Vì sao doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không thích thuê chuyên gia có trình độ cao người Việt Nam?

20/12/2003 19:57 GMT+7

Chuyện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thích thuê chuyên gia có trình độ cao người nước ngoài hơn là thuê chuyên gia người Việt Nam là câu chuyện có thật và không phải là câu chuyện mới.

Nhưng chớ cho rằng sở dĩ có tình trạng đó là các chuyên gia của chúng ta trình độ thấp hơn các chuyên gia ngoại quốc, vì điều chúng tôi muốn nói là các chuyên gia có trình độ ngang nhau. Cũng không phải là do các doanh nghiệp đó “chuộng ngoại”, vì các nhà kinh doanh thực thụ bao giờ cũng lấy hiệu quả làm đầu chứ không chạy theo “mốt”.

Lý do đơn giản là thuê các chuyên gia nước ngoài rẻ hơn rất nhiều so với thuê một chuyên gia có trình độ tương đương người Việt Nam. Nói chính xác hơn là để cho một người lao động có mức lương thực lãnh bằng nhau, đối với người Việt Nam doanh nghiệp phải trả một khoản tiền cao hơn so với người nước ngoài. Vì sao vậy? Vì người lao động Việt Nam bị đánh thuế thu nhập cao hơn.

Hãy làm một bài tính đơn giản sẽ thấy ngay điều đó. Với mức thuế suất thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện hành, chẳng hạn một chuyên gia Việt Nam và một chuyên gia người Philippine cùng làm việc tại một doanh nghiệp ở Việt Nam có cùng một mức lương thực lãnh là 1000 USD, doanh nghiệp chỉ phải trả thêm thuế thu nhập là 54 USD trong khi đối với người Việt Nam doanh nghiệp phải trả tới 442 USD tiền thuế.

Nghĩa là, để thuê một chuyên gia bậc vừa, nếu là người Việt Nam, doanh nghiệp phải tốn thêm 388 USD chi phí. Cách thuê chuyên gia bậc bao hơn một chút với mức lương thực lãnh là 1.500 USD, doanh nghiệp phải trả thêm 1.370 USD tiền thuế cho người Việt Nam trong khi thuê người nước ngoài doanh nghiệp chỉ phải trả thêm 148 USD tiền thuế, nghĩa là doanh nghiệp phải thiệt tới 1.222 USD. Theo mức thuế lũy tiến từng phần hiện hành, chuyên gia trình độ càng cao thì doanh nghiệp càng bị “lỗ”: nếu mức lương thực lãnh là 2500 USD, thuế trả cho người Việt nam lên tới 3.227 USD so với 398 USD trả cho người nước ngoài;  với mức lương thực lãnh 4000 USD, thuế trả cho người Việt Nam là 6013 USD trong khi người nước ngoài chỉ phải trả 993 USD...

Với tình trạng đó, không chỉ các doanh nghiệp có vốn rất có khả năng các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ phải thuê chuyên gia có trình độ cao người nước ngoài đến làm việc cho mình. Rõ ràng là mức thuế thu nhập hiện hành đã và đang làm cho Việt Nam không có khả năng cạnh tranh về mặt chi phí lao động. Và đặc biệt, nó không khuyến khích việc đào tạo và phát triển lực lượng lao động có trình độ cao và các nhân tài trong nước.
Không chỉ người Việt Nam mà cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng không tán mức thuế cao và bất bình đẳng quá đáng này.

Tại kỳ họp của Quốc hội vừa rồi, Chính phủ cũng nhấn mạnh rằng, trong những biện pháp trước mắt nhằm “thu hút mạnh mẽ hơn hữa đầu tư trực tiếp của nước ngoài”, ngoài việc giải quyết vướng mắc về thủ tục và cách làm việc của bộ máy hành chính, khắc phục tình trạng giá dịch vụ quá cao so với khu vực, cơ chế hai giá, còn có việc “khắc phục mức thuế thu nhập cá nhân chưa khuyến khích sử dụng chuyên gia Việt Nam”.

Hiện nay Chính phủ đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi Pháp lệnh thuế thu nhập của người có thu nhập cao, trong đó có dự kiến nâng mức thu nhập chịu thuế của người Việt Nam từ 3 triệu đồng lên 4 triệu đồng, bỏ mức thuế thu nhập bổ sung áp dụng cho người Việt Nam, giảm mức thuế suất tối đa cho cả người trong nước lẫn người nước ngoài, mở rộng thêm khoảng cách của các bậc chịu thuế... Tuy nhiên, việc sửa đôi đổi vẫn chưa khắc phục được bao nhiêu tình trạng bất hợp lý nói trên.

Trong khi đó, Nhà nước lại không có những biện pháp hữu hiệu để chống thất thu thuế, bởi thuế thu nhập hiện nay hầu như chỉ thu được đối với những người làm trong các cơ quan hoặc công ty bằng cách khấu trừ thẳng vào tiền lương, còn phần lớn những người có “thu nhập cao” khác Nhà nước lại không thu được bao nhiêu.

Nếu như chúng ta giảm nghĩa vụ thuế thu nhập xuống bằng các nước trong khu vực và giảm nghĩa vụ thuế thu nhập đối với người Việt Nam xuống bằng người nước ngoài làm việc ở Việt Nam, đồng thời đưa ra các biện pháp hữu hiệu chống thất thu thuế, thì chắc rằng tổng số tiền thuế mà nhà nước thu được từ sắc thuế này sẽ lớn hơn nhiều so với chính sách thuế vừa nghiêm khắc (đối với người chịu nộp thuế) vừa thả lỏng (đối với người không chịu nộp thuế) như hiện nay.

Ngành thuế hình như đang thu hẹp trách nhiệm của mình vào những đối tượng có thể “mượn tay” người khác quản lý được (thu thuế thông qua sổ sách của cơ quan, doanh nghiệp), còn những đối tượng trong diện thu nhập chịu thuế mà không thuộc cơ quan đơn vị nào thì ngành thuế coi như không thuộc trách nhiệm của mình. Thành thử việc thất thu thuế thu nhập không ai chịu trách nhiệm cả...

Hoàng Hải Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.