Vì sao bãi biển Phan Thiết trở nên 'hung dữ' ?

Quế Hà
Quế Hà
25/08/2019 08:00 GMT+7

Vì sao bãi biển Phan Thiết lâu nay 'hiền lành' bỗng nhiên trở nên 'hung dữ' bất thường?

Sự việc 4 du khách chết đuối tại bãi biển KP.2, P.Hàm Tiến, TP.Phan Thiết (Bình Thuận) đặt ra vấn đề: Vì sao bãi biển khu vực này lâu nay “hiền lành”, bỗng nhiên trở nên “hung dữ” bất thường? 
Theo một số nhân chứng, vào chiều tối 22.8, khi nhóm sinh viên 7 người chỉ mới vừa xuống biển chưa lâu đã lập tức bị dòng nước cuốn ra biển rất nhanh. Thậm chí 2 du khách nước ngoài có kỹ năng bơi lội rất giỏi lao ra để cứu nạn, nhưng vẫn không kịp trở tay.
Đáng chú ý, thi thể cả 4 nạn nhân sau đó đều được tìm thấy ở một vị trí. Nơi có kè mềm, mà Báo Thanh Niên từng mô tả như những con “quái vật” trên biển. Liệu phải chăng do kè mềm mà các resort tự làm để bảo vệ bãi biển của mình đã làm thay đổi dòng chảy, gây xoáy ngầm ở khu vực mà cả 4 nạn nhân bị chết đuối hay không?

Khách Tây tắm bên những "quái vật" nằm vắt vẻo trên biển Mũi Né

Cảnh báo dòng chảy rip

Theo TS Lê Đình Mầu, Viện phó Viện Hải dương học Nha Trang (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN), bãi biển Hàm Tiến dài khoảng 10 km. Thời điểm 17 giờ ngày 22.8 (lúc xảy ra vụ đuối nước) biển động rất mạnh. Độ cao của sóng tới trên 2 m. Vị trí bãi biển khu vực này thoai thoải, nhưng lại là thời điểm thủy triều rút nên đã hình thành dòng RIP (Rip current), dòng chảy tách bờ hướng ra khơi, nước xoáy trong vùng sóng đổ, rất nguy hiểm cho người tắm biển.
Tuy nhiên, theo ông Mầu, các kè mềm, mỏ hàn bên cạnh cũng có thể hình thành hệ thống dòng RIP tại vị trí các công trình này. "Các nạn nhân đuối nước chắc chắn đã bất ngờ rơi vào đúng dòng RIP tại khu vực này. Cái này cần phải được cảnh báo cho lực lượng cứu hộ và phải cho người tắm biển biết, vì họ chủ yếu là du khách từ nơi khác đến", ông Mầu cho hay.
Trong khi đó, PGS-TS Vũ Thanh Ca (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo) cho rằng: “Kè mềm ở Hàm Tiến hiện nay không phải là nguyên nhân chính dẫn đến các dòng chảy RIP. Nhưng nếu nó được đặt ra xa bờ biển thì đầu kè có thể tạo dòng chảy RIP. Ở một số bãi biển, việc cảnh báo bằng cách chôn cái cọc xuống biển bảo chỗ đó có dòng chảy RIP là hoàn toàn sai. Bởi vì dòng RIP không ở một chỗ, mà thay đổi thường xuyên. Nó phụ thuộc vào địa hình cát ở đáy biển. Ở những nơi hay có hai doi cát hai bên, thì ở giữa dứt khoát biển sẽ sâu và là nơi có dòng chảy RIP (xoáy rất mạnh). Khi doi cát thay đổi thì dòng xoáy cũng thay đổi theo. Kiến thức này cần phải cung cấp cho đội ngũ cứu hộ biết để cảnh báo người tắm biển. Nếu người cứu hộ không nắm kiến thức này, mà chỉ dùng sức bơi của mình lao ra biển cứu người cũng sẽ dẫn đến bị dòng RIP cuốn đi”.
Cũng theo PGS-TS Vũ Thanh Ca, dòng RIP ở khu vực Hàm Tiến không khó để nhận biết đối với lực lượng cứu hộ. Ở khu vực này, nếu thấy sóng biển dâng cao thì không nên tắm ở nơi lặng sóng bên cạnh, vì nơi đó chính là vị trí dòng chảy xoáy rất mạnh. “Khi gặp dòng RIP đừng cố bơi ngược, vì bơi giỏi cỡ nào cũng khó thoát dòng xoáy này, mà phải để trôi ra khỏi dòng xoáy RIP mới có thể bơi vào bờ”, ông Ca khuyến cáo. Theo ông Ca, để an toàn cho du khách tắm biển cần phải đào tạo lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, có kiến thức về dòng chảy RIP ở những bãi tắm. “Tốt nhất, nên lập bản đồ rủi ro dòng chảy RIP ở các bãi biển cảnh báo, canh gác ở những nơi thường xảy ra dòng chảy xoáy, dễ xảy ra rủi ro cho người tắm biển”, ông Ca nói.

Cơ quan chức năng đang “rất lo”

Phó chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Võ Văn Thông, cho biết sắp tới sẽ có một lượng khách khá lớn đến Hàm Tiến - Mũi Né nhân dịp nghỉ lễ 2.9. Do vậy chính quyền địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, cảnh báo cho người dân và du khách tránh những tai nạn đuối nước đáng tiếc như vừa xảy ra. "Hiện TP.Phan Thiết đã chỉ đạo Ban Quản lý các khu du lịch tăng cường nhân viên trực cứu hộ tại các bãi tắm công cộng. Các cơ sở du lịch cắm cờ cảnh báo trên biển, có nội quy, nhắc nhở, cảnh báo cho du khách biết những vùng biển dễ xảy ra đuối nước, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết xấu", ông Thông nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Bình Thuận, nói: “Qua các vụ đuối nước ở La Gi và Hàm Tiến vừa qua (khiến 10 người tử vong - PV), chúng tôi cũng rất lo nên đợt này phải thường xuyên nhắc nhở các cơ sở đặc biệt chú ý đến yếu tố an toàn cho du khách”. Theo bà Ngọc, bờ biển Bình Thuận dài tới 192 km, có rất nhiều bãi tắm công cộng, nhưng nhiều vị trí cũng rất nguy hiểm, từng xảy ra các vụ đuối nước, chẳng hạn như La Gi, Kê Gà, Hòa Thắng chứ không chỉ riêng Phan Thiết.

Du khách đừng xem thường các cảnh báo

Anh Lê Hữu Phước, một du khách ở Đà Lạt thường xuyên xuống biển Hàm Tiến - Mũi Né tắm biển, chia sẻ kinh nghiệm: “Trước khi tắm biển tôi phải hỏi dân địa phương chỉ cho mình con nước mùa này tắm được không, tắm ở chỗ nào cho an toàn. Khi tắm biển ít nhất phải có vài ba người, không được tắm một mình. Đặc biệt, khi đã uống bia rượu ngà ngà say thì đừng xuống biển, sẽ rất nguy hiểm”.

Ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, đồng thời là chủ một resort ở Hàm Tiến (TP.Phan Thiết), cho biết các khách sạn, resort thường cảnh báo cho du khách về nguy cơ đuối nước khi tắm biển, nhất là vào mùa mưa bão. Tuy nhiên, nhiều khách vẫn bất chấp. Có khách còn lén xuống biển vào ban đêm để tắm, khiến cho các nhân viên cứu hộ “khốn khổ”, không dám ngủ bởi vì canh chừng khách.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.