Vận dụng 'trường hợp đặc biệt' để thành lập thị xã Sa Pa

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/09/2019 12:17 GMT+7

100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tại phiên họp sáng 11.9 đồng ý vận dụng trường hợp đặc biệt để thành lập thị xã Sa Pa trên cơ sở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Trước đó, trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ đề xuất thành lập thị xã Sa Pa trên cơ sở toàn bộ 681,37 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số 81.857 người và 18 đơn vị hành chính xã, thị trấn của huyện Sa Pa.
Bên cạnh đó, sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh 18 đơn vị hành chính xã, thị trấn của huyện Sa Pa để thành lập 6 phường và 10 xã thuộc thị xã Sa Pa mới.
Theo ông Tân, việc thành lập thị xã Sa Pa trên cơ sở huyện Sa Pa là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý để chuyển đổi mô hình quản lý từ chính quyền địa phương ở nông thôn (huyện) sang chính quyền địa phương ở đô thị (thị xã), bảo đảm thực hiện tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã và đang có tốc độ đô thị hoá nhanh.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Sa Pa, vì theo đề án sẽ giảm được 2 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Sa Pa. Tuy nhiên, Sa Pa chỉ xấp xỉ đạt 3/5 tiêu chuẩn, còn 2/5 tiêu chuẩn và 1 tiêu chí chưa đạt theo quy định của Quốc hội.
Mặc dù chưa đạt tiêu chuẩn, song Chính phủ đề nghị xác định đây là trường hợp đặc biệt để được áp dụng cơ chế đặc thù theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 31 của Nghị quyết số 1211 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính của Quốc hội, trong đó quy định: “Trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia thì việc thành lập đơn vị hành chính có thể được cơ quan có thẩm quyền quyết định trước khi đạt được những tiêu chuẩn tương ứng quy định tại Chương 1 của Nghị quyết”.

Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, trình bày báo cáo thẩm tra sáng 11.9

Ảnh Gia Hân

Về vấn đề này, ông Định cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ có thể xác định Sa Pa thuộc trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, yêu cầu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, thường chỉ đặt ra đối với đơn vị hành chính là hải đảo cần có cơ chế đặc thù để quản lý; vấn đề bảo đảm về quốc phòng, an ninh là yêu cầu chung của các đơn vị hành chính trong cả nước chứ không chỉ riêng Sa Pa.
Vì vậy, việc vận dụng trường hợp đặc biệt quy định tại Nghị quyết 1211 là chưa thuyết phục.

Băn khoăn vềnhững tác động, ảnh hưởng lớn đến người dân

Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, do đây là cuộc điều chỉnh, sắp xếp một cách toàn diện về đơn vị hành chính trên toàn huyện Sa Pa, với 15/18 đơn vị hành chính (chiếm 83,3%) bị thay đổi tên gọi, địa giới hành chính, quy mô dân số, diện tích tự nhiên nên nhiều thành viên Ủy ban này còn băn khoăn về những tác động, ảnh hưởng việc thành lập thị xã, sắp xếp các đơn vị hành chính đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân, đặc biệt là người dân ở các xã được điều chỉnh để thành lập phường.
Từ đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và chính quyền tỉnh Lào Cai phải nỗ lực, quyết tâm xây dựng thị xã Sa Pa phù hợp với quy hoạch, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; hỗ trợ ngân sách, huy động các nguồn lực đầu tư để Sa Pa phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo đảm quyền lợi, đời sống, sản xuất của nhân dân và hiệu lực, hiệu quả của bộ máy các cơ quan trong cả hệ thống chính trị, quyền lợi và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức trên địa bàn.
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết thành lập 4 phường thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.