Vật vã vì nắng nóng

Phạm Đức - K.Hoan - Minh Hải và 1 người khác
28/06/2020 05:49 GMT+7

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 27.6, Hà Nội có nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ phổ biến từ 37 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C. Các tỉnh phía bắc khác cũng cùng chung cảnh ngộ.

Chỉ số tia UV có giá trị từ 8 - 10 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể, nhưng nhiều người dân vẫn phải “oằn mình” mưu sinh.

“Oằn mình” mưu sinh tại Hà Nội

12 giờ trưa, trời nắng như đổ lửa nhưng anh Hoàng Văn Thịnh (33 tuổi, quê ở H.Ninh Giang, Hải Dương) vẫn cố bốc nốt chuyến hàng trước khi nghỉ tay ăn trưa tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Anh Thịnh cho biết làm nghề bốc vác được khoảng 4 năm nay. Hằng ngày, anh đi theo xe hàng từ Hải Dương lên Hà Nội bốc hàng cho các tiểu thương tại chợ với thu nhập khoảng 250.000 đồng/ngày. Dù nắng nóng nhưng anh vẫn phải đi làm để kiếm tiền nuôi vợ và hai con. Gạt giọt mồ hôi sau chuyến hàng vừa bốc, anh Thịnh kể: “Nắng nóng thế này cứ bình tĩnh làm thôi. Không còn cách nào khác ngoài che bạt, mũ nón đầy đủ. Vác nhiều quá thì nghỉ một lúc rồi làm tiếp. Nghề bốc vác này khổ nhất là thời tiết nắng nóng, ngồi không cũng vã mồ hôi rồi, động vào hàng thì mệt nữa”.
Người Hà Nội tranh thủ trú nắng trong bóng râm khi dừng đèn đỏ ẢNH: NGỌC THẮNG

Người Hà Nội tranh thủ trú nắng trong bóng râm khi dừng đèn đỏ

ẢNH: NGỌC THẮNG

Chị Vì Thị Sinh (40 tuổi, quê Thanh Hóa, làm nghề thợ hồ ở Hà Nội) thì cho biết nắng nóng khiến công việc của chị càng trở nên vất vả hơn. Trước khi đi làm, chị phải chuẩn bị thêm nước đường để uống cho đỡ mệt vì công việc phụ hồ kéo dài nhiều tiếng giữa trời nắng nóng. “Trời nắng nóng vẫn phải đi làm để lấy lương gửi về cho gia đình ở quê. Nếu làm đều đặn, mỗi tháng cũng kiếm được khoảng 6 - 7 triệu đồng nhưng nắng nóng thế này thì vất vả lắm”, chị Sinh cho hay.
Mùa hè nắng nóng cũng khiến cuộc sống ở trọ hoặc ký túc xá của nhiều sinh viên (SV) trở nên bí bách, vất vả. Nguyễn Khánh Linh (SV Học viện Báo chí và tuyên truyền) cho hay: “Nắng nóng, nhiều hôm mình không ngủ được nhưng sáng vẫn phải dậy cho kịp giờ học trên lớp. Mình mua đá để trước quạt nhưng vẫn không ăn thua, nhiều khi học xong phải ghé qua quán nước có điều hòa ngồi cho mát rồi mới về phòng”.

Hàng vạn con cá chết nổi lên dày đặc mặt hồ ở Đồng Hới vì nắng nóng

Đồng ruộng miền Trung nứt nẻ

Tại huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh), nơi được gọi là “chảo lửa” của Hà Tĩnh, nhiệt độ trên 38 độ C kéo dài trong suốt hơn 1 tháng qua đã khiến cả người lẫn cây trồng héo mòn vì khô khát. Bà Đinh Thị Ngân (ngụ xã Hương Liên, H.Hương Khê) cho biết nắng nóng kéo dài khiến mạch nước ngầm rút cạn, các hồ nước cũng xuống mực nước chết, giếng đào và giếng khoan cạn trơ đáy. Người dân trong thôn phải góp mỗi gia đình gần 10 triệu đồng, mua đường ống dài cả chục cây số dẫn nước từ khe suối trên núi Ka Đay về dùng nhưng nguồn nước trong núi cũng đang cạn dần. Nắng nóng cũng khiến cây trồng và hoa màu của người dân ở H.Hương Khê đứng trước nguy cơ chết cháy.
Hì hục sửa máy bơm để hút tưới cho 8 sào chè đang bị cháy khô gần nửa, anh Hà Anh Tuấn (xã Hương Trà, H.Hương Khê) buồn bã: “Đã 40 ngày rồi mà trời không có mưa. Khe nước này phải chờ đến 10 ngày mới rỉ ra được ít nước nhưng cũng không đủ tưới. Chè nhà tôi bị cháy lá, khô cành cả rồi”.
Giữa trưa, ông Nguyễn Đình Sen (xã Phúc Trạch, H.Hương Khê) đứng thất thần giữa đồi Trạng Nẹo, nói gia đình ông sở hữu 1.200 gốc cam Khe Mây và 1.000 gốc bưởi Phúc Trạch, nhưng toàn bộ diện tích đang bị héo úa, chết dần vì không tìm ra nguồn nước tưới. “Năm nay coi như trắng tay. Toàn bộ vốn liếng bỏ ra bốc hơi theo nắng nóng”, ông Sen lắc đầu ngao ngán. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh, hiện có 650 ha lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước. Khoảng 1.500 ha đậu, ngô và 120 ha cam, bưởi đang chết cục bộ.
Tại Nghệ An, nhiều cánh đồng ở H.Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Yên Thành... đã gieo cấy, đất khô bạc, nứt toác vì nắng nóng. Đang tìm cách bơm nước tưới cho ruộng lúa đã sắp héo khô vì thiếu nước, ông Nguyễn Đình Văn (ngụ xã Hưng Yên Bắc, H.Hưng Nguyên) cho biết gần 1 tháng qua, ở đây không có giọt mưa nào. Trời nắng như thiêu đốt đã khiến nguồn nước tưới khô cạn. Ông Văn có 6 sào ruộng nhưng 4 sào lúa đã héo vì không có nước. “Nếu 1 tuần nữa không có mưa thì khó cứu vãn được số lúa này”, ông Văn nói.
Chè của người dân xã Hương Trà (H.Hương Khê) bị chết cháy ẢNH: PHẠM ĐỨC

Chè của người dân xã Hương Trà (H.Hương Khê) bị chết cháy

ẢNH: PHẠM ĐỨC

Theo ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An, đến nay trong 96 hồ lớn trên địa bàn chỉ có 1 hồ đầy nước, 965 hồ chứa nhỏ, lượng nước chỉ còn khoảng 50%, nhiều hồ đã rơi vào tình trạng mực nước chết. Nếu nắng nóng kéo dài 1 tuần nữa, hạn hán sẽ xảy ra trên diện rộng, đe dọa 13.000 ha lúa và hoa màu.
Ông Đặng Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa, cho biết tính đến ngày 27.6, toàn tỉnh này có khoảng 3.400 ha diện tích thiếu nước sản xuất, mực nước nhiều con sông như sông Mã xuống rất thấp. Trong 610 hồ, đập toàn tỉnh thì đã có tới 169 hồ, đập nước dưới mực nước chết. “Từ đầu năm đến nay, lượng mưa trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 26% so với mức trung bình mỗi năm. Theo nhận định của chúng tôi, nếu từ nay đến đầu tháng 7 ở Thanh Hóa không có mưa thì sẽ xảy ra hạn hán cho diện tích khoảng 10.000 ha cây trồng”, ông Dũng nói.

Liên tục cháy rừng

Đến chiều 27.6, hàng trăm người vẫn chưa thể khống chế được vụ cháy rừng tại xã Diễn Lợi (H.Diễn Châu, Nghệ An). Vụ cháy này xảy ra tại khu rừng thông 30 năm tuổi ở xã Sơn Thành (H.Yên Thành) từ chiều 26.6. Đến tối cùng ngày, đám cháy được khống chế, nhưng sau đó, do thời tiết nắng nóng, gió phơn tây nam thổi mạnh nên đám cháy bùng phát trở lại, lan sang xã Nghi Văn (H.Nghi Lộc) và xã Diễn Lợi (H.Diễn Châu). Trong cái nắng 39 độ C, hàng trăm người được huy động cứu rừng. Trước đó, nhiều vụ cháy rừng đã xảy ra tại Nghệ An, thiêu rụi nhiều héc ta rừng.
Cháy rừng tại xã Diễn Lợi, H.Diễn Châu, Nghệ An ngày 27.6 ẢNH: CTV

Cháy rừng tại xã Diễn Lợi, H.Diễn Châu, Nghệ An ngày 27.6

ẢNH: CTV

Tại Hà Tĩnh, ông Thanh Tùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, cho biết nắng nóng kéo dài khiến trên 110.000 ha rừng ở Hà Tĩnh được nâng mức cảnh báo cháy lên cấp 3, cấp 4. Mặc dù mới vào hè nhưng đến nay địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 điểm phát lửa, gây thiệt hại trên 4 ha rừng trồng thông và keo, tràm.

Trẻ em, người già nhập viện gia tăng

Tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, vài tuần nay, mỗi ngày có hơn 1.300 trẻ nhập viện do nắng nóng, chủ yếu liên quan đến đường hô hấp, cao hơn 30 - 40% so với ngày thường trước đó. Tại các bệnh viện khác ở Nghệ An, người già nhập viện cũng tăng 20 - 30% do thời tiết nắng nóng kéo dài với nền nhiệt quá cao.
PGS-TS Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho hay trong các đợt nắng nóng gay gắt, có xu hướng gia tăng các bệnh lý tim mạch và đột quỵ.
Theo PGS Chi, mới đây khoa cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nam 40 tuổi, được đưa đến trong tình trạng hôn mê, không tiếp xúc được, sốt trên 41 độ C, mất nước nghiêm trọng.
Người nhà cho biết, bệnh nhân đang làm việc trên cánh đồng thì rơi vào tình trạng mệt lả, sốt cao, đau đầu, buồn nôn, choáng váng. Tại Bệnh viện Bạch Mai, qua khám lâm sàng và kết quả chụp CT não, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán bị sốc nhiệt. Kết quả chụp phim CT cho thấy bệnh nhân này có tổn thương, phù não và các đánh giá xét nghiệm cho thấy rất nhiều rối loạn trong cơ thể.
Khánh Hoan - Liên Châu 
 

Quảng Trị

Nhiều ngày qua, nắng nóng kéo dài, lại không có mưa gây nên tình trạng khô hạn trên diện rộng đã xảy ra ở hầu khắp địa bàn Quảng Trị. Tại nhiều khu vực trồng lúa, đặc biệt là tại H.Vĩnh Linh, đồng khô nứt nẻ vì thiếu nước tưới... Trong khi đó, tại 2 huyện vùng cao là Hướng Hóa và Đakrông, nắng nóng khốc liệt đã làm người dân ở nhiều bản làng không có nước để sinh hoạt. Nhiều con suối và khe nước hiện đã cạn ráo, không thể cung cấp nước cho người dân. Để có nước ăn uống, nhiều hộ dân thậm chí phải ra suối, đào những vũng nhỏ để vét số nước này về dùng, dù biết không an toàn...

Quảng Bình

Nắng nóng kéo dài liên tục nhiều ngày qua, nhiệt độ luôn ở mức 38 - 40 độ C đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân địa phương. Đặc biệt, ảnh hưởng đến hơn 8.000 ha lúa tái sinh tại H.Lệ Thủy và hàng nghìn héc ta lúa hè thu tại các huyện, thị khác.
Nguyễn Phúc - Trương Quang Nam
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.