Vì sao có CSGT, TTGT, vẫn để xe chở cát tải trọng lớn hoạt động thành đoàn?

07/12/2017 20:52 GMT+7

Chiều 7.12, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Tây Ninh khóa IX nhiệm kỳ 2016 - 2021, hàng loạt ý kiến chất vấn Giám đốc Sở GTVT về tình trạng xe quá tải lộng hành.

Đại biểu (ĐB) Phạm Thị Thanh Vân chất vấn: Vì sao có lực lượng TTGT, CSGT vẫn để xảy ra tình trạng xe chở cát tải trọng lớn hoạt động thành đoàn; liên tục đe dọa đến công trình đường ĐT781 dọc khu hồ Dầu Tiếng?
Tiếp ý kiến này, ĐB Nguyễn Bá Thuận cũng đề nghị Sở GTVT giải trình vì sao tình trạng trên lại diễn ra nhộn nhịp suốt 6-7 tháng qua dù cử tri nhiều lần phản ánh.
Theo Giám đốc Sở GTVT Tây Ninh Nguyễn Tấn Tài, hiện nay để xử lý các phương tiện quá tải có 2 lực lượng gồm CSGT và Thanh tra GTVT. Trong đó, Thanh tra GTVT có trách nhiệm xử lý ngay nơi xuất phát hoặc gần khu vực đầu nguồn hàng (kho, cảng, bến bãi, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên ô tô, công trường xây dựng...); CSGT tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng trên các tuyến đường giao thông.
Tuy nhiên, do lực lượng Thanh tra GTVT mỏng; mỗi huyện chỉ có 2 thanh tra viên và phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác trong khi địa bàn rất rộng, nhiều tuyến đường nên không thể tuần tra, kiểm soát 24/24. Trường hợp xuất hiện những điểm nóng, lực lượng thanh tra sẽ được tăng cường kết hợp với các lực lượng địa phương có kế hoạch ra quân tuần tra từ 10-14 ngày/đợt.
Cũng theo ông Tài, hiện nay, tình trạng "cò" canh đường khá phổ biến, dẫn xe né trạm, né các tuyến đường có lực lượng làm nhiệm vụ. Ông Tài cho biết, trước đó, trong quá trình đi thực tế, ông phát hiện "cò" canh đường giám sát lực lượng từ khoảng cách chỉ 10m.
Sau trả lời của Giám đốc Sở GTVT, ĐB Phạm Văn Tín chất vấn: "Tôi thấy rất thắc mắc với câu trả lời rằng việc tuần tra 24/24 của Thanh tra GTVT không thể làm được. Nếu nói như vậy thì tạo ra kẽ hở. Tôi mà là chủ xe thì tôi rất mừng với câu đó. Bởi vì tôi canh thời điểm anh không làm được tôi chạy. Nhà nước có đủ công cụ quản lý thì tại sao lại nói là không thể làm được?". 
Đại tá Nguyễn Tri Phương, Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, có tình trạng xe chở cát quá tải lộng hành ở hồ Dầu Tiếng và "cò" canh đường, bám sát lực lượng làm nhiệm vụ. Ông Phương nói sẽ đề xuất Bộ Công an tăng cường thêm biên chế lực lượng CSGT để tuần tra, kiểm soát chặt hơn.
Đà Nẵng sẽ thu cao nhất 30.000 đồng/lượt xe đậu trên lòng đường
Chiều 7.12, 46/48 đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng khóa 9 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 54/2016/NQ-HĐND ngày 8.12.2016 của HĐND TP.Đà Nẵng về Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP này.
Theo đó, từ ngày 1.1.2018, Đà Nẵng sẽ tổ chức thu phí đậu, đỗ xe tại tuyến đường Bạch Đằng và Trần Phú (thuộc Q.Hải Châu) với mức thu 15.000 đồng/lượt đối với ô tô dưới 16 chỗ, xe tải dưới 2,5 tấn; 20.000 đồng/lượt đối với ô tô từ 16 chỗ, xe tải từ 2,5 tấn đến 3,5 tấn; 30.000 đồng/lượt đối với ô tô trên 30 chỗ ngồi, xe tải trên 3,5 tấn.
Một lượt xe là một lần xe vào, xe ra tại vị trí đỗ xe. Một lượt tối đa không quá 120 phút; quá thời gian 120 phút thu thêm các lượt tiếp theo.
Các phương tiện gồm xe chữa cháy đang làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đang làm nhiệm vụ; xe cứu thương đang làm nhiệm vụ… sẽ được miễn phí đậu đỗ.
Tất cả phương tiện được miễn thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để đỗ ô tô trong những ngày lễ tết như: Tết Âm lịch (5 ngày), Tết Dương lịch, dịp lễ 30.4, lễ 1.5, giỗ tổ Hùng Vương và Quốc khánh 2.9.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính TP.Đà Nẵng, cho biết mức thu phí được tham khảo từ các địa bàn Hà Nội, TP.HCM và các địa phương lân cận khác. Việc thu phí nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng…
Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.