Vì sao miền Trung xảy ra hàng loạt vụ sạt lở ?

30/10/2020 06:25 GMT+7

Nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo cũng như những lý giải về hiện tượng sạt lở hàng loạt khiến nhiều người thiệt mạng tại một số khu vực ở miền Trung.

Ngày 29.10, ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình, cho hay các năm trước ở địa phương chỉ sạt lở nhỏ lẻ, sạt taluy dương nên dễ xử lý. Còn năm nay có sự đột biến, đó là sạt núi, đất đá trên núi lao về đẩy bay cả nền đường, trùm qua đường, đẩy rất sâu. Như trên QL12A, đoạn lên Cửa khẩu quốc tế Cha Lo bị đẩy 300 m chiều dài, với trên 5 triệu khối đất đá.

Cận cảnh Quốc lộ 12A tan hoang vì sạt lở sau mưa lũ kinh hoàng

“Năm nay kinh khủng! Các năm trước nhỏ, năm nay tăng gấp 10 lần năm 2019. Ngoài QL12A, thì QL9E, tại Km 27, đoạn cách TT.Nông trường Việt Trung (H.Bố Trạch) khoảng 10 km cũng bị lở núi kinh hoàng; lực lượng chức năng phải rất vất vả mới xử lý thông đường. Vì vậy nên kêu gọi các nhà khoa học có sự nghiên cứu, vì việc nghiên cứu hết sức khó, cần phải có nhiều dữ liệu chuyên sâu, phải có đề tài cấp nhà nước”, ông Hải nói.

Bất thường

Trả lời Thanh Niên, ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết thời gian qua, do mưa lớn kéo dài nên rất nhiều điểm trên địa bàn Quảng Trị có nguy cơ sạt lở. Hiện diện rõ ràng nhất là dọc 2 tuyến QL9 và đường Hồ Chí Minh đi qua 2 huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa. Từ giữa tháng 10 đến nay, đã có hàng chục vụ sạt lở trên 2 tuyến đường này, làm hàng ngàn khối đất đá đổ ụp xuống, gây ách tắc giao thông. Đặc biệt nghiêm trọng là tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây từ Khe Sanh đi Hướng Phùng, Hướng Việt và đường vào xã Hướng Linh (H.Hướng Hóa), ngành giao thông địa phương buộc phải thừa nhận là hiện “không biết đến bao giờ” mới khắc phục được…

Miền Trung tiếp tục đối mặt với lũ lụt và sạt lở đất khắp nơi

Bão Goni đang hướng vào Biển Đông

Ngày 29.10, Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia (Bộ TN-MT) cho biết ngay sau cơn bão Molave (bão số 9), sáng cùng ngày vùng biển phía đông Philippines ghi nhận đã có cơn bão Goni. Cơn bão này có khả năng đi vào Biển Đông trong những ngày tới và tiếp tục mạnh thêm. Dự kiến trong hôm nay 30.10, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia sẽ phát tin về bão Goni. Dự báo xa đến khoảng cuối tuần sau, cơn bão này có khả năng gây mưa lớn ở Trung bộ, trong đó có các tỉnh trung Trung bộ; nửa đầu tháng 11, tình hình mưa bão trên Biển Đông và miền Trung còn phức tạp.
Trong ngày, Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia đã có báo cáo đánh giá về cơn bão số 9 vừa đổ bộ vào các miền Trung. Theo ghi nhận, bão số 9 là cơn bão có gió mạnh nhất đổ bộ vào đất liền trong 20 năm trở lại đây, mạnh tương đương cơn bão Ketsana năm 2009 và chỉ kém cơn bão Xangsane 2006.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đến chiều 29.10, không khí lạnh tăng cường tiếp tục gây mưa và mưa rào ở các tỉnh Bắc bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao, các tỉnh Bắc bộ có mưa và mưa rào đến hết ngày 31.10.   
 Phan Hậu

Nín thở vì sự khủng khiếp của siêu bão Goni - cơn bão mạnh nhất thế giới năm 2020

Ông Hà Sĩ Đồng cho biết thêm sắp tới sẽ giao ngành chức năng khảo sát, để quy hoạch lại các khu dân cư, đặc biệt là ở miền núi, vùng nào thấp trũng hoặc có nguy cơ sạt lở đất kiên quyết đưa dân ra ngoài, tái định cư. Với địa hình ngắn, dốc và hẹp, chủ yếu là đồi núi đất thấp nên phía tây tỉnh Quảng Trị rất dễ xảy ra sạt lở đất. Các vụ sạt lở lại thường xảy ra vào chiều tối và đêm khuya nên việc thoát nạn và ứng cứu rất khó khăn.
Còn theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, việc sạt lở đất xảy ra như các vụ thảm họa vừa qua tại địa phương (khu vực thủy điện Rào Trăng 3, Trạm quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 67) “là điều bất thường mà hiện tại ở Việt Nam chưa có khả năng dự báo được”.
“Riêng vụ sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, hiện nay các đơn vị chức năng đang tập trung công tác cứu hộ, cứu nạn và tìm kiếm nạn nhân. Đây là nhà máy thủy điện đang thi công xây dựng, nên sau khi thực hiện xong công tác cứu hộ cứu nạn tìm kiếm nạn nhân, chắc chắn các ngành chức năng sẽ có khảo sát, đánh giá một cách cụ thể về mức độ thiệt hại cũng như những vấn đề liên quan”, ông Phan Thanh Hùng nói.
Vì sao miền Trung xảy ra hàng loạt vụ sạt lở ?

Hiện trường sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 làm 17 công nhân mất tích, đến nay mới tìm được 5 thi thể nạn nhân

Ảnh: Hồng Trần

Cứu người giữa dòng lũ kinh hoàng ở Nam Trà My

Mất thảm thực vật

Trong khi đó, lý giải về hàng loạt vụ sạt lở xảy ra ở khu vực miền Trung, theo PGS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Địa chất khoáng sản (Bộ TN-MT), nguyên nhân kích hoạt chính là do mưa lớn cường độ cao, kéo dài liên tục cả tháng qua tại miền Trung.
Theo PGS-TS Trần Tân Văn, qua các nghiên cứu, mưa nếu đạt đến ngưỡng 100 mm/ngày hoặc mưa nhỏ, nhưng kéo dài hàng chục ngày thì đã làm đất đá bị bão hòa, sũng nước. Khi đó các sườn dốc sẽ nặng hơn và nước làm cho sức bền đất đá kém đi rất nhiều, cộng hưởng hai yếu tố này đã gây ra hiện tượng trượt lở. Mưa kéo dài cả tháng qua ở các tỉnh miền Trung đã làm đất đá bị bão hòa, sũng nước nên ngay cả khi không có mưa nữa thì khu vực này vẫn có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.

Kinh hoàng cảnh lũ quét cuốn trôi hàng chục nhà dân ở Quảng Nam

Cần sớm di dời dân đến nơi an toàn

Trả lời Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng thực tế kiểm tra công tác ứng phó thiên tai thời gian qua, bản đồ phân vùng cảnh báo sạt lở đất rất khó cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó tại địa phương. Cụ thể, bản đồ vẫn còn để ở diện quá rộng, trong khi địa phương cần khu trú ở diện hẹp, thành một điểm cụ thể thì chưa làm được.
“Bản đồ nếu cảnh báo được cả vùng ấy có nguy cơ sạt lở thì rất khó chỉ đạo điều hành, nếu thực hiện theo, một lúc phải di dời cả vài xã thì không thể làm được. Bản đồ đã được đưa về địa phương nhưng vì điều kiện kinh tế xã hội, họ chưa thể lập tức di dời dân được nên có chuyện dù được cảnh báo nhưng chưa thể di dời”, ông Hiệp nói. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung hiện nay có diễn biến bất thường và bất ngờ, thậm chí nơi không nằm trong vùng cảnh báo vẫn xảy ra sạt lở. Dẫn chứng ở vụ sạt lở Đoàn 337 (Quảng Trị) thì điểm sạt lở ghi nhận cách đó 1,6 km. Gần đây nhất là 2 vụ sạt lở ở H.Nam Trà My (Quảng Nam) là những khu vực có địa chất ổn định từ vài chục đến cả trăm năm nay, trước đó không có những dấu hiệu hay được đánh giá là khu vực có nguy cơ sạt lở. Để phòng ngừa các vụ sạt lở đất, Bộ NN-PTNT và Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phải tổng rà soát, đánh giá về hiện trạng và nguy cơ sạt lở đất trong giai đoạn hiện nay. Đối với bản đồ phân vùng cảnh báo sẽ phải làm theo hướng khu trú lại các điểm nhỏ, chính xác hóa tối đa nhất có thể. Đối với khoảng vài trăm điểm có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét đã được thống kê đưa vào các chương trình, đề án di dân thì đề nghị cấp kinh phí sớm để triển khai đưa người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở đất, nguy hiểm đến nơi an toàn.
Phan Hậu
“Khu vực miền Trung bây giờ chẳng khác nào một túi nước khổng lồ, nếu tới đây còn mưa tiếp tục, chỉ cần một trận mưa lớn bất ngờ thì nguy cơ rất cao sẽ xảy ra hàng loạt vụ trượt lở, cần phải cảnh giác và chủ động ứng phó”, ông Văn cảnh báo.

Toàn cảnh thiệt hại thảm khốc vì bão số 9 càn quét miền Trung

Cũng theo PGS-TS Trần Tân Văn, các tỉnh miền Trung đã mất đi nhiều thảm thực vật, là nguyên nhân gia tăng nhiều vụ trượt lở. Theo các báo cáo, rừng ở miền Trung đang phục hồi về mặt số lượng, nhưng về chất lượng thì không thể nói như vậy, vì một khu rừng trồng khác rất nhiều so với một khu rừng nguyên sinh. Khi rừng nguyên sinh nhiều tầng, nhiều tán, nhiều loại cây cối đan xen, bộ rễ có tác dụng làm cho các sườn dốc ổn định hơn. Thảm thực vật dày cũng giữ được đất, nước. Mưa xuống, nước ngấm từ từ, giảm thiểu nguy cơ trượt lở. Còn rừng trồng chỉ có một tầng một tán, bên dưới không có thực vật cộng sinh nên khả năng giữ đất, nước hạn chế. Thậm chí, thân, lá của rừng trồng giống như tải trọng bổ sung chất thêm lên các sườn dốc, có khi còn tăng nguy sạt lở.
PGS-TS Trần Tân Văn cho biết Viện Địa chất khoáng sản đang chủ trì triển khai đề án điều tra, đánh giá hiện trạng và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở các vùng miền núi Việt Nam đã được phê duyệt từ năm 2012. Đến nay đã điều tra, thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở ở 22 tỉnh (cho đến Quảng Nam), thành lập các bản đồ trung gian và bản đồ phân vùng cảnh báo trượt lở ở 15 tỉnh với tỷ lệ 1:50.000.
Trên các bản đồ này có hiện trạng và nguy cơ trượt lở theo các cấp độ rất cao, cao, trung bình và thấp; các vị trí trượt lở được phân loại theo quy mô rất lớn, lớn, trung bình và nhỏ; bản thân các điểm trượt lở cũng được phân biệt ra các kiểu loại, như: trượt xoay, trượt nêm, trượt phẳng, trượt hỗn hợp và trượt dạng dòng... Kết quả điều tra, đánh giá đề án được chuyển giao cho các địa phương và Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai. Theo kế hoạch, đề án còn tiến hành điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo trượt lở ở tỷ lệ 1:10.000 cho 200 xã trọng điểm có nguy cơ trượt lở cao và đến nay đã thực hiện được khoảng 50 xã. Ngoài ra, đề án sẽ triển khai thực hiện một số hạng mục khác, như bản đồ độ nguy hiểm trượt lở; thiết lập thí điểm một số trạm quan trắc, dự báo trượt lở...
Vì sao miền Trung xảy ra hàng loạt vụ sạt lở ?

Hiện trường vụ sạt lở Trà Leng, Nam Trà My (Quảng Nam) đang được lực lượng Quân khu 5 ứng cứu

Ảnh: Việt Hùng

Hà Tĩnh: Mưa lớn, lốc xoáy thổi tốc mái nhà dân; hồ đập lớn đồng loạt xả tràn

Cần trạm quan trắc, dự báo trượt lở nơi trọng yếu

PGS-TS Trần Tân Văn nói thêm, các bản đồ hiện trạng và phân vùng cảnh báo trượt lở cơ bản có 2 chức năng. Trong ngắn hạn, tức thời, nó có thể được sử dụng để biết trước nơi có nguy cơ, hay những khu vực tương đối an toàn. Trên cơ sở này, địa phương có thể diễn tập hoặc sơ tán, di dời, thậm chí cứu hộ, cứu nạn khi trượt lở xảy ra. Trong dài hạn, có thể được tích hợp để điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Các dự án nếu bắt buộc phải phát triển ở nơi có nguy cơ thì phải có phương án phòng tránh.
Cũng theo ông Văn, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền về trượt lở, lũ quét, tốt nhất là đến được các cấp xã, bản, cắm biển cảnh báo ở nơi nguy cơ trượt lở cao. Mạng lưới dự báo khí tượng, thủy văn cần được đan dày hơn, thử nghiệm các công nghệ, phương pháp quan trắc, dự báo trượt lở ở một số vị trí quan trọng, thiết yếu. Hiện tại, Viện Địa chất khoáng sản đang triển khai thử nghiệm giải pháp cảnh báo thông qua hợp tác với một số đối tác quốc tế như Na Uy, Hàn Quốc, Đài Loan...

Những nước mắt tuyệt vọng đầy ám ảnh trong thảm nạn sạt lở ở Trà Leng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.