Vị đại sứ 19 năm ăn tết Việt Nam: 'Tôi rất thương những người Việt xa xứ'

Vũ Hân
Vũ Hân
12/02/2021 08:48 GMT+7

"Tết không chỉ là những thứ có thể xem được trên ti vi. Mang đủ đồ về trang hoàng trong nhà mình cũng chưa hẳn thành tết. Tết còn có một thứ khác là mùi . Bởi vậy, tôi rất thương những người Việt xa xứ".

Năm nay là năm thứ 19 Đại sứ Palestine tại Việt Nam - Saadi Salama đón tết tại Việt Nam. Tết của ông cũng như tết của bất cứ người Việt nào, “quất phải có, cành đào phải có, phong lan phải có, khách đến nhà phải chuẩn bị ấm trà, phải có chút hạt bí, mứt sen” Tết, bổ sung thêm quả chà là và món bánh của Palestine.
Kể từ lần đón tết đầu tiên tại Việt Nam năm 1981, chưa năm nào ông rời Việt Nam vào dịp tết, dù đó là dịp được nghỉ dài ngày (trừ những năm không công tác tại Việt Nam). “Đây là dịp để vui cùng các bạn Việt Nam. Tôi cũng tặng quà bạn bè và cũng đón quà của bạn bè. Đây cũng là dịp được thưởng thức một bầu không khí rất “khác thường”. Sự khác thường đẹp đẽ", Đại sứ Salama nói.

Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam nói về tết Việt

Đại sứ Salama lựa hoa đào đón tết. Tết của ông không bao giờ thiếu hoa đào

Ảnh NVCC

"Thời bao cấp, nghe tiếng pháo khắp nơi và khói của pháo len vào mũi, thì tôi thấy bầu không khí tết bắt đầu lan ra khắp Hà Nội. Chiều 30 tết hoặc sáng sớm mùng 1, cả Hà Nội nghe bài hát từ băng cát -sét. Bây giờ không còn pháo nữa, không chỉ nghe bài hát, mà ngồi ở nhà có thể xem cả nước đón tết”, Đại sứ nhớ lại.
Thường thì dịp tết cũng là dịp gia đình Đại sứ được đoàn tụ ở Việt Nam (vợ và con Đại sứ Salama đang sống tại Pháp). Đại sứ chia sẻ: “Kỷ niệm của mình đều ở Việt Nam, vì tết không chỉ là những bữa cơm, mà tết còn là bầu không khí, là đi dạo quanh Bờ Hồ xem họ trang trí thành phố như thế nào, có những bông hoa thế nào, cây xanh thế nào, xem người bán đào trên phố, xem những người đi xe máy mà có thể mang theo những cành đào rất to hoặc những người chở hàng hoá tết. Vì thế, tôi rất thương những người Việt Nam sống ở nước ngoài, chỉ nhìn được tết, nhưng không ngửi được mùi tết”.

Đền Ngọc Sơn cũng là điểm "phải đến" của "người Hà Nội" Salama

Ảnh NVCC

Trong ký ức của Đại sứ Salama tràn ngập những kỷ niệm về cái tết xưa, thời mà ai cũng mua thiệp chúc tết, gia đình nào cũng luộc bánh chưng, thức trông bánh qua đêm, các cụ đi chúc tết bằng xích lô, mặc áo dài rất đẹp.
Thở dài khi nói về “mùi tết” ở thời không còn pháo nữa, ông nói: “Để nói về mùi Tết so với trước thì thay đổi nhiều lắm, nhưng tất nhiên phải chấp nhận. Ngày nay, ít ai muốn dành tận 12 tiếng để luộc bánh chưng như ngày xưa. Alô là có liền. Nhưng khi chúng ta tự luộc bánh chưng và tự nấu cỗ tết thì có ý nghĩa khác, là chuyển cho thế hệ mai sau truyền thống. Mọi người chỉ nghĩ là bánh chưng mình không ăn nhiều nữa, thì không cần phải bỏ quá nhiều công, nhưng cái mất đi là giá trị ngày tết cổ truyền của Việt Nam”.
Tết Việt bây giờ ít “mùi” hơn. Quá nhiều thứ đã thay đổi, nhưng với Đại sứ Salama, may quá cái giá trị cốt lõi của người Việt chưa đổi, đó là sự gắn kết và đoàn tụ của Việt Nam.

"Người Hà Nội" thứ thiệt thì phải biết thưởng trà

Ảnh NVCC

“Việt Nam giữ nếp sống trọng người cao tuổi, nên gia đình có nhiều thế hệ. Tôi rất ngưỡng mộ. Cố kết gia đình chính là cơ sở vững chắc để xây dựng xã hội Việt Nam. Nếu gia đình tan nát thì chưa chắc xã hội đã vững chắc. Mà để bảo vệ gia đình thì phải bảo vệ truyền thống, phải bảo vệ những phong tục tập quán, bảo vệ những giá trị văn hoá mà các thế hệ trước đã để lại cho chúng ta”, người tự nhận mình là “người Hà Nội” nói.
Đại sứ nói, về ẩm thực, thì với Việt Nam bây giờ, ngày nào cũng là ngày Tết, tức là các món ăn ngày xưa chỉ ăn vào dịp tết thì bây giờ có thể ăn bất cứ lúc nào, nhưng có những cái không phải lúc nào cũng có, đó là sự gắn kết trong gia đình.

Đại sứ Salama Mặc áo dài truyền thống và dạo phố mùa xuân

Ảnh NVCC

“Tết Việt Nam luôn làm tôi nhớ nhà, làm tôi nghĩ rằng nếu giờ phút đó được sống cùng bố mẹ, anh em thì rất ý nghĩa. Điều ấn tượng nhất của tôi về tết Việt là sự tha thứ. Đó là dịp để “tất toán” nợ nần, ai làm gì có lỗi với mình thì tha thứ cho người ta để người ta đón tết cho vui vẻ, có xích mích thì giải quyết, có vay nợ thì cố gắng trả nợ. Mỗi năm người Việt lại có một khởi đầu mới. Điều mà tôi rất thích, bên cạnh gắn kết đoàn tụ, đó là lòng vị tha. Tất cả đều nở rộ trong dịp tết”.
Yêu tết Việt Nam như vậy, Đại sứ Salama phản đối việc ăn tết gộp để thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế. Việt Nam không nên làm giống các nước khác, không nên giống như Nhật Bản, phải luôn luôn giữ văn hoá riêng, tục lệ của riêng mình. Kinh tế là rất quan trọng, nhưng giá trị văn hoá của người Việt Nam cũng rất quan trọng. Đó là điêu làm nên một nước Việt Nam khác biệt, và làm cho thế giới thêm đa dạng.
Điều gì cũng có thể thay đổi, nhưng hãy cố giữ lấy tâm hồn mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.