Vén màn bí mật hàng loạt sinh viên 'mất tích': Hỗ trợ sinh viên thoát khỏi 'ổ' đa cấp biến tướng

29/06/2020 06:00 GMT+7

Hội Sinh viên TP.HCM đề xuất Báo Thanh Niên phối hợp, cung cấp hồ sơ những sinh viên là nạn nhân của đường dây đa cấp biến tướng để có thể liên hệ, hỗ trợ từng trường hợp.

Đa số sinh viên (SV) cho hay vào đường dây đa cấp trá hình buộc họ phải bỏ học. Việc học “gãy gánh giữa đường”, đến khi thoát ra, họ phải làm việc để kiếm tiền trả nợ hoặc không dám đi học lại từ đầu vì sợ câu chuyện của mình sẽ vỡ lở, tới tai gia đình.

Vướng nợ nần, mong muốn đi học lại

Tiếp xúc với PV Thanh Niên, K.H cho biết mình vừa thoát khỏi một cơ sở của “team khởi nghiệp 360” tại Q.Thủ Đức (TP.HCM) sau 2 năm “gắn bó”. Ban đầu, H. bị những người trong đường dây này bày cách làm hồ sơ du học giả để về xin tiền gia đình. Tổng cộng số tiền mà H. đầu tư vào hệ thống này gần 400 triệu đồng. H. cho biết tại thời điểm bỏ học, H. đang là SV năm hai, có thành tích học tập tốt và nhiều hứa hẹn phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Nhưng nay mọi việc có thể rơi vào ngõ cụt. Mấy tháng nay, ban ngày H. làm shipper giao hàng, tối đến chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm tiền.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - nói về loạt bài điều tra "Vén màn bí mật hàng loạt sinh viên mất tích" trên Báo Thanh Niên - Thực hiện: Thái Sơn

Sinh viên đến đâu để xin việc ?

Trước thực trạng các ổ đa cấp biến tướng “giăng bẫy” SV bằng cách đăng tin tuyển dụng “ảo”, ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM (Thành đoàn TP.HCM), cho hay SV có nhu cầu việc làm nên ưu tiên đến trực tiếp những địa điểm chính thống, như: Trung tâm dịch vụ việc làm của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM (Thành đoàn TP.HCM) để được tư vấn hoàn toàn miễn phí; hoặc thông qua các kênh gián tiếp như ứng dụng, website (sieuthivieclam.vn). “Khi đến nơi tuyển dụng, công việc phải được thông tin đầy đủ, rõ ràng những yêu cầu như quyền lợi; đồng thời SV cần tránh tối đa các địa điểm tuyển dụng đòi tiền cọc hoặc bắt mình mua hàng”, ông Sang lưu ý. Bà Ông Thị Ngọc Linh (Hội SV TP.HCM) cũng cho hay SV có thể liên hệ với Trung tâm hỗ trợ HS-SV TP.HCM (SAC) tại địa chỉ: 33 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM hoặc qua số điện thoại: 028.38274706 để tìm hiểu thông tin, giải đáp thắc mắc về vấn đề việc làm.
“Đó là hối hận và trăn trở của riêng em. Bây giờ điều em không muốn nhất chính là ba mẹ biết việc em lừa dối. Em muốn ổn định lại cuộc sống của mình, trước hết là tự nuôi sống bản thân”, H. nói và cho hay rất muốn đi học lại nhưng không biết bắt đầu từ đâu vì việc học đã “gãy gánh” quá lâu. “Có thể em đã bị đình chỉ hoặc đuổi học và bắt buộc phải ôn thi lại từ đầu. Nhưng nếu không có bằng đại học thì chắc có lẽ còn lâu mới kiếm được việc làm. Em chỉ sợ thông tin mình bỏ học vì đi theo đa cấp sẽ tới tai gia đình và ba mẹ sẽ mất niềm tin về em”, H. bày tỏ.
Riêng T.Q cho hay đã từng làm 10 tháng trong “team khởi nghiệp 360” tại một cơ sở ở H.Hóc Môn. Q. là người lãnh nhiệm vụ “chửi” cấp dưới để tạo áp lực, bằng mọi cách buộc “cấp dưới” có tiền để đầu tư vào hệ thống.
Trước đó, để được “leo” lên vị trí doanh nhân, Q. đã mang hồ sơ giả về lừa gia đình. Mẹ Q. phải vay nóng hơn 200 triệu đồng cho con và đang trả hằng tháng. Hiện nay, Q. phải làm việc cật lực ở một công ty để gửi tiền về cho gia đình vì nếu chậm trễ việc trả nợ sẽ bị siết nhà, tăng lãi... “Ba mẹ cho con mình một số tiền lớn không phải không nghi ngờ mà vì thấy con rất muốn có được vị trí như du học. Đây là cách mà những người trong đường dây “vẽ” ra cho SV. Thậm chí, khi đưa hồ sơ giả cho chúng tôi, họ còn mang bao tay để tránh dấu vết có thể bị truy tố về mặt pháp luật. Đến khi lấy được tiền thì họ sẽ đốt bộ hồ sơ đó ngay”, Q. trải lòng.
T.H, một nạn nhân khác, tố cáo với Thanh Niên rằng đường dây “team khởi nghiệp 360” giống như một nơi “hành xác” SV khi ép họ nghỉ học, không cho ngủ trưa, không cho mua sắm và liên tục chửi mắng họ. H. chia sẻ: “Nợ nần mà em vay để đầu tư vào nhóm này đã trả hết. Nếu có nợ, thì có lẽ chỉ nợ ba mẹ một lời xin lỗi vì đã lừa dối tiền của họ cho một công việc “thất đức” thế này. Thậm chí, em phải trích một số tiền trong khoản lừa ba mẹ để “vặn lưng” sống trong khoảng thời gian ở chung với nhóm đa cấp. Ở trong đó, nếu không kéo được ai vào thì phải chịu đói, ăn tàu hũ, cơm chay. Bây giờ em phải vừa làm thêm vừa học tiếng Anh nhưng đời sống em được tự do hơn. Nay em rất muốn đi học lại. Những bạn làm chung với em sau khi thoát ra được chưa đi học như em phần vì nghỉ ngang không bảo lưu, phần vì đã lâu nên quên luôn kiến thức, nhưng phần lớn các bạn sợ gia đình phát hiện nếu đăng ký học lại từ đầu”.

“Sếp” Đ.T.T.T (người đại diện vùng, đứng đầu hệ thống “team khởi nghiệp 360” miền Nam) giới thiệu các gói “doanh nhân”

Ảnh: CTV

Hỗ trợ sinh viên đi học lại

Sau khi nghe chia sẻ của PV Thanh Niên về những trường hợp SV làm thêm trả nợ và có mong muốn đi học lại sau khi thoát khỏi đường dây đa cấp biến tướng, bà Ông Thị Ngọc Linh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Thanh niên trường học Thành đoàn, Phó chủ tịch Hội SV TP.HCM, đề xuất Báo Thanh Niên phối hợp, cung cấp danh sách chi tiết các nạn nhân rơi vào “bẫy” đa cấp để phối hợp các văn phòng Đoàn trường, chủ động liên hệ hỗ trợ, giải quyết cho từng trường hợp SV.
Bà Linh cho hay: “Việc đi học lại hay không còn phụ thuộc vào quy chế của từng trường và trường hợp cụ thể của các bạn. Việc SV muốn đảm bảo thông tin bảo mật về chuyện bị dính vào “bẫy” đa cấp biến tướng đối với gia đình là chuyện tế nhị và chúng tôi hay Đoàn, Hội trường hoàn toàn có thể phối hợp với nhà trường để hỗ trợ, đảm bảo. SV có thể liên hệ trực tiếp với văn phòng Hội Sinh viên TP (số điện thoại: 028.38225123) hoặc các văn phòng Đoàn ở trường các bạn đang học để nhận được sự hỗ trợ. Về mặt cơ chế, Hội SV sẽ có phương pháp phối hợp với phòng công tác SV và nhà trường để hỗ trợ, phân công nắm rõ, giải quyết từng vấn đề một như việc làm, chỗ ở... cho các bạn”.
Hỗ trợ sinh viên thoát khỏi 'ổ' đa cấp biến tướng

Cách “dẫn dắt khách hàng” mà đường dây đa cấp biến tướng bày ra

Ảnh: Phạm Thu Ngân

“Riêng về việc đi học lại, Hội sẽ phối hợp với phòng đào tạo của trường để biết được tình trạng học tập của SV, từ đó có bước làm việc với bộ phận học vụ, xem SV có chuẩn bị sẵn sàng đi học chưa, giải quyết học bù những môn đã nợ ở những khối lớp cũ, học lớp mới thế nào...”, bà Linh nói và cho biết thêm phía Hội SV cũng đã phối hợp với Công an TP.HCM, sắp tới sẽ cho ra tài liệu về phương thức, thủ đoạn lừa đảo của đa cấp biến tướng. Đồng thời sẽ phối hợp với Công an TP dựng các video tình huống hóa về “bẫy” đa cấp để triển khai nội dung trong chương trình sinh hoạt đầu khóa cho SV năm nhất.
Song song đó, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phòng Công tác SV Trường ĐH Mở TP.HCM, cho hay trường luôn hoan nghênh SV quay trở lại học: “Các bạn hoàn toàn có thể an tâm vì thông tin cá nhân, quyền riêng tư của các bạn đều được bảo mật và tôn trọng. SV đi học lại chỉ cần liên hệ phòng quản lý đào tạo để mở lại mã số SV và đăng ký môn học để học tập trong học kỳ sắp tới. Trường hợp SV khó khăn về tài chính có thể liên hệ phòng công tác SV của trường để được tư vấn về vay vốn tín dụng hỗ trợ học tập. Vì học theo học chế tín chỉ nên các môn các bạn đã bỏ, nợ môn thì chỉ cần đăng ký lại và đi học”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.