Vì sao hàng nghìn công trình xây dựng trong hành lang an toàn giao thông vẫn tồn tại?

21/04/2007 00:38 GMT+7

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), trên các tuyến quốc lộ hiện có hàng nghìn công trình xây dựng trong hành lang an toàn giao thông. Riêng quốc lộ 1 đã có tới 5.666 công trình xây dựng trong đất hành lang an toàn giao thông (ATGT).

Vì sao các công trình này vẫn chưa bị xử lý ? Ông Chu Mai Hùng, Trưởng ban Thanh tra đường bộ I (Cục Đường bộ) cho biết: - Cần phải phân biệt được, trong số hàng nghìn công trình nằm trong hành lang an toàn đường bộ có những công trình vi phạm, có công trình không vi phạm, chứ không phải tất cả các công trình này đều vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Sở dĩ có chuyện này là vì liên quan đến lịch sử. Nghị định 203, về hành lang an toàn đường bộ được ban hành năm 1982, tiếp theo đó là Nghị định 172, ban hành năm 2000. Vì thế những công trình xây dựng trước năm 2000 trong hành lang an toàn đường bộ không phải là công trình vi phạm. Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo Thanh tra đường bộ thành lập các Tổ chỉ đạo thực hiện thống kê, rà soát, phân loại việc sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ trên các quốc lộ.

Việc này phải thực hiện xong trước ngày 30.6.2007. Đến lúc đó, chúng tôi mới có số liệu chính xác về các công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Quan điểm của Bộ là tất cả những công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ đều phải xử lý nghiêm, còn những công trình nằm trong hành lang an toàn đường bộ nhưng không vi phạm thì phải đền bù cho người dân khi giải tỏa.

* Vì sao từ trước đến nay các công trình vi phạm chưa được xử lý?

- Xử lý các công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ là việc làm thường xuyên. Mỗi năm chúng tôi đều xử lý hàng trăm vi phạm liên quan đến hành lang an toàn đường bộ. Riêng trên tuyến quốc lộ 1, năm 2006, chúng tôi đã xử lý 46 trường hợp. Tuy nhiên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Trong quá trình nâng cấp, cải tạo quốc lộ 1, khi giải phóng mặt bằng xây dựng, chủ đầu tư chỉ giải phóng từ chân đường ra, mỗi bên thêm 7m.

Nhưng theo Nghị định 172 thì hành lang bảo vệ quốc lộ 1 phải là 20m mỗi bên, kể từ chân đường ra. Khoảng cách từ 7m đến 20m gây khó khăn cho công tác quản lý. Hơn nữa, dọc các tuyến quốc lộ, chính quyền địa phương cấp đất giãn dân. Đất của dân được cấp thì nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ nhưng các khu dân cư này tự động đấu nối đường ra, vào với quốc lộ tạo ra các điểm giao cắt gây mất an toàn giao thông. Tình trạng này phổ biến ở các khu vực Từ Sơn (Bắc Ninh), Phú Xuyên (Hà Tây), Thanh Liêm (Hà Nam)...

Các khu công nghiệp mở đường đấu nối với quốc lộ, vi phạm hành lang an toàn đường bộ đều đã bị xử lý, nhưng xử lý vi phạm của các hộ dân thì rất khó. Hiện tại, các khu công nghiệp của Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình đều đã có thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải về quy hoạch đấu nối đường ngang.

Thẩm quyền của thanh tra cũng gây khó khăn cho việc xử lý. Thanh tra đường bộ chỉ được xử phạt các vi phạm có khung phạt 200.000 đồng. Nếu trên 200.000 đồng thì phải gửi văn bản báo cáo chính quyền địa phương xử lý. Điều này khiến cho việc phát hiện, ngăn chặn không kịp thời.

* Các cây xăng vi phạm cũng rất nhiều, liệu có hiện tượng tiêu cực trong việc xử lý rồi cho tồn tại ?

- Theo tôi thì không có tiêu cực trong việc này. Theo Nghị định 186 thì việc quản lý và sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ là trách nhiệm của các địa phương, từ cấp xã (phường), quận (huyện) và tỉnh. Chính quyền địa phương có trách nhiệm rất quan trọng trong việc này.

X.Toàn  (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.