Vì sao khiếu nại tố cáo đông người tăng cao?

06/11/2017 05:49 GMT+7

Báo cáo của các cơ quan chức năng gửi đến Quốc hội cho thấy năm 2017, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tuy giảm so với năm 2016 nhưng tình hình đoàn đông người tăng cao, hơn 10%.

Vẫn "nóng" về đất đai
Theo đánh giá của Chính phủ, tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân từ cuối năm 2016 đến nay nhìn chung có giảm, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp và gay gắt tại nhiều nơi. Trong đó, tại miền Bắc vào tháng 4.2017 đã xảy ra 2 điểm "nóng" là vụ việc khiếu kiện, giữ người trái pháp luật tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, H.Mỹ Đức (TP.Hà Nội) và vụ tập trung đông người phản đối, ngăn cản cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng tỉnh lộ 277 đoạn từ TX.Từ Sơn đến TT.Chờ, H.Yên Phong (Bắc Ninh).
85% đơn thư đến Bộ TN-MT chưa được địa phương giải quyết
Báo cáo của Ủy ban Pháp luật của QH dẫn các số liệu của Chính phủ và đưa ra nhiều băn khoăn về tính hiệu quả trong công tác giải quyết KNTC. Mặc dù đã được chấn chỉnh bằng nhiều biện pháp nhưng tỷ lệ cơ quan, đơn vị vi phạm pháp luật trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC không giảm (năm 2016 tỷ lệ vi phạm là 19,4%, năm 2017 tỷ lệ vi phạm là 19,6%); nhiều vụ việc giải quyết chậm, sai sót về trình tự, thủ tục là lý do dẫn đến khiếu nại vượt cấp lên T.Ư. Đáng chú ý, theo báo cáo của Chính phủ trong số đơn thư do Bộ TN-MT tiếp nhận có khoảng 85% số đơn chưa được địa phương giải quyết.

Tại nhiều tỉnh, thành khác cũng xuất hiện các đoàn khiếu kiện đông người như vụ khiếu kiện của hàng trăm hộ dân liên quan công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn qua TX.Uông Bí (Quảng Ninh); vụ việc trên 200 hộ tiểu thương phản đối di chuyển chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn)…
Tại khu vực miền Trung - Tây nguyên, điểm nóng vẫn là khiếu kiện của công dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế liên quan đến bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do hậu quả sự cố môi trường biển xảy ra năm trước; khiếu kiện việc doanh nghiệp tư nhân xả thải ra biển làm chết ngao của các hộ dân xã Hải Lộc, H.Hậu Lộc (Thanh Hóa). Tại miền Nam, có khiếu nại liên quan thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ, giao thông ở Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, TP.HCM…
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) gửi đại biểu QH đồng tình với đánh giá của Chính phủ, song đề nghị phân tích thêm về tính chất của một số vụ việc KNTC bức xúc, nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm trong thời gian qua như: cổ phần hóa DNNN, quản lý dược phẩm, thực hiện các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông, quản lý đất đai, đền bù khi nhà nước thu hồi đất...
Giải quyết chưa thuyết phục được dân
Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ bên cạnh một số cơ chế, chính sách pháp luật chưa được hoàn thiện thì có hàng loạt "lỗi" thuộc về chủ quan. Theo đó, việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn để xảy ra sai sót, không theo quy hoạch, quy định của pháp luật. Việc quản lý nhà nước về đất đai ở một số địa phương còn buông lỏng. Một số dự án thu hồi đất làm thủ tục thiếu chặt chẽ, không đúng quy định, không tạo sự đồng thuận với người dân trước khi thu hồi đất, giải quyết quyền lợi của dân chưa thỏa đáng..
Mặt khác, việc tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC vẫn còn nhiều yếu kém như: cán bộ không thực hiện đúng quy định, có biểu hiện né tránh, đùn đẩy hoặc giải quyết không đến nơi, đến chốn… Thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật, nhất là cấp sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh…
Ý kiến
Các khiếu kiện đông người xảy ra thường có một số nguyên nhân sau: Giải quyết của cán bộ không đến nơi đến chốn khiến mâu thuẫn ‘‘tích tiểu thành đại’’. Những vụ đông người thể hiện lợi ích của tập thể, có thể là thôn xóm hay làng xã bị xâm phạm về quyền lợi nên tính lan tỏa của nó rất cao. Qua những vụ việc về giải phóng mặt bằng các dự án kinh tế trước đây hay các dự án về BOT, BT thời gian gần đây thấy rõ điều này. Mặt khác, trong việc giải quyết còn có một bộ phận cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, coi thường dân, có những việc anh chưa gặp dân lần nào mà đã đưa ra đánh giá là tố cáo sai.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng
Đa số các KNTC đến nay liên quan đến chính sách đất đai, do đó Chính phủ cần phải xem xét rà soát lại những chính sách này để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, cũng phải có giải pháp nâng cao năng lực cán bộ làm công tác tiếp công dân, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến trách nhiệm của cán bộ, người đứng đầu liên quan đến việc giải quyết KNTC.
ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH
Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.