Xét xử vụ án buôn lậu xăng dầu lớn nhất từ trước đến nay: Vì sao để 'ông trùm' bỏ trốn ?

18/12/2018 07:43 GMT+7

Luật sư (LS) cho rằng các cơ quan tố tụng thiếu kiên quyết, thiếu giải pháp phù hợp khiến Luyện Xuân Tràng, được cho chủ mưu trong vụ án, bỏ trốn, khiến vụ án trở nên phức tạp.

Ngày 17.12, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án buôn lậu xăng dầu quy mô lớn, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Thuận đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Đức Mạnh (nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Dương Đông Hòa Phú) 9 - 10 năm tù về tội buôn lậu, 2 - 3 năm tù về tội hối lộ (tổng hình phạt 11 - 13 năm tù); Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Dương Đông Hòa Phú) 7 - 8 năm tù về tội buôn lậu và 2 - 3 năm tù tội đưa hối lộ (tổng hình phạt từ 9 - 11 năm tù). Cả 2 bị cáo còn bị đề nghị phạt bổ sung 300 triệu đồng.
Cũng về tội buôn lậu, Viện KSND đề nghị xử phạt các bị cáo: Vũ Văn Bằng (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Dương Đông Hòa Phú) 6 - 7 năm tù, phạt bổ sung 50 triệu đồng; Nguyễn Đăng Duy (nguyên Phó trưởng phòng Kinh doanh Công ty Dương Đông Hòa Phú) 5 - 6 năm tù, phạt bổ sung 60 triệu đồng; Nguyễn Đức Quang (nhân viên phòng kinh doanh) 5 - 6 năm tù, phạt bổ sung 40 triệu đồng; Đàm Văn Dương (nguyên Giám đốc Công ty CP giám định World Control) 5 - 6 năm tù, đồng thời cấm hành nghề giám định 5 năm; Lê Quang Hoàng (nguyên giám định viên của Công ty CP giám định World Control) 4 - 5 năm tù, phạt bổ sung 40 triệu đồng, cấm hành nghề giám định 5 năm.
Bị cáo Aleria Romel (quốc tịch Philippines, thuyền trưởng tàu BTS Christina) được Viện KSND tỉnh Bình Thuận đề nghị phạt tiền 575 triệu đồng, trục xuất khỏi lãnh thổ VN. Các bị cáo: Lê Hải Dương (đại lý viên Công ty Đông Hưng Quốc tế) có vai trò giúp sức cho thuyền trưởng Aleria Romel vận chuyển trái phép xăng dầu qua biên giới, bị đề nghị mức án 30 - 36 tháng tù giam, cấm hành nghề trong 5 năm; Đinh Hữu Thùy (nguyên cán bộ hải quan - Chi cục Hải quan Bình Thuận) 4 - 5 năm tù giam về tội nhận hối lộ, phạt tiền bổ sung 50 triệu đồng, cấm hành nghề thông quan hải quan 5 năm; Nguyễn Tuấn Anh (nhân viên Công ty CP Dương Đông Hòa Phú) có vai trò trực tiếp cầm 10 phong bì (120 triệu đồng) đưa cho Thùy bị đề nghị 2 - 3 năm tù, phạt bổ sung 30 triệu đồng. Riêng bị cáo Lê Văn Vinh (cán bộ hải quan - Chi cục Hải quan Bình Thuận) bị đề nghị 2 - 3 năm tù treo, cấm hành nghề thông quan hải quan 4 - 5 năm.
Bào chữa cho Nguyễn Đăng Mạnh, LS Hà Thị Nguyệt (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho rằng Mạnh không có vai trò chỉ đạo điều hành toàn bộ 12 chuyến buôn lậu xăng dầu của Công ty Dương Đông Hòa Phú, mà việc này do “ông chủ” Luyện Xuân Tràng (hiện đang bỏ trốn) quyết định.
Tham gia bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Sơn, LS Phan Trung Hoài (Đoàn LS TP.HCM) đặt câu hỏi: “Vì sao để cho Luyện Xuân Tràng bỏ trốn?”. LS Hoài đã trích các bút lục trong vụ án, từ đó cho rằng, các cơ quan tố tụng đã thiếu kiên quyết, thiếu giải pháp phù hợp khiến Luyện Xuân Tràng bỏ trốn. “Nếu Luyện Xuân Tràng bị xét xử trong vụ án này thì chắc chắn mức độ phức tạp giảm đi rất nhiều và cũng sẽ giảm nhẹ tội cho các bị cáo”, LS Hoài phát biểu.
Tương tự, LS bào chữa cho các bị cáo còn lại đều nêu ra các tình tiết để đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt.
Hôm nay (18.12), phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp của đại diện Viện KSND tỉnh Bình Thuận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.