Ưu tiên phương tiện công cộng loại nhỏ

04/09/2015 05:32 GMT+7

Với tư cách một người dân quan tâm đến vấn đề giao thông TP, PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm nước và biến đổi khí hậu - Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết hiện nay có 2 quan điểm trong cách quản lý giao thông đô thị.

Với tư cách một người dân quan tâm đến vấn đề giao thông TP, PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm nước và biến đổi khí hậu - Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết hiện nay có 2 quan điểm trong cách quản lý giao thông đô thị.

Cách quản lý thứ nhất là làm sao lượng xe phù hợp với việc phát triển hạ tầng đường sá để không hoặc ít xảy ra tình trạng kẹt xe đô thị. Chính quyền TP.HCM hiện đang đi theo quan điểm này thông qua các biện pháp như tăng các loại phí, thuế đối với phương tiện giao thông cá nhân, cầu đường…
Tuy nhiên, các biện pháp vừa nêu cũng không giải quyết được bởi giá xe có tăng thì người dân cũng phải mua. Cách thứ hai được một số quốc gia chọn là phát triển kinh tế nhờ giá cước vận tải giảm. Khi đó, chính quyền giảm giá xe xuống để tăng sản lượng phương tiện và sự cạnh tranh khiến giảm được cước vận tải. Nền kinh tế sẽ được lợi từ khâu này.
Song song đó, Chính phủ đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho sản xuất ô tô, đồng thời thu thuế từ các ngành phụ trợ để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, cầu đường. Hiện nay, thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã và đang đi theo hướng này, nhưng kẹt xe vẫn xảy ra.
Không nên cực đoan
Có thể thấy, cả 2 cách chọn lựa nhưng vẫn không giải quyết được nạn kẹt xe, chứng tỏ giữa hai thái cực trên luôn luôn có mâu thuẫn. Các nước phương Tây vào VN đều khuyên phải giới hạn xe ô tô, thậm chí giới hạn xe gắn máy, phát triển giao thông công cộng…
Việc này ai cũng biết đúng, nhưng biết là một chuyện còn làm được hay không là chuyện khác. Bởi, đặc điểm cấu trúc đô thị của VN không đơn giản là đưa giao thông công cộng vào là phù hợp.
Xe buýt hiện nay ở TP.HCM không thể vào hẻm. Người dân đi chợ mua hàng về nhà, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa… không thể đi bộ 500 - 700 m từ trạm xe vào nhà, chưa kể vài ki lô mét từ trạm xe buýt tới đầu hẻm. Từ đó, mấu chốt vấn đề là không nên cực đoan, tuyệt đối hóa giao thông công cộng.
Thay xe buýt to đùng bằng xe nhỏ
Phát triển giao thông công cộng phải luôn luôn có lộ trình, lộ trình ấy không thể ngắn mà tối thiểu phải 20 - 30 năm. Trong thời gian đó, cách tốt nhất là chọn những phương tiện giao thông công cộng với mức độ, kích cỡ vừa phải. Hiện tại, các đô thị ở VN như TP.HCM lại chọn giải pháp cấm hết các loại xe: ba gác, xe lam, Daihatsu… để rồi cuối cùng đưa ra xe buýt to đùng. Những xe buýt to đùng chạy lúc nào cũng không đủ công suất, lúc nào cũng trống khách nhưng chiếm hết hơn nửa con đường.
“Tôi cho rằng cái sai lầm của việc phát triển giao thông công cộng nằm ở chỗ đó. Đã có sự nóng vội đi trước quá sớm. Thậm chí, ngay cả đường sắt đô thị (metro) khi làm xong cũng chưa chắc giải quyết được vấn nạn ách tắc giao thông vì đơn giản metro chỉ có 2 - 3 tuyến trong khi TP.HCM có hàng nghìn ki lô mét đường thì không thể giải quyết được”, ông Phi nói và cho rằng nên ưu tiên phát triển các phương tiện giao thông công cộng loại nhỏ.
Có như vậy, 20 - 30 năm sau VN mới mong giải quyết nạn kẹt xe. Còn từ nay tới đó mà cứ tăng lượng xe buýt to đùng thì đừng mong giải quyết kẹt xe. “Tôi đề nghị TP khôi phục lại hệ thống xe công cộng loại nhỏ. Việc này còn giúp khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, bởi các hãng ô tô trong nước như Trường Hải, Vinaxuki… thừa sức thực hiện”, ông Phi thẳng thắn chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.