Vật vã vì nắng nóng đầu hè

15/05/2013 16:15 GMT+7

(TNO) Từ Hà Nội đến Đà Nẵng, hai ngày qua (14 - 15.5) người dân đang vật vã vì nắng nóng .

>> Hà Nội nắng nóng gay gắt
>> Hà Nội nắng nóng kỷ lục 45 độ C

* Tại Hà Nội: Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, nhiệt độ lúc 13 giờ chiều nay 15.5, đã ở mức 38 độ C. Đây là số liệu quan trắc được trong lều khí tượng, có mái che. Nhiệt độ ngoài trời, theo các chuyên gia khí tượng, thường cao hơn 2 - 3 độ C.

Đây là đợt nắng nóng gay gắt đầu tiên xảy ra ở Hà Nội trong mùa hè năm nay. Nhiệt độ tăng cao, trời không một gợn mây, hơi nóng bốc lên từ mặt đất hầm hập tấp vào da thịt mọi người.

Dưới đây là những hình ảnh người dân Hà Nội đánh vật với cái nắng 38 độ C đầu mùa hạ, ngày 15.5:

anh-ha-noi-nang-nong-1
Kín mít mỗi khi phải ra đường - Ảnh: Thắng - Duẩn

anh-ha-noi-nang-nong-2
Những người già vào công viên tránh nóng - Ảnh: Thắng - Duẩn

anh-ha-noi-nang-nong-3

anh-ha-noi-nang-nong-4
Không quên đem theo chiếc quạt máy và dùng điện từ bình ắc quy của chiếc xe tay ga để quạt mát - Ảnh: Thắng - Duẩn

anh-ha-noi-nang-nong-5
Tụm năm, tụm bảy dưới những tán cây cổ thụ uống trà đá trốn nóng - Ảnh: Thắng - Duẩn

 

anh-ha-noi-nang-nong-6
Cô sinh viên này đem sách vở đến công viên học bài tránh nóng - Ảnh: Thắng - Duẩn 

* Tại Nghệ An: Từ sáng sớm, ánh nắng đã chói chang, kèm theo gió Lào bắt đầu thổi mạnh khiến không khí trở nên khô khốc.

Đặc biệt, từ 11 giờ trở về chiều, nắng như dội lửa cộng với gió Lào, nhiệt độ có nơi lên tới 38 - 39 độ C làm cho không khí càng trở nên nóng rát.

Giữa trưa, đường nhựa như bị đun sôi, nóng như hắt lửa vào mặt người. Trong nhà, những chiếc khăn mặt vừa giặt đã khô cong như những cái bánh tráng.

Nắng nóng đã khiến người dân mệt mỏi. Nhiều trẻ em phải nhập viện.

Để chống chọi với nắng nóng, một số quán cà phê đã phải sử dụng hệ thống phun sương để tạo độ ẩm. Thậm chí, tại TP.Vinh, có quán còn dùng hệ thống phun nước lên mái tôn của quán tạo mưa nhận tạo để hạ nhiệt cho không gian quán.

Tại Bệnh viện đa khoa Nghệ An, tình trạng quá tải bệnh nhân cộng với nắng nóng khiến các phòng điều trị nóng như những lò nung. Nhiều bệnh nhân bệnh nhẹ phải "tự di tản" ra các tán cây trước khuôn viên ngồi tránh nóng.

Nắng nóng khiến nhiều hộ nông dân ở Nghệ An đang kỳ thu hoạch lúa phải ra đồng lúc mặt trời chưa mọc để trở về nhà trước lúc trời bắt đầu “dội lửa”, tầm 10 giờ sáng trở đi.

Các quán nước mía, nước dừa ven đường cũng được dịp “hốt bạc” khi đông đảo khách ghé vào, giải khát giảm nóng. 

Một số hình ảnh Thanh Niên Online ghi nhận tại TP.Vinh, Nghệ An vào trưa nay:

Vật vã với nắng nóng 3
Người đi đường ở TP.Vinh, Nghệ An phải bịt bùng kín mít để tránh nắng - Ảnh: Khánh Hoan

Vật vã với nắng nóng 4
Những quán nước giải khát ven đường kín khách - Ảnh: Khánh Hoan

Vật vã với nắng nóng 5
Quán cà phê tại TP.Vinh phải làm mưa nhân tạo bằng cách cho phun nước lên mái tôn để chống nóng - Ảnh: Khánh Hoan

Vật vã với nắng nóng 6
Người nhà bệnh nhân vật vã chống nắng nóng tại khuôn viên bệnh viện - Ảnh: Khánh Hoan

* Tại Hà Tĩnh: Liên tiếp trong 2 ngày 14 và 15.5, hầu hết các khu vực ở tỉnh Hà Tĩnh đều trong tình trạng nắng nóng gay gắt

Theo ghi nhận của Thanh Niên Online, nắng nóng đã làm ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi của người dân nơi đây:

Hà Tĩnh nắng nóng gay gắt 1
Vì nắng nóng, trước cổng Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh vắng bóng người qua lại - Ảnh: Nguyên Dũng

Hà Tĩnh nắng nóng gay gắt 2

Hà Tĩnh nắng nóng gay gắt 5
Những “kiểu” trốn nắng nóng của người nhà đi chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện - Ảnh: Nguyên Dũng

Hà Tĩnh nắng nóng gay gắt 7
Cảnh mệt mỏi của người dân - Ảnh: Nguyên Dũng

Hà Tĩnh nắng nóng gay gắt 9
Tận dụng bóng râm để nghỉ ngơi - Ảnh: Nguyên Dũng

* Tại Đà Nẵng: Ngày 15.5, trước tình hình nắng nóng kéo dài, Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng ra thông báo nghiêm cấm tất cả các hoạt động sử dụng lửa trong rừng để đề phòng cháy rừng.

Theo Chi cục Kiểm lâm, hiện nay nguy cơ xảy ra cháy rừng tại TP.Đà Nẵng đang ở cấp báo động 3 (cấp cao) và có khả năng tăng lên cấp 4 (cấp nguy hiểm).

Cháy rừng
Lực lượng tại chỗ các địa phương sẵn sàng quân số và phương tiện để cứu rừng - Ảnh Nguyễn Tú

Do đó, Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng yêu cầu Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng các địa phương tăng cường lực lượng tuần tra bảo vệ rừng, đồng thời thông báo đến các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư khu vực có rừng sẵn sàng quân số và phương tiện, thiết bị để cứu rừng khi có cháy.

Bên cạnh tuần tra, kiểm soát người ra vào rừng, Chi cục và các Hạt Kiểm lâm tiếng hành nhắc nhở, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng đang trong giai đoạn cao điểm như đốt thực bì, người viếng mộ đốt vàng mã, đặc biệt là nhắc nhở du khách tuyệt đối không được nấu ăn khi tham quan, vui chơi tại các khu du lịch sinh thái có rừng, đề phòng cháy lan.

Cảnh giác với thời tiết nắng nóng

Thời tiết đang bước vào những ngày nắng nóng cực điểm ở Hà Nội và khu vực miền Trung. Dưới trời nắng nóng “đổ lửa”, khoảng 37-38 độ C, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên phòng ngừa nhiều bệnh.

Theo bác sĩ Phạm Mai Đằng, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), trẻ em là đối tượng nhạy cảm, đề kháng yếu nên sẽ dễ mắc bệnh nhất khi thời tiết thay đổi hay thái quá (quá lạnh hay quá nóng). Bác sĩ Đằng cho biết thời tiết nóng là điều kiện phát triển của các bệnh liên quan đến siêu vi trùng nói chung, đặc biệt là bệnh về hô hấp, tiêu hóa nói riêng tăng cao. Phụ huynh cần cẩn thận, giúp trẻ đối phó với các bệnh này.

Đối với bệnh về hô hấp, gặp nhiều nhất ở trẻ khi trời nắng nóng là viêm mũi họng, cảm cúm, viêm phổi, viêm phế quản. Đặc biệt, trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp do… nhiễm lạnh. Nguyên nhân chính là do phụ huynh cho trẻ nằm quạt, hạ thấp nhiệt độ máy lạnh quá độ.

Vì vậy, bác sĩ Đằng khuyến cáo, phụ huynh nên giữ cho trẻ ở nhiệt độ bình thường, điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh phù hợp.

“Bên cạnh đó, máy lạnh phải được vệ sinh thường xuyên để tránh trở thành "ổ vi khuẩn", bác sĩ Đằng nói.

Một lý do nữa là do thời tiết nóng, khô thì ô nhiễm nhiều, đồng thời niêm mạc mũi bị khô cũng hạn chế khả năng “phòng vệ” với vi trùng. Điều này dễ gây viêm nhiễm đường hô hấp.

Việc uống nước đá liên tục cũng gây ra viêm họng cho trẻ.

Ngoài ra, bác sĩ Đằng nhắc nhở thêm việc thay đổi nhiệt độ đột ngột khi đang trong phòng lạnh ra ngoài trời nắng nóng cũng làm cho cả người lớn và trẻ em bị choáng, đổ bệnh, cảm, say nắng.

Đối với bệnh về tiêu hóa, bác sĩ Đằng cho biết, trời nắng nóng cũng tạo điều kiện môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi, thực phẩm dễ hư hỏng, ôi thiu và nhiễm siêu vi. Các hàng quán trên đường phố không đảm bảo, thức ăn, thức uống bày bán đầy đường, bị “phơi” ngoài bụi bẩn. Người dân lại mau nóng, mau khát, bạ đâu uống đó nên dễ dàng nhiễm khuẩn, dẫn đến tiêu chảy.

Vì thế, các bác sĩ khuyên người dân nên cẩn trọng trong việc ăn uống khi trời “đổ lửa” để phòng ngừa bệnh tiêu hóa.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết những lúc thay đổi thời tiết thất thường như nắng nóng hay lạnh giá thì số ca đột quỵ, tai biến tăng lên. Đặc biệt, nhiều trường hợp đột quỵ do có bệnh sử bị cao huyết áp nhưng ở ngoài trời nắng nóng quá lâu.

Những người già đã mắc các bệnh mãn tính cũng có nguy cơ trở nặng hơn. Điều đáng ngại là số người tuổi từ 30-40 bị đột quỵ ngày càng nhiều do hoạt động quá sức.

Nguyên Mi

Quang Duẩn - Ngọc Thắng - Khánh Hoan - Nguyên Dũng - Nguyễn Tú

>> Miền Trung có thể nắng nóng trên 41 độ C
>> Nắng nóng sẽ lên tới 41-42 độ C
>> Cá mú nuôi chết hàng loạt do nắng nóng bất thường
>> Bảo vệ cơ thể trong mùa nắng nóng
>> Hết đợt nắng nóng trên diện rộng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.