tài”.

“Vấn đề tuyển dụng viên chức, công chức thi tuyển có tình trạng thi cử không công bằng. Có ý cho ai trúng thì chia bảng, dồn những em giỏi vào cạnh tranh quyết liệt thì rớt thôi. Có em thi á khoa rồi mà vẫn rớt. Các sở phải tính toán chứ đừng để đến khi các em bỏ đi vì không thỏa mãn việc này”, ông Thơ chỉ đạo.

Ông nói tiếp: “Các bạn là những người trẻ từ kiến thức đến tâm hồn, sắc sảo… Một động tác có sự bất công, thiên vị, không minh bạch thì lập tức môi trường làm việc sẽ bị vẩn đục ngay. Các bạn lên Facebook nói bóng gió thì hiểu. Giám đốc các sở phải tìm cách xử lý việc ngày một cách nghiêm túc”.

“Tôi cho rằng, đối với các bạn nhiều khi không cần tiền nhiều, không cần vị trí cao nhưng các bạn cần minh bạch. Tôi cho rằng môi trường minh bạch thì các bạn sẽ vui vẻ, dù rằng các bạn suốt đời làm ở vị trí chuyên viên chính”.

Tại buổi đối thoại, “nhân tài” Lê Hữu Thành (công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết, khi học viên đã trở về thì đã xác định tư duy sẽ cống hiến bởi sau khi học xong, có nhiều cơ hội mời chào, học viên cũng có khả năng làm việc và trả lại chi phí cho TP nhưng nhiều người không chọn.

Tuy nhiên có nhiều “nhân tài” không được bố trí công việc kịp thời đâm ra chán nản.

“Nhân tài” Lê Hữu Thành chia sẻ thẳng thắn những tâm tư trong quá trinh công tác ẢnH: HOÀNG SƠN

Theo anh Thành, học viên đi học không phải là một học bổng mà là một hợp đồng lao động giữa TP về đào tạo nhân lực.

“Chúng tôi đang có cảm giác dư luận cho rằng nhiều học viên đang phản bội vậy vì TP đã chi tiền cho đi học nhưng lại không về làm. Tuy nhiên đây bản chất là một hợp đồng lao động, có yêu cầu đầu ra, chúng tôi đã có gắng học khá trở lên”, anh Thành bày tỏ.

“Khi chúng tôi về thì TP phải bố trí phù hợp năng lực… Lương bổng không quan trọng bằng giao công việc gì cho tụi em. Khi về TP, tinh thần cống hiến thì mình thấy mình làm gì. Đó là điều quan trọng nhất chứ không phải chức và lương bổng”.

Anh Thành cũng cho rằng, có vẻ như TP đang tập trung vào đào tạo cán bộ làm hành chính mà chưa chú trọng mảng kỹ thuật… Một vài ngành công nghệ cao mà TP chưa có điều kiện phát triển thì TP cũng nên cho học viên đi học tiếp. Sau này TP thu hút về thì “nhân tài” sẵn sàng về cống hiến.

Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, cho rằng, nếu ngành quản lý không công bằng, không khôn khéo thì sử dụng không có hiệu quả.

“Họ thợ mộc mà cho làm cơ khí thì cũng bưng bê chứ làm sao hàn, tiện, phay cắt được… Làm sao tạo điều kiện cho các bạn phát huy những kỹ năng đó, ngoại ngữ”, ông Thơ nói và yêu cầu ngành chức năng bố trí công tác phù hợp cho các học viên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.