Vì sao muốn cưa hạ thông ở Đà Lạt phải xin phép?

25/04/2021 06:46 GMT+7

Sau khi Thanh Niên phản ánh vụ hàng loạt cây thông cổ thụ ở Đà Lạt bị cưa hạ trái phép, nhiều bạn đọc thắc mắc vì sao cưa hạ thông ở Đà Lạt phải xin phép.

Thông 3 lá là cây “đặc hữu” của Đà Lạt

Ông Võ Thanh Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đà Lạt, cho biết: “Cây thông 3 lá nguyên bản là cây rừng. Với Đà Lạt nói riêng, Lâm Đồng nói chung, thông được xem là cây “đặc hữu”, là tài sản công của nhà nước, nên muốn cưa hạ với mục đích gì thì cũng phải xin phép cơ quan có thẩm quyền”.

Truy tìm thủ phạm triệt hạ nhiều cây thông cổ thụ ở Đà Lạt

Với trường hợp các thửa đất “vàng” số 17 và 19 Trần Hưng Đạo, P.10 (Đà Lạt) có nhiều cây thông cổ thụ hơn 100 tuổi mới bị phát hiện cưa hạ trái phép, ông Sơn giải thích: “Hai thửa đất 17 và 19 dù được UBND TP.Đà Lạt cấp “sổ đỏ” cho ông Huỳnh Đức Thuận và Huỳnh Đức Khánh vào năm 2016, và được chuyển đổi mục đích sử dụng là đất ở đô thị, nhưng trên đất vẫn còn có những cây thông 3 lá, thì những cây thông đó vẫn là tài sản công của nhà nước, nên muốn cưa hạ phải xin phép chính quyền địa phương”. Do đó, khi cơ quan chức năng phát hiện tại thửa 19 có nhiều cây thông 3 lá bị cưa hạ trái phép là vi phạm pháp luật. Trường hợp này sẽ căn cứ khoản 4, điều 58, Nghị định 139/2004/NĐ-CP để xử lý.
Ông Sơn cho biết thêm, với những cây thông do gia đình tự trồng, chăm sóc trên đất nông nghiệp hoặc đất ở, khi cây trưởng thành (đường kính từ 10 cm trở lên), muốn cưa hạ lấy gỗ để sử dụng hoặc di chuyển đi nơi khác đều phải được UBND xã, phường xác nhận cây thông gia đình tự trồng, chăm sóc. Nếu không được xác nhận vẫn xem là cưa hạ, di chuyển thông trái phép.

Xin phép cưa hạ thông thế nào?

Ông Nguyễn Văn Quế, Phó ban Quản lý rừng Lâm Viên (BQLRLV), cho biết với những cây thông thuộc rừng nội ô, thông cạnh các ngôi nhà, trong khu dân cư trên địa bàn Đà Lạt nếu có dấu hiệu mục gốc, có nguy cơ ngã đổ, hoặc đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân, thì phải làm đơn xin cưa hạ gửi BQLRLV. Đơn có xác nhận của UBND phường, xã nơi có cây thông muốn cưa hạ; kèm 2 hình ảnh chụp vị trí cây có khả năng gãy đổ, nguy hiểm và hình toàn thân cây. BQLRLV khi nhận đơn sẽ mời Phòng Kinh tế, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt và UBND phường, xã liên quan đi xác minh thực tế. Sau đó, BQLRLV đề xuất UBND TP.Đà Lạt bằng văn bản. Thành phố sẽ ban hành quyết định cho chặt hạ cây, kèm theo yêu cầu phải trồng lại 5 cây thông khác ở vị trí cưa hạ cây nhằm bảo đảm không gian xanh cho Đà Lạt.
Khi nhận được quyết định cho phép, người dân liên hệ BQLRLV để đóng tiền cưa hạ. Chi phí cưa hạ trên dưới 5 triệu đồng/cây, tùy cây lớn hay nhỏ, vị trí dễ hay khó cưa hạ. Sau đó, BQLRLV sẽ điều động lực lượng chuyên môn cưa hạ theo đúng kỹ thuật để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và tài sản của người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.