Vi phạm sở hữu trí tuệ có thể bị phạt gấp 5 lần giá trị

01/06/2009 23:51 GMT+7

* Sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng vẫn phải trả nhuận bút Trong phiên thảo luận tại hội trường hôm qua (1.6) về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, nhiều đại biểu Quốc hội (QH) có quan điểm trái chiều với một số quy định của dự luật.

Tranh luận về thời gian đăng ký sở hữu trí tuệ

Phó trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh Tiền Giang Trần Văn Tấn và Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của QH Trần Thị Hoa Ry (đại biểu tỉnh Bạc Liêu) cho rằng quy định về thời gian đăng ký sở hữu trí tuệ như dự luật là quá dài, làm cho các sáng chế, phát minh chậm được đưa vào áp dụng trong sản xuất, kinh doanh.

“Đây là bước thụt lùi trong cải cách thủ tục hành chính”, bà Hoa Ry nói. Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của QH Nguyễn Đăng Vang cho rằng việc kéo dài thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp lên 18 tháng (hiện hành là 12 tháng) là phù hợp với thực tế. "Vì nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhất là trong việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp có xu hướng gia tăng. Mặt khác, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ bó hẹp trong phạm vi cá nhân, tổ chức của Việt Nam mà còn mở rộng đến đối tượng là cá nhân, tổ chức nước ngoài", ông Vang nói.

Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính cho phép mức xử phạt tối đa lên tới 500 triệu đồng. Nhưng dự luật sở hữu trí tuệ đề xuất một cơ chế xử phạt riêng cho các hành vi vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ: nếu giá trị hàng hóa vi phạm phát hiện được vượt 500 triệu đồng, người xử phạt được ấn định mức xử phạt ít nhất là bằng và nhiều nhất là gấp 5 lần giá trị hàng hóa vi phạm đã bị phát hiện. Hầu hết các ý kiến phát biểu đều tán đồng với quy định này của dự luật.

Bảo hộ tác quyền tới 75 năm

Việc bổ sung thêm điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp cũng gây phân hóa trong ý kiến đại biểu. Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh (đại biểu tỉnh Đồng Nai) cho rằng, quy định chỉ có tổ chức có tư cách pháp lý độc lập mới được hoạt động cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu trí tuệ là cần thiết, vì tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình, nhưng có thể đem lại những lợi ích vật chất vô cùng to lớn, nếu cho phép các chi nhánh, văn phòng đại diện là những tổ chức không đủ tư cách pháp lý độc lập đứng ra làm đại diện để quyết định, khi xảy ra sai sót, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp thì các chi nhánh, văn phòng đại diện không đủ khả năng pháp lý để giải quyết.

Thế nhưng, Ủy ban Pháp luật của QH lại cho rằng việc bổ sung nội dung “có tư cách pháp lý độc lập” như dự luật là không cần thiết, và chỉ cần giữ quy định như Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành (doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động hợp pháp – PV) là phù hợp. Theo Ủy ban Pháp luật, nếu quy định như dự thảo sẽ thu hẹp phạm vi các tổ chức được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp và không thống nhất với Luật Luật sư về quyền của chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư của VN, chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại VN.

Tương tự, thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh và quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng được kéo dài 75 năm (hiện hành là 50 năm) cũng không nhận được sự đồng thuận. Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý (đại biểu tỉnh Nghệ An) phân tích: “Quy định như vậy đã vượt cả Công ước Berne". Theo ông Lý, cũng như Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của QH Nguyễn Minh Thuyết, thì việc rút ngắn thời gian bảo hộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và phổ biến các tác phẩm hay, nổi tiếng đến với công chúng.

Có lẽ một trong những vấn đề đạt được đồng thuận cao nhất là quy định tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng không phải xin phép nhưng phải trả nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả. Nhưng đại biểu Trần Thị Hoa Ry lưu ý: cần phải có quy định rất rõ ràng để trong trường hợp nếu hai bên không thống nhất được (mức thù lao) thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm giải quyết.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.