Về đâu làng ve chai ?

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
24/10/2019 08:00 GMT+7

Từ một địa danh nức tiếng trong vùng về sự tài hoa khéo léo đan lát mây tre, nay vì sao tổ dân phố Thọ Đơn (P.Quảng Thọ, TX.Ba Đồn, Quảng Bình) lại gắn liền với nghiệp ve chai ?

Nhôm nhựa nghĩa tình

Ve chai, đồng nát hay nhôm nhựa đều mang nghĩa như nhau, là nói về những người đi thu mua phế liệu, đồ đạc hư hỏng thải loại về nhập bán tái chế. Nhưng người Thọ Đơn quen gọi là nhôm nhựa.
Xế chiều, sau một ngày rong ruổi “ăn hàng” tứ xứ, mọi nhôm nhựa cùng trở về Thọ Đơn trên con đường nhựa nhấp nhô ổ gà. Đàn ông có, đàn bà cũng có. Họ như những con ong quay về tổ trên những chiếc xe máy cà tàng rách nát, dĩ nhiên chất chồng đầy bao bì, đồ đạc cũ. Có người may mắn kiếm được nhiều nên dùng xe ba gác chở. Có xe về nhà tích trữ, xe khác tấp vào đại lý thu mua nhập hàng lấy tiền tươi luôn. Tiếng xáo trộn, cân đong, bốc vác loảng xoảng khắp nơi.
Về đâu làng ve chai ?

Chủ cơ sở lớn nhưng bà Hới làm việc quần quật cả ngày

Đợi người đàn ông mặc bộ đồ màu xanh chạy chiếc xe máy không đuôi, không biển số nhập hàng xong, tôi vẫy tay xin ông theo về nhà. Phập phồng sợ ông không đồng ý thì ông nở nụ cười hiền lành rồi gật đầu nhanh gọn. Ông là Đoàn Văn Biểu, nhà ở gần cuối rìa làng. Không phải mái cao cửa rộng nhưng cũng đủ thoáng mát, kiên cố cho vợ chồng ông và con cháu sinh sống. Ông dấn thân vào nghề nhôm nhựa đã 10 năm; nay ở tuổi 52 nhưng ngày nào ông Biểu cũng cưỡi con xe gần như chỉ có khung và bộ giá sắt đèo hàng vượt hơn 70 cây số đến H.Tuyên Hóa săn nhôm nhựa. Hỏi sao không đi mua chỗ khác, ông bảo: “Trước kia cũng có ra tận ngoài Hà Tĩnh nhưng mình làm đâu quen đó, quen đường sá, quen người dân rồi”.

Heo hắt nghề đan lát

Nói đến Thọ Đơn, người ta nghĩ ngay về nghề đan lát mây tre có truyền thống trên dưới 300 năm. Từ xưa, dân làng đã sống nhờ đan lát mây tre, gần cả làng làm nghề đan lát. Những sản phẩm gia dụng hay sản xuất nông nghiệp, như: rổ, rá, thúng, mủng, dần sàng, thuyền thúng do người Thọ Đơn đan đều rất đẹp, bền. Thế nhưng, nguyên liệu ngày một cạn kiệt và nhất là những năm gần đây, thói quen tiêu dùng thay đổi, đồ nhựa lên ngôi, đầu ra không có khiến nghề đan lâm vào ngõ cụt.
Trước tình cảnh đó, người làng lũ lượt theo nghiệp ve chai. Ai có sức đều theo ve chai, chỉ còn người già yếu hay phụ nữ giữ nhà bám trụ với nghề đan mây tre kiếm đôi đồng qua ngày.
Lúc mới vào nghề, ông Biểu sắm cái “bi bọp” cầm trên tay, đi đến đâu bọp vang đến đó. Mấy lần bị lũ trẻ nghịch lấy mất “bi bọp”, ông chẳng buồn sắm lại vì lâu thành quen mối và người dân cũng cảm mến con người chân chất của ông nên có “hàng” là họ để dành bán cho ông. Mảnh đất Tuyên Hóa trở thành nơi thân thuộc của ông Biểu. Đến nỗi, ông biết nhà nào có cái gì bán, khi nào thì có bán và cứ theo lịch trình ông đến nhà đó mua.
Ông tâm sự, chỉ khi nào bận việc nhà quan trọng hoặc trời mưa to gió lớn mới nghỉ; còn không phải đi để kiếm đồng vào đồng ra. Bình thường mỗi ngày ông mua bán lời được hơn 100.000 đồng; ngày nào may, mua được nhiều sẽ được 300.000 - 400.000 đồng. Nhờ đó mà vợ chồng ông có tiền trang trải hằng ngày, chi tiêu các khoản như cưới hỏi, đám đình… Những khi mưa gió liên miên, không đi được, hết tiền, ông phải gọi điện xin tiền con cái gửi về.
Về đâu làng ve chai ?

Và lấn dần ra đất tự nhiên, ruộng đồng

Ve chai thoát nghèo

Tổ trưởng tổ dân phố Thọ Đơn Đoàn Xuân Vương chở tôi bằng xe máy lòng vòng qua những con đường làng đổ bê tông, hai bên nhà cửa san sát và đầy ve chai. Ông bảo, ở Thọ Đơn giờ có hơn 500 hộ làm nghề thu mua phế liệu, ve chai. Tôi tỏ ra hoài nghi thì tổ trưởng Vương nhẩm tính cho nghe: cả làng có 827 hộ với 24.000 khẩu, trừ khoảng 200 hộ ở xóm ngoài không làm, còn lại hơn 500 hộ đều làm.
Làng Thọ Đơn “lên đời” tổ dân phố đã hơn 5 năm kể từ ngày chia tách H.Quảng Trạch và lập TX.Ba Đồn nhưng dáng dấp làng vẫn còn đó; có chăng là sự thay đổi tên gọi hành chính và những con đường được gắn bảng tên. Nơi đây đất chật người đông, dân số còn đông hơn nhiều xã khác. Nghèo đói là câu chuyện ám ảnh người làng từ thuở xa xưa đến tận bây giờ. Làng nông nghiệp nhưng đất sản xuất quá ít khiến bà con loay hoay tìm kế sinh nhai.
Mới đây thôi, trẻ con làng đua nhau bỏ học, từng đoàn nhảy xe đò vào TP.Đồng Hới làm nghề đánh giày. Sáng đi tối về. Nhiều nhóm lang thang đến vài ba ngày không chịu về, tối lại ngủ trong các điểm rút tiền ATM hoặc dưới các mái hiên. Đứa nào chịu khó cũng kiếm được vài ba trăm nghìn mỗi ngày, số tiền bố mẹ ở nhà chẳng dám mơ đến. Từ đó, số lượng trẻ đánh giày ngày một tăng, có gia đình đi cả 3 anh em. Ngoài vấn nạn bỏ học còn phát sinh nhiều hệ lụy như tiềm ẩn tai nạn giao thông, trộm vặt, ăn xin, gây lộn khiến xã và thôn phải tốn không biết bao nhiêu công sức, giấy mực.
Thọ Đơn ra hẳn “nghị quyết” về trẻ đánh giày. Vận động không được, lãnh đạo thôn phải bí mật, hóa trang vào Đồng Hới bắt “quả tang” một vài trẻ làng đưa về nêu gương. “Cực nhất là những năm 2013, 2014. Sau khi bắt vài vụ, kết hợp tuyên truyền, anh cũng không truyền nghề cho em nữa nên giờ tình trạng này giảm gần như hết hẳn”, tổ trưởng Vương vui mừng thông báo.
Tôi cảm nhận, nội lực người Thọ Đơn rất mãnh liệt, họ không khoanh tay trước đói nghèo. Những người già như ông Trần Văn Cước (64 tuổi) vẫn cần mẫn “nhôm nhựa đây” mỗi ngày bởi đó là nguồn sống cho ông và vợ.
Tổ trưởng Vương dẫn tôi đến thăm một cơ sở ve chai điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Thoan (51 tuổi) và bà Trần Thị Hới (50 tuổi). Vợ chồng ông bà có 5 người con thì chỉ có 1 người đang đi học, 1 người làm công chức xã; còn lại đều theo nghiệp ve chai, kể cả dâu rể. Lúc đầu chỉ mình bà Hới đi thu mua, còn ông Thoan chạy công nông đầu ngang. Đến khi công nông bị cấm, thất nghiệp, ông Thoan đánh liều vay mượn mua ô tô đi gom ve chai. Bây giờ họ là 1 trong 5 cơ sở thu mua lớn tại Thọ Đơn. Phế liệu ở cơ sở ông bà đủ thứ, được phân loại chất từng đống lớn từ trong nhà ra ngoài đường. Nơi đó thường xuyên có 5 người làm, được trả tiền công hơn 75 triệu đồng/người/năm. Nếu ai không có công việc hoặc muốn kiếm tiền có thể đến làm công tính ngày mức 250.000 đồng.
Tiền ve chai ông bà xây nhà cửa bề thế cho các con. Nhiều người trầm trồ, ông bà là triệu phú ve chai. Thế nhưng hằng ngày, ông Thoan vẫn cùng con chạy xe tứ xứ gom nhôm nhựa; còn bà Hới ở nhà cùng con gái và con dâu nhập hàng, phân loại, ép hàng trong những bộ áo quần, găng tay và khẩu trang lem luốc như những người làm công khác. Nghe tôi đùa: “Giàu rồi ngồi đếm tiền cho khỏe chứ?”, bà Hới cười xởi lởi: “Đến khi nào có tiền rồi ngồi đếm”.

Từ mây tre đến bèo tây

Một điều thú vị nữa ở Thọ Đơn là hơn 1 năm trở lại đây, những người không thể theo nhôm nhựa đã rất quả cảm và nhanh trí kết nối, nhận bèo tây khô từ miền Nam xa xôi về đan thành phẩm mỹ nghệ rồi xuất lại cho nơi cung cấp nguyên liệu; mỗi sản phẩm lời khoảng 10.000 đồng.
Bà Nguyễn Lẫm, vợ ông Biểu là một trong những người như thế. Bà ở nhà giữ 2 đứa cháu nội và tranh thủ đan mỗi ngày được 2 giỏ xách bằng bèo tây. Kiếm được 20.000 đồng, số tiền chưa được tô bún bình dân ở Đồng Hới nhưng khuôn mặt bà lúc nào cũng đầy lạc quan. Bà hóm hỉnh: “Chú thích về ở đây, tui bày cho mà đan lấy tiền đổ xăng”.
Có lẽ vì thế mà người Thọ Đơn luôn biết cách đương đầu, vượt lên hoàn cảnh. Chợt nghĩ, đến cái nghề đan lát hàng trăm năm cũng mai một thì rồi đây ve chai có còn, bèo tây có bán?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.