Vay nặng lãi, trả nợ nhiều năm liền vẫn không hết

Công Nguyên
Công Nguyên
16/04/2018 10:00 GMT+7

Báo Thanh Niên vừa nhận đơn của bà N.T.N.N (ngụ Q.10) và N.T.L (ngụ Q.12), tố cáo bà H.T.A.Ng (ngụ P.2, Q.8, TP.HCM) về việc cho vay nặng lãi gấp nhiều lần.

Vay 700 triệu, bị buộc ký giấy nợ 9,4 tỉ đồng
Theo đơn của bà N., giữa năm 2013, vì cần vốn làm ăn, thông qua người quen, bà N. vay bà Ng. 700 triệu đồng. Đến tháng 12.2013, bà Ng. bắt bà N. viết giấy nợ 964,75 triệu đồng (gồm 700 triệu đồng tiền gốc và 264,75 triệu đồng tiền lãi).
Từ năm 2014 - 2016, bà N. liên tục trả tiền cho bà Ng. tổng cộng hơn 2 tỉ đồng. Đầu năm 2017, bà Ng. cùng 6 người đến nhà bà N. bắt ký giấy nợ 9,4 tỉ đồng, lý do là đóng tiền chậm trễ nên phát sinh lãi gốc. Bà N. không đồng ý thì ngay sau đó nhà riêng, các cơ sở kinh doanh của bà liên tục bị người lạ quậy phá, ném sơn khủng bố.
Trước sức ép này, bà N. chấp nhận ký giấy nợ 9,4 tỉ đồng vào ngày 17.1.2017, mỗi tháng chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản của bà Ng. Từ tháng 1 - 9.2017, bà N. đã chuyển 6,3 tỉ đồng vào tài khoản bà Ng. để trả nợ. Đến 30.10.2017, bà Ng. tiếp tục dẫn người tới nhà bà N. bắt ký giấy nợ 4,2 tỉ đồng, không ký thì bị đe dọa, tạt mắm tôm, sơn vào nhà, cơ sở kinh doanh. Ngày 15.11.2017, bà N. đã chuyển 400 triệu đồng vào tài khoản bà Ng. Đến thời điểm hiện tại, bà N. đã trả bà Ng. tổng cộng 8,3 tỉ đồng từ số tiền vay 700 triệu đồng ban đầu. Đến nay, bà Ng. còn buộc bà N. phải trả 3,8 tỉ đồng.
“Với cách tính lãi kiểu này của bà Ng. thì gia đình tôi trả cả đời không hết nợ. Gia đình tôi mất khả năng chi trả thì sẽ bị băng nhóm của bà Ng. quậy phá nhà, cơ sở kinh doanh”, bà N. nghẹn ngào.
Vay nặng lãi, trả nợ nhiều năm liền vẫn không hết
Cửa hàng kinh doanh của bà N. tại Q.Bình Tân bị người lạ ném sơn khủng bố
Còn bà N.T.L phản ánh, năm 2013 bà có vay bà Ng. 1,7 tỉ đồng. Từ tháng 9.2013 - 4.2015, bà L. đã chuyển trả hơn 1 tỉ đồng cho bà Ng. Tháng 4.2015, vợ chồng bà Ng. đến nhà bà L. bắt ký giấy nợ hơn 6,1 tỉ đồng (lý do chậm trả lãi). Tháng 8.2015, bà Ng. bắt bà L. tiếp tục ký giấy vay nợ 2,8 tỉ đồng (là tiền lãi của 6,1 tỉ đồng trước đó). Đầu năm 2016, nhiều người lạ đến nhà bà L. đe dọa, đập phá tài sản bắt phải trả nợ. Tháng 3.2016, vợ chồng bà Ng. bắt bà L. ký giấy vay nợ hơn 8,8 tỉ đồng (6,1 tỉ nợ trước đó và 2,8 tỉ tiền lãi). Tháng 10.2017, vợ chồng bà Ng. đến nhà bà L. bắt ký giấy nợ 18 tỉ đồng nhưng bà L. không chấp nhận.
“Hiện mỗi tháng tôi phải trả cho bà Ng. 200 triệu đồng, nếu không sẽ bị người lạ nhắn tin, gọi điện đe dọa và đến nhà khủng bố”, bà L. nói.
Tăng cường xử lý hình sự hành vi cho vay nặng lãi


Ngày 13.4, Cơ quan CSĐT Công an Q.Tân Phú (TP.HCM) tạm giữ hình sự Trần Đình Cường (28 tuổi, quê Bắc Ninh) và Lê Văn Tư (28 tuổi, quê Hải Phòng) để điều tra về hành vi cho vay nặng lãi. Liên quan vụ án này, công an đã mời lên làm việc 5 nghi phạm gồm: Nguyễn Xuân Trường (28 tuổi), Nguyễn Văn Trường (26 tuổi), Nguyễn Đinh Nam (18 tuổi), Nguyễn Văn Khanh (27 tuổi, cùng quê Bắc Ninh) và Nguyễn Văn Cửu (27 tuổi, quê Bắc Giang). 7 nghi phạm nói trên nằm trong băng nhóm chuyên cho vay với lãi suất từ 15 - 91%/tháng do Cường cầm đầu.

Những năm gần đây, tại TP.HCM xuất hiện nhiều băng nhóm dán tờ rơi, quảng cáo cho vay với thủ tục rất đơn giản. Tuy nhiên, nhiều người vay tiền của những đường dây này bị tính lãi rất cao và phải trả nợ nhiều năm liền vẫn không hết, còn bị đe dọa tính mạng như nói trên.
Tại cuộc làm việc, trao thư khen của Công an TP.HCM cho Công an Q.Tân Phú ngày 12.4, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết các băng nhóm cho vay nặng lãi tại TP xảy ra tương đối nhiều từ 3 năm nay. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ chiếm đoạt tài sản hoặc cố ý gây thương tích và ném sơn, chất bẩn vào nhà để khủng bố tinh thần.
Công an TP nhiều lần chỉ đạo xử lý mạnh về tình trạng cho vay nặng lãi nhưng còn vướng một số vấn đề pháp lý khi đưa qua Viện kiểm sát không phê chuẩn. Tới đây, Công an TP sẽ họp bàn rút kinh nghiệm, tìm ra một số giải pháp thống nhất với Viện kiểm sát để xử lý hình sự hành vi cho vay nặng lãi nhiều hơn nữa để răn đe.
Thượng tá Tăng Châu Long, Phó trưởng công an Q.Tân Phú, cho biết các băng nhóm cho vay nặng lãi chủ yếu từ phía bắc vào TP.HCM hoạt động. Các nhóm này thường rất manh động. Người dân dính vào đường dây cho vay nặng lãi là cả đời đi làm để trả lãi suất cho các băng nhóm này.
“Muốn vay tiền kinh doanh, lo cuộc sống gia đình thì nên đến các ngân hàng sẽ bảo đảm an toàn và đúng pháp luật”, thượng tá Long nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.