Vì sao nhân tài 'rũ áo ra đi'? Kỳ 2: Phạt nặng có giữ được nhân tài?

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
01/06/2018 08:00 GMT+7

Trước thực trạng “chảy máu” nhân lực chất lượng cao trong khối hành chính công, TP.Đà Nẵng đã tìm cách níu chân “nhân tài”, thậm chí ràng buộc bằng cách phạt nặng nếu nhân tài vi phạm hợp đồng.

Chờ hết hợp đồng để “nhảy việc”
Trước tình trạng “nhân tài” liên tục rút khỏi đề án 922, TP.Đà Nẵng vừa tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin liên quan. Theo Sở Nội vụ TP, trong số 655 người được đào tạo bằng ngân sách, có 93 học viên (14%) ra khỏi đề án với nhiều nguyên nhân, trong đó phần nhiều do học lực không đạt và đoàn tụ gia đình, một số bị đơn vị kỷ luật hoặc vi phạm pháp luật… Đây là con số đã được dự báo bởi trước đó vào tháng 10.2016. Khi UBND TP.Đà Nẵng tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả chương trình thu hút và đào tạo cho thấy con số “nhân tài” có ý định nghỉ việc là không nhỏ.
Bầu chọn
Theo độc giả, cần làm gì để giữ chân nhân tài ở khu vực công?
Cụ thể, theo con số thống kê khảo sát được đưa ra tại hội thảo có đến 12,5% học viên đề án 922 đang đi làm cho biết sẽ không tiếp tục làm việc, trong đó có các nguyên nhân, như: môi trường chưa tốt, mức lương chưa đảm bảo, không có cơ hội thăng tiến... Có “nhân tài” chỉ chờ đến hết hợp đồng với TP, sau đó sẽ “nhảy việc” để tìm kiếm cơ hội mới với mức lương cao hơn. Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng có đến 4/14 học viên đề án 922 xin nghỉ để tìm cơ hội theo sở thích cá nhân.
Trước khi tham gia đề án, các học viên phải ký hợp đồng với TP về việc bồi hoàn kinh phí cử đi học nếu rút khỏi đề án. Số tiền bồi hoàn là không nhỏ thế nhưng, các học viên khi xác định sẽ nghỉ việc vẫn sẵn sàng bồi hoàn. Chẳng hạn, 3/4 học viên rời khởi đề án 922 tại Sở KH-ĐT phải bồi hoàn kinh phí đào tạo do chưa đủ thời gian 7 năm như cam kết. Cũng tại Sở này, 4 người theo diện thu hút “nhân tài” cũng xin thôi việc.
Đến nay, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP đã nộp đơn khởi kiện ra tòa 32 học viên, trong đó có 8 “nhân tài” đã bị khởi kiện ra TAND các cấp; 10 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn thi hành án; 3 trường hợp đã bồi hoàn xong sau phiên xét xử sơ thẩm; 11 trường hợp rút đơn khởi kiện do học viên hoàn thành việc bồi hoàn trước khi vụ kiện đưa ra xét xử.
Khi học viên có nguyện vọng xin ra khỏi đề án, đơn vị quản lý đều mời học viên làm việc để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, tìm cách giải quyết các vướng mắc, động viên tiếp tục công tác.
Trung tâm cũng đồng thời thông báo cụ thể đến học viên và phụ huynh tất cả thủ tục, quy định liên quan việc bồi hoàn kinh phí trong trường hợp xin ra khỏi đề án... Trong khi đó, kinh phí đào tạo đối với học viên không hề nhỏ: khoảng từ 25 - 45 triệu đồng/năm (đối với học viên được đào tạo trong nước), khoảng từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng/năm (đối với học viên học ở nước ngoài). Qua các vụ kiện, TP đã thu hồi được 89 tỉ đồng tiền học viên đề án 922 bồi hoàn.
Buộc đền bù, xử phạt nặng
Theo bà Dương Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP, ngoài việc hoàn trả lại kinh phí đào tạo, phải nộp phạt do vi phạm hợp đồng đã cam kết khi tham gia đề án. Mức phạt tối thiểu là 10% giá trị hợp đồng.
Bà Hằng cho hay, theo quy định tại Điều 418 của bộ luật Dân sự 2015 về thỏa thuận phạt vi phạm: “Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác…”. Như vậy, việc quy định phạt vi phạm hợp đồng được pháp luật cho phép.
Cũng theo bà Hằng, trong cam kết tại các hợp đồng tham gia đề án trước đây, khi học viên vi phạm hợp đồng thì phải có trách nhiệm hoàn trả cho TP gấp 5 lần kinh phí đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay, TP đã chủ động vận dụng các quy định của Chính phủ để áp dụng khi tính kinh phí bồi hoàn cho học viên (mức bồi hoàn kinh phí là 100% kinh phí đào tạo, có khấu trừ thời gian công tác). Do đó, bên cạnh nội dung bồi hoàn 100% kinh phí, việc quy định phạt vi phạm hợp đồng sẽ vừa đảm bảo được việc tuân thủ thực hiện các quy định của pháp luật vừa tạo được tính nghiêm minh, chặt chẽ trong việc thực hiện các quy định đề án.
“Khi tham gia đề án, cơ quan quản lý đề án và người tham gia đề án ký kết hợp đồng dân sự quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm nghĩa vụ của mỗi bên. Mức phạt vi phạm hợp đồng được đề xuất là thể hiện tính cam kết cao trong việc thực hiện hợp đồng”, bà Hằng nhận định.
Chủ tịch Đà Nẵng “năn nỉ”, nhân tài vẫn không ở lại
Chiều 30.5, tại cuộc họp thường kỳ UBND TP tháng 5 với các sở, ngành liên quan, khi đề cập đến việc bộ máy hành chính không thể tăng biên chế, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, vấn đề cũng đã ảnh hưởng đến công tác sắp xếp công việc cho các “nhân tài” thuộc đề án 922 của TP. “Cán bộ thuộc đề án 922 chờ mãi không xin vào công chức được đã xin ra đi vì hết chỗ biên chế. Có những trường hợp thuộc đề án 922 đi học nước ngoài về làm tại Sở Du lịch, thi công chức á khoa rồi mà vẫn rớt. Bởi vì, 2 em tranh 1 suất thì đương nhiên anh thủ khoa đậu”, ông Thơ kể. Sau khi rớt công chức, cán bộ á khoa này đã xin rút khỏi khối hành chính công. “Đưa về đơn vị sự nghiệp thì không chịu. Tôi cũng mời lên năn nỉ vì tiếc quá nhưng cũng đành ngậm ngùi thôi”, ông Thơ nói.
Người tài ứng tuyển vào chức danh Phó giám đốc Sở KH-ĐT
Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng cho hay, Hội đồng thi tuyển chức danh Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP ngày 29.5 đã họp và “chốt” danh sách ứng viên dự tuyển vào chức danh Phó giám đốc Sở gồm 5 ứng viên. Thời gian thi tuyển diễn ra vào ngày 15.6 tới. Đây không phải là lần đầu tiên Đà Nẵng tổ chức thi tuyển để tìm người tài vào các vị trí lãnh đạo. Năm 2015, Đà Nẵng đã tổ chức thi tuyển chức danh Giám đốc Sở Xây dựng TP và ông Vũ Quang Hùng sau khi đạt được số điểm thi cao nhất đã được bổ nhiệm giữ chức danh này. Năm 2015, ông Hồ Kỳ Minh, TS kinh tế tài chính thuộc diện thu hút nhân tài của TP.Đà Nẵng cũng được bầu vào vị trí Phó chủ tịch UBND TP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.